Giờ đây, cả hai ông Nguyễn Văn Biểu (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An) và ông Lê Văn Xê (ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An) đã được đền đáp xứng đáng với những tấm bằng tốt nghiệp loại Khá của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, riêng ông Biểu trở thành Á khoa của toàn khóa học.
Á khoa Nguyễn Văn Biểu trong lễ trao bằng tốt nghiệp ngày 13/11/2012. (Ảnh chụp lại) .
Ông Lê Văn Xê nhận bằng cử nhân ở tuổi 69 với mái tóc đã bạc màu. (Ảnh chụp lại) .
Đôi bạn già cùng chí hướng
Kết thúc những tháng ngày đứng trên bục giảng của những thầy giáo làng, tưởng chừng cánh cửa tri thức đã khép lại với ông Nguyễn Văn Biểu và ông Lê Văn Xê. Nhưng, cánh cửa tri thức đó một lần nữa đã mở ra đối với hai ông, những con người luôn say mê với chuyện học.
Năm 2000, Nhà nước có thông báo: cá nhân, đại lý muốn kinh doanh ngành Bảo vệ thực vật phải có tối thiểu bằng trung cấp ngành Trồng trọt bảo vệ thực vật. Từ đây, sự ham học của hai ông đã trỗi dậy.
Hai ông cùng đăng ký đi học và trở thành học sinh Trường Trung học và Dạy nghề Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ (nay là Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ).
Cũng từ đây, tình cảm bạn bè giữa ông Biểu và ông Xê càng trở nên thân thiết khi hai ông có cùng chung một chí hướng lớn - sẽ tiếp tục học lên cho tới lúc lấy được bằng đại học.
Rồi một năm, hai năm, ba năm trôi qua, sự ham học của hai ông lại tiếp tục trỗi dạy khi Trường trung cấp dạy nghề NN & PTNT Nam bộ phối hợp với Trường CĐ Nông lâm Bắc Giang mở lớp liên thông cao đẳng.
Năm 2009, hai ông một lần nữa lại chinh phục con đường tri thức của mình khi nắm trong tay tấm bằng tốt nghiêp cao đẳng loại Khá.
Khi Trường trung cấp dạy nghề NN & PTNT Nam bộ phối hợp với Trường ĐH Nông lâm
Ngày 23/2, Hội Khuyến học tỉnh Long An và Sở GD-ĐT tỉnh Long An đã đến tận nhà trao giấy khen đột xuất cho ông Nguyễn Văn Biểu và Lê Văn Xê về thành tích nêu gương sáng người cao tuổi học tập suốt đời.
TP.HCM mở lớp đại học liên thông hệ vừa làm vừa học, hai ông không ngần ngại đăng ký thi luôn và trở thành sinh viên của trường.
Trong quá trình đi học, ông Biểu và ông Xê gặp không ít khó khăn. Nhưng dù đi học xa vào những hôm mưa to, nắng gắt hay bận bịu công việc gia đình đến mấy thì hai ông đều thu xếp để chạy xe máy hơn 30km từ Long An tới trường ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).
Kỷ niệm khiến hai ông nhớ nhất là vào năm 2009, ông Xê bị tai nạn ở chân nên không thể tự mình chạy xe máy đi học được, thế là những ngày đi học vào thứ 6, 7 và chủ nhật, ông Biểu lại chạy xe ngược lên nhà ông Xê để đón người bạn già cùng đi học.
“Thời gian tôi bị đau chân, ông Năm (tên thường gọi của ông Nguyễn Văn Biểu - PV) xuống chở tôi đi học một thời gian, có hôm ông bận việc thì tôi lại thuê xe ôm đi học chứ cũng không muốn nghỉ học, vì đối với tôi mỗi ngày đi học là một niềm vui” - ông Lê Văn Xê cho biết.
Sau 2 năm vất vả vừa lo tốt chuyện gia đình, vừa lo xong chuyện học đại học, cuối cùng hai ông Nguyễn Văn Biểu và Lê Văn Xê ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại Khá vào ngày 13/11/2012.
Ngày 23/2, ông Phạm Thanh Phong (bên phải) - phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An tặng giấy khen tới ông Nguyễn Văn Biểu về thành tích nêu gương sáng người cao tuổi học tập suốt đời.
Ông Phạm Thanh Phong (bên phải) tặng giấy khen tới ông Lê Văn Xê.
Còn sức khỏe sẽ còn học tiếp
Để có được thành công như hôm nay, ông Nguyễn Văn Biểu và Lê Văn Xê cũng không thể không nhắc tới vợ mình và cảm kích khi họ luôn đồng hành chăm lo cuộc sống gia đình, luôn ủng hộ, động viên và khích lệ chồng trong học tập.
“Thấy ông tuổi đã cao mà đi học lại vất vả, đã vậy ông còn phải đi học ở xa nữa nên tôi và con cái lo lắng khuyên ông không nên học nữa.
Nhưng ông lại nói phải đi học để làm gương cho con cháu, cũng vừa mở mang kiến thức, vừa là niềm vui, là mong muốn từ thuở nhỏ của mình nên tôi luôn ủng hộ động viên ông” - bà Nguyễn Thị Bê (68 tuổi), vợ ông Xê tâm sự.
Được biết, các con của hai ông Biểu và Xê đều học hành đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Năm người con của ông Xê đã trở thành những luật sư, nhân viên ngân hàng… Còn gia đình ông Biểu có 6 người con thì cả 6 người đều có bằng cử nhân đại học.
Dù sắp đến tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cả hai ông đều vẫn còn mong muốn được học lên nữa cũng là để thỏa niềm mơ ước học tập mà lúc còn trẻ do phải lo mưu sinh, lo cớm áo gạo tiền, lo cho gia đình con cái… chưa thực hiện được.
“Thời gian tới mà sức khỏe cho phép, tôi sẽ đi học tiếp, học ngoại ngữ xong rồi sẽ học cao học” - ông Biểu cho biết.