Hai nông dân đi nhặt 5.000 xác hài nhi

Đau lòng khi chứng kiến thi thể một thai nhi vứt ngoài đường, ông Hoan bắt đầu đi nhặt xác. Sau đó có thêm thêm ông Đính và 2 người đã đưa về nghĩa địa hàng ngàn xác hài nhi.

Đau lòng với trăm ánh mắt vô tâm

Từ lâu, người dân trong vùng đều biết 2 nông Trần Ngọc Hoan (SN 1955) và Trần Văn Đính (SN 1964, cùng ngụ xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Ông Hoan kể: "Năm 2009, Mái ấm Tín Thác ở thôn Thanh Xuân 1 có tổ chức đi kêu gọi quyên góp để giúp đỡ những trẻ mồ côi. Tôi với một bà sơ đi trên đường thì gặp một cảnh tượng hãi hùng: Chúng tôi phát hiện một con chó đang ăn cái bọc, bên trong là một hài nhi đã chết.

Điều khiến chúng tôi đau lòng nhất là có rất nhiều người ở đó nhưng họ chỉ đứng nhìn bằng ánh mắt hiếu kỳ và vô tâm. Thấy thế tôi cùng một số người kiếm cái bình nhỏ bỏ đứa trẻ vào mang đi chôn cất".

	Ngày ngày chăm sóc mộ trẻ.

Ngày ngày chăm sóc mộ trẻ.

Từ đó, ông Hoan bắt đầu có những ý tưởng về một nghĩa địa để chôn cất những đứa trẻ bất hạnh. Ông Hoan cho biết: "Tôi cứ âm thầm làm với một suy nghĩ đơn giản. Những người bỏ đi đứa con của mình biết số điện thoại nên họ gọi cho tôi, nói địa điểm và tôi đến mang về chôn.

Lúc đầu xây nghĩa địa rất vất vả, đi qua nhà ai đang xây cất tôi liền ghé vào xin vài cân xi măng, vài chục viên gạch. Mãi sau này, nhiều người biết nên tìm đến cho gạch cát. Chúng tôi làm việc này không đòi hỏi tiền lương, tiền công từ ai hết".

Ông Hoan kể tiếp: "Thời gian đầu, không có người hỗ trợ, chúng tôi tìm mua được 1.400 m2 đất để chôn cất những đứa trẻ xấu số. Người ta bán miếng đất ấy với giá 450 triệu đồng, trong khi chúng tôi không ai có đủ tiền mua.

Ngày 27 Tết, tôi gọi cho 6 người bạn nhờ giúp đỡ. Họ giúp tôi được 30 triệu đồng để đặt cọc. Trong thời gian chờ đợi những tấm lòng hảo tâm, tôi về lấy sổ đỏ  đi cầm cố được 400 triệu rồi mua luôn mảnh đất ấy làm nghĩa trang.

Những sinh linh ấy cũng là một mạng người, nên tôi không có chút do dự trong quyết định này. Nghĩa địa được thành lập năm 2009, lấy tên là Tín Thác và cho đến nay đã chôn 5.000 thi thể hài nhi".

Ông Hoan cứ âm thầm làm công việc thiện nguyện ấy một mình cho đến năm 2011. Đó là khi ông Đính bắt đầu biết đến nghĩa địa này và tìm đến ông Hoan.

Ông Đính kể lại: "Tôi làm vườn kế nghĩa địa Tín Thác, thấy các bé được đưa về đây mà rất đau lòng. Tôi xin vào làm. Công việc của tôi là sáng thức dậy lúc 4h, ra các chợ để xin rau, thịt… cho những đứa trẻ mồ côi ở Mái ấm Tín Thác. Người ở chợ Bảo Lộc gọi tôi là "ông áo mưa" vì khi nào tôi cũng chỉ mặc một bộ áo mưa đi xin.

Tôi cũng nhận những cuộc điện thoại đi nhặt xác hài nhi. Khi đến những chỗ nhận xác có nhiều người để lại tờ giấy với dòng chữ "Nhờ các bác chôn giùm, xin cảm ơn". Tôi không quan tâm đến người gọi, kể cả chính những người đó là mẹ của đứa trẻ bất hạnh ".

	Hai người đàn ông âm thầm làm công tác thiện nguyện.

Hai người đàn ông âm thầm làm công tác thiện nguyện.

Bỏ con vì sống buông thả

Theo 2 nông dân này, đa số trường hợp phá thai là do suy nghĩ nông cạn và cuộc sống buông thả của cả cha và mẹ những đứa trẻ.

Ông Hoan kể: "Có một cô gọi tôi ra chợ Bảo Lộc đưa cho tôi cái hộp đựng đứa trẻ. Nhưng khi về tới nghĩa địa tôi mở hộp ra thì không thấy đầu đứa trẻ đâu. Khi tôi gọi điện gặp bà mẹ, thì người mẹ này khóc rất thảm thiết và luôn miệng nói: "Bác ơi, bác đừng cho chồng con biết, kẻo nó giết con".

Cô ta thanh minh rằng "khi có bầu 3 tháng thì chồng con bỏ đi tỉnh khác làm ăn, hơn một tháng anh ấy không gọi điện, con giận quá nên phá bỏ đứa bé. Con bỏ phần đầu hài nhi trong nhà vệ sinh, bây giờ con phải làm sao?". Tôi nói cô ấy tìm cách cho nó vào một cái hộp rồi nhờ người đưa cho tôi.

Trong lúc bạn cô ấy đem phần còn lại của đứa trẻ ra tới cửa thì đụng ngay người chồng từ phương xa về. Nhưng người chồng không hề biết, cảnh tượng ấy thật đau lòng".

Rưng rưng nước mắt ông kể tiếp: "Có lần, một phụ nữ có bầu 8 tháng mà còn đi phá thai khiến tôi rất bức xúc. Để có cuộc sống sung túc, cô không quan hệ với cha đứa bé nữa mà quay lại với người đàn ông yêu cô.

Người này nói rằng, nếu muốn lấy nhau thì phải bỏ đứa bé. Người phụ nữ ấy đã nhẫn tâm giết đứa con đang mang. Tôi luôn mong muốn mỗi ngày, mỗi giờ không còn phải gặp những cảnh tượng đau lòng ấy".

Mái ấm cho trẻ mồ côi

Bao lâu nay 2 lão nông luôn sát cánh cùng Mái ấm Tín Thác (ở thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Sơ Trương Thị Huyền Diệu cho biết: "Hiện tại, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hai chú Hoan, Đính đã "lượm lặt" những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy ngay từ khi chúng mới được sinh, mang về đây cho các sơ chăm sóc".

Còn ông Nguyễn Thái Hoàn (phó chủ tịch UBND xã Lộc Thanh) cho biết: "Nghĩa địa Tín Thác từ khi thành lập cho đến nay đã chôn 5.000 hài cốt thai nhi. Thời gian qua, chúng tôi có tuyên truyền ngăn cản việc nạo phá thai bừa bãi, nhưng cũng rất khó…".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại