Hải sản khô: Rửa nước sông nổi rác, phơi ruồi nhặng bu đen

2 người phụ nữ liền đến lấy mực đem xuống sông để rửa, mặc dù nước sông ở đây đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh.

Từ lâu, hải sản khô Nha Trang đã được người tiêu dùng tin tưởng. Thế nhưng, bên cạnh những cơ sở chế biến, kinh doanh nghiêm túc vẫn còn không ít cơ sở chưa chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của loại đặc sản này…

Hải sản khô phơi bên lề đường.
Mực được rửa bằng nước bẩn.

Đặc sản phơi vỉa hè

Không biết từ bao giờ, người dân sống ở khu vực Hòn Rớ, TP. Nha Trang - một trong những vựa thủy sản khô lớn nhất của thành phố biển - đã tận dụng vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh (con đường chạy dọc theo sông Quán Trường) để phơi thủy sản. Cá hố, cá đuối, mực, xương và da cá nhám... phơi trên các vỉ, một số điểm còn phơi cá ngay trên nền vỉa hè mà không cần lót bạt.

Khoảng 10 giờ sáng 14-4, một người đàn ông chở mấy bao tải mực cơm ướp muối chạy đến vỉa hè gần đối diện với chợ Hòn Rớ. 2 người phụ nữ liền đến lấy mực đem xuống sông để rửa, mặc dù nước sông ở đây đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh. Hỏi mua mực, người phụ nữ này cho biết mực giá 65.000 đồng/kg, bằng với giá để sỉ cho các tiểu thương ở các chợ tại Nha Trang.

Hải sản phơi bên cạnh mương nước.

Ngay bên hông chợ Hòn Rớ, có một sân phơi hải sản khô khá lớn. Ở đây, cá phơi san sát nhau từ da cá nhám, cá thu, nhưng nhiều nhất vẫn là cá hố... Điều đáng nói là “đặc sản” được phơi ngay sát bên con kênh đầy rác, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nhiều liếp hải sản ruồi nhặng bu đen kịt...

Hỏi chuyện, người bán hàng nước gần đó cho biết: “Mỗi lần những người này đem cá, mực ra phơi là hôi không chịu nổi. Còn an toàn hay không thì tôi không biết, vì chúng tôi không ăn bao giờ”!

Hỏi mua hải sản khô, nhiều người giới thiệu đến cơ sở của bà Hằng ở Hòn Rớ. Đó là một điểm chế biến nằm ngay sát mép biển, có cả nhà kho để cất giữ hàng khô. Khi chúng tôi đến, bà Hằng và một nhóm phụ nữ đang lấy mực khô từ trong các bao ni lông (cấp đông) ra phân loại. Mực được vứt ngay giữa nền nhà bẩn, bên cạnh là một rổ đầu cá đầy ruồi nhặng. Cách đó vài bước chân, một phụ nữ đang nhúng cá tẩm vào một thùng nước màu đỏ au. Những lát cá nhợt nhạt sau khi nhúng vào thứ nước này liền có màu đỏ, rồi được đem đi phơi.

Những người làm ở đây cho biết đó là nước màu của ớt, nhưng khi chúng tôi gặng hỏi “có thêm chất phụ gia gì không” thì họ vờ như không nghe thấy. Bà Hằng cho biết, hải sản khô ở đây được bán cho các tiểu thương ở chợ Đầm, chợ Xóm Mới (Nha Trang), các tỉnh Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh. Họ sẵn sàng cung cấp hàng với số lượng lớn.

Cá hố tẩm giá 75.000 đồng/kg, mực loại lớn 95.000 đồng/kg, mực nhỏ 85.000 đồng/kg (ở đây đều là mực xà hay còn gọi là mực ma, ăn không ngọt và thơm như mực ống)... Một người làm dẫn chúng tôi vào nhà kho để xem hàng, trong kho có rất nhiều cá hố phơi khô, cá tẩm đã được đóng thùng để đem đi tiêu thụ. Toàn bộ hàng đều không có nhãn mác. “Mình chỉ làm hàng, còn các tiểu thương mua về sẽ gắn nhãn mác của họ để bán cho người tiêu dùng. Nghề này nó thế, mỗi người một công đoạn”, người này cho biết.

Bên trong một cơ sở chế biến hản sản tẩm ướp ở khu vực Hòn Rớ.

Ma trận hải sản khô...

Vừa vào đến cổng chợ Đầm - nơi có nhiều sạp hàng hải sản khô bán cho khách du lịch - một người bán mực rong đã chèo kéo chúng tôi mua mực với giá 200.000 đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi: “Mực này có phải mực ống không?”, người này gật đầu và giải thích: “Mực của tôi cũng như trong chợ nhưng giá rẻ hơn bởi không mất tiền thuê lô sạp, thuế”.

Khi chúng tôi quả quyết đây là mực ma, người này liền nói: “Tiền nào của nấy, tiền ít mà cứ đòi mực ngon” rồi bỏ đi! Chợt nhớ, trước đây một người quen ở Đắk Lắk sau khi du lịch ở Nha Trang về đã gọi điện than vì mua phải mực dỏm của những người bán rong, báo hại anh phải xin lỗi bạn bè vì đã tặng đặc sản dỏm.

Một quầy bán hải sản khô tại chợ Đầm.

Đến các ki-ốt hải sản khô ở chợ Đầm, vừa thấy khách, những người bán hàng ở đây đã đon đả mời chào mua mực, cá khô, tôm khô... về làm quà. Ở  đây, hàng của tiệm nào thì để nhãn mác của tiệm đó chứ không có tên của cơ sở sản xuất. Thậm chí, có nhiều mặt hàng như hải sâm, cá cơm, cá thu, vi cá mập... chỉ để tên hàng cùng dòng chữ “Đặc sản Nha Trang” mà không có nhãn mác của tiệm, thời hạn sử dụng.

Các tiểu thương ở đây cho biết, họ mua từ các tàu đi đánh bắt, ngoài ra còn mua hàng từ Hòn Rớ. Khi hỏi về hạn sử dụng, có chủ hàng trả lời vô tư: “Hàng khô thì làm gì có hạn sử dụng, có để năm này qua năm khác vẫn dùng được. Yên tâm đi, hàng của chị toàn là hàng mới?!”.

Trong hơn một giờ đồng hồ loanh quanh ở các sạp hàng hải sản khô, chúng tôi bắt gặp nhiều khách du lịch tìm đến đây để mua hàng. Phần lớn khách du lịch chỉ quan tâm đến giá cả, ít người hỏi về xuất xứ của hàng, vấn đề VSATTP. Tại ki-ốt M.P, sau một lúc mặc cả, chị Kiều Oanh - du khách từ Hà Nội - đã mua 3kg mực, 2kg tôm khô, cá thu.

Bắt chuyện, chị Oanh cho biết: “Bạn bè biết mình đi Nha Trang nên nhờ mua, mình cũng mua thêm một ít để làm quà”. Khi được hỏi về kinh nghiệm mua hàng, chị chia sẻ: “Tôi thường chọn sản phẩm có màu trắng vì nghĩ đó là hàng sạch, không chọn các sản phẩm có màu sắc quá bắt mắt để tránh hóa chất... Kinh nghiệm vậy thôi, chứ nói thật cũng chẳng biết thế nào”.

Ai quản lý?

Băn khoăn về chất lượng VSATTP của hải sản khô, chúng tôi đã tìm đến cơ quan chức năng để tìm hiểu. Liên lạc với Chi cục VSATTP (Sở Y tế), câu trả lời chúng tôi nhận được là Chi cục chỉ quản lý những món ăn thành phẩm đã được dọn lên bàn ăn, còn mặt hàng hải sản khô phải hỏi ngành Thủy sản.

Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại cho biết: “Chúng tôi chỉ quản lý chất lượng của những cơ sở có đăng ký chế biến thủy sản, còn hàng thủy sản khô bán ngoài chợ do ngành Công Thương quản lý”. Theo ông Chánh, với hàng ở các cơ sở chế biến có giấy phép mà Chi cục đã kiểm tra trong thời gian qua, hầu hết đều đạt chất lượng, còn chất lượng của hải sản bán ngoài thị trường là trách nhiệm của Quản lý thị trường.

Liên hệ với ông Phạm Văn Hữu - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, ông cho biết việc quản lý hàng hải sản khô được bán ngoài thị trường có trách nhiệm của cả ba ngành Y tế, Thủy sản, Công Thương. Quản lý thị trường chủ yếu kiểm tra các quy định về nhãn mác, thời hạn sử dụng, nguồn gốc hàng hóa... chứ không có chuyên môn sâu về vấn đề VSATTP để kiểm tra. Các cơ sở kinh doanh đã để nhãn mác của mình thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại