Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, thông tin nhiều trường không có thí sinh nào đăng ký dự thi môn Lịch sử đã khiến dư luận bất ngờ. Có thể kể đến trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Quảng Ninh), trường THPT Trưng Vương (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)... Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo, năm nay, cả nước có gần 12% học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Sử.
Tại hội đồng thi THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) có duy nhất thí sinh Phạm Khánh Linh dự thi môn Sử. Số điểm đạt được ở môn thi này của Linh là 7,5. Được biết, điểm trung bình môn Sử năm lớp 12 của Khánh Linh đạt trên 9 phẩy, thi thử môn Sử đạt loại giỏi.
Sau khi kết quả điểm thi tốt nghiệp được công bố, trong cả nước đã có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử. Đó là em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (SN 1996, trường THPT Huỳnh Thị Hưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và thí sinh L.T.Q., (thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Theo thông tin trên tờ Gia đình & Xã hội, bí quyết học môn Sử của Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh không có gì đặc biệt. Quá trình học phổ thông em đều tự học ở nhà, sáng đến lớp học, chiều ôn Văn, Toán, Hóa… Buổi tối dành khoảng 3 tiếng để ôn luyện riêng môn Sử. Quỳnh Anh hay xem phim tài liệu lịch sử nên dễ nhớ kiến thức và biết nhiều thông tin hơn. Mỗi lần học và xem phim giúp Quỳnh Anh nhớ lâu hơn, và đã đạt điểm 10 môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp. Điểm tổng kết cả năm môn Sử của Quỳnh Anh đạt 9,7. Năm 2014, Quỳnh Anh đoạt giải B cấp Quốc gia môn Sử, là học sinh giỏi môn Sử cấp tỉnh. Với điểm 10 Sử, Quỳnh Anh sẽ dự thi khối C vào trường Đại học Cảnh sát Nhân dân.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh. (Ảnh: Gia đình & Xã hội)
Riêng với thí sinh L.T.Q., (thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), dù đạt điểm tuyệt đối môn Sử nhưng em vẫn trượt tốt nghiệp bởi môn Toán bị điểm liệt (1 điểm).
Còn nhớ, ngày 29/3/2013, sau khi Bộ GD-ĐT thông báo sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, một clip ghi lại cảnh học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé đề cương môn Lịch sử đã gây "sốc" trong dư luận.
Học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé đề cương môn Lịch sử vào tháng 3/2013.
Trước đó, năm 2012 theo thống kê của các trường Đại học có thi môn Sử, số lượng bài thi dưới trung bình chiếm từ 80 – 90%. Năm 2011, nhiều trường Đại học có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình.
Một cô giáo đưa game Đế chế vào môn Lịch sử
Trong một lần đi tìm học sinh ham chơi game, bỏ bê học hành, thấy học trò mải mê chơi game không chịu trở lại trường, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Trần Quý Cáp (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhỏ nhẹ hỏi: “Con đang chơi trò gì bày cho cô với?”. Thế là học trò bày cho cô chơi game Đế chế III. Chơi xong, cô Minh đã đưa được trò trở lại học, còn cô nảy ra ý tưởng đưa phần mềm đồ họa của game vào giảng dạy bài trận chiến Thành Cổ Loa môn Lịch sử. Sau cả năm trời mày mò, từ mò học tiếp xúc với phần mềm đồ họa trên game đến mày mò ghép cảnh, dựng bài giảng, có khi bí quá cô gọi điện ra Hà Nội nhờ bạn bè là các chuyên gia đồ họa để học hỏi từng nút lệnh trên máy tính…
Sau đó, đề tài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô Minh đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Cô Minh bảo: “Niềm vui lớn nhất của mình không phải là giải thưởng mà là sự thích thú của học sinh sau giờ học môn Lịch sử”. (Theo Infonet)
>> Xem thêm clip: Học sinh xé đề cương môn Sử
(Nguồn: Youtube)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA