Hai bà lão chẳng thuê nổi chỗ trọ ở Đà Nẵng giờ ra sao?

Bảo Ngọc |

Ba tháng sau khi gặp tai nạn khiến chân trái bị gãy, bà Trần Thị Anh (79 tuổi, quê huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa thể đi lại được.

Mọi sinh hoạt, ăn uống của bà Anh đều nhờ sự giúp sức từ bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Bà Quế cho hay, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng yêu cầu bà Anh phải tập đi lại từ đầu từng bước một.

“Tôi sẽ luôn ở bên để lo lắng cho chị Anh.Tết này, tôi sẽ ở lại ăn Tết cùng chị ấy trong căn phòng trọ này để chị ấy không cảm thấy cô đơn”, bà Quế tâm sự.

Bà Anh và bà Quế là nhân vật chính trong bài viết “Hai bà lão chẳng thuê nổi chỗ ở vì... chủ nhà sợ họ chết” đăng trên Báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 9-11-2015. Bà Anh và bà Quế đều là những người phụ nữ nghèo bán vé số.

Họ không hề quen biết nhau từ trước. Bà Anh vì già cả, đau ốm nên chủ phòng trọ không cho thuê phòng trọ, phải nằm ngủ ngoài chợ. Bà Quế phát hiện sự việc nên đưa bà Anh về nhà trọ của mình ở chung.

Trong một ngày đi bán vé số, bà Anh gặp tai nạn gãy chân không thể đi lại được. Dù chỉ là người dưng nước lã nhưng bà Quế đã tự nguyện chăm sóc, giúp đỡ bà Anh như người chị em ruột thịt.

Ngày 24-1-2016, đại diện báo điện tử Trí Thức Trẻ đã trở lại căn nhà trọ đầy ắp tình người nơi bà Quế, bà Anh đang trú ngụ.

Đại diện báo đã trao tặng số tiền 3.000.000 đồng của bạn đọc ủng hộ nhằm giúp đỡ hai bà vượt qua khó khăn.

Bà Quế (trái) chăm sóc bà Anh như người ruột thịt của mình.
Bà Quế (trái) chăm sóc bà Anh như người ruột thịt của mình.

Ấm lòng nhờ các nhà hảo tâm

Hôm chúng tôi trở lại dãy trọ số 28 kiệt 250 trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thì trời mưa lạnh, bà Quế không thể đi bán vé số được như thường ngày nên ở nhà cùng bà Anh.

Bà Anh vẫn nằm dưới đất. Chân trái của bà đã được tháo bột nhưng vẫn chưa cử động được. Nhận ra người quen, bà nhoẻn miệng cười mời vào nhà. Bà Anh cho hay, chân bà đã cắt bột gần 1 tuần nhưng vẫn còn rất cứng.

Chân trái phải liên tục duỗi thẳng, chưa co lại, cử động bình thường được. Bệnh viện yêu cầu bà phải tập vật lý trị liệu, tập đi dần dần.

“Bác sĩ nói tôi tuổi cao nên xương rất khó lành. Muốn đi lại được thì phải siêng năng tập luyện. Tôi già rồi đâu tự tập được, mọi chuyện đều nhờ cả vào bà Quế. Bà ấy thương tôi nên ngày nào cũng bóp chân, dìu tôi đứng dậy tập đi.

Tôi ở trong phòng lâu ngày bức bối, bà ấy cho tôi lên chiếc xe lăn mà một nhà hảo tâm tặng rồi đẩy đi quanh xóm hít khí trời. Bà ấy chăm tôi còn hơn cả ruột thịt”, bà Anh nói.

Bà Quế mìm cười, kể: “Tôi thương chị ấy thì gắng chăm sóc hết sức có thể trong khả năng của mình. Câu chuyện của tôi được báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng tải thì có nhiều người biết và đến giúp sức cho tôi chăm sóc chị Anh”, bà Quế cho hay.

Theo bà Quế, ngay sau khi câu chuyện của hai bà được báo chí đăng tải, nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi trong cả nước đã ủng hộ, giúp đỡ bà cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bà Quế cho hay, tổng số tiền mà hai bà nhận được khoảng hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều người còn gửi quà như gạo, dầu, mắm muối cho hai bà.

“Có người biết mà đến trao tận tay chúng tôi, thăm hỏi rồi ngồi lại tâm sự. Họ còn cho số điện thoại, khi nào hết gạo ăn hay thiếu cái gì thì gọi là họ sẽ giúp.

Có một nhà hảo tâm ở tận TP.HCM gửi tặng bà Anh một chiếc xe lăn giá gần 10 triệu mà không cho biết tên.

Chính quyền địa phương, công an phường cũng thường đến thăm hỏi. Mỗi đợt đi bệnh viện khám cho bà Anh là họ cho người chở đi nên chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều”, bà Quế tâm sự.

Đại diện Báo điện tử Trí Thức Trẻ trao tiền bạn đọc ủng hộ.
Đại diện Báo điện tử Trí Thức Trẻ trao tiền bạn đọc ủng hộ.

Ăn Tết trong nhà trọ

Bà Quế cho biết, dù nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người bà vẫn đi bán vé số như bình thường. Bà đi bán từ lúc 5 giờ sáng, đến khoảng 7 giờ thì về giúp bà Anh ăn sáng rồi trở lại công việc.

Theo bà Quế, hai bà vẫn nấu bữa trưa, bữa tối chứ không mua thức ăn ở ngoài.

“Mình nấu ăn vừa rẻ, vừa hợp miệng cho bà Anh dễ ăn. Riêng ngày Rằm, mồng một thì có người bên chùa mang sang cho cơm chay.

Số tiền mọi người cho, tôi dành dụm lại để lỡ có việc gì còn lo cho bà ấy. Tết ni tôi cũng sẽ trích ra một ít, sắm sửa đồ Tết cho hai bà già này. Bà ấy mấy chục năm ni ăn Tết một mình rồi thì năm nay sẽ có tôi”, bà Quế nói.

Hai người phụ nữ quá tuổi thất thập cũng ngóng Tết như con trẻ. Bà Anh cho hay, những năm còn trẻ bà đi làm công cho nhà chủ. Ngày Tết, chủ cho về quê ăn Tết nhưng bà chỉ biết tìm một phòng trọ thuê phòng ở qua ngày.

“Nhà tôi ở quê chẳng còn ai thân thích nên về cũng không biết gặp ai, làm gì. Mấy chục năm qua tôi phải ăn Tết một mình. Tết này tôi có bạn rồi, bà ấy bỏ Tết với con cái mà ở với tôi”, bà Anh mắt đỏ hoe nói.

Bà Quế cho hay, các con bà tỏ ý muốn bà đón cả bà Anh cùng mẹ về quê ăn Tết. Tuy nhiên, bà Anh chưa đi lại được, đường về quê lại xa xôi nên họ không thể về quê.

“Tui nói với con tôi mẹ đã giúp thì giúp cho trọn. Tết này mẹ ở với bà ấy. Các con tôi nó đồng ý và hứa mồng 3 sẽ ra chơi với tụi tôi.

Nhiều nhà hảo tâm cũng hứa là Tết ni sẽ đến phòng trọ chơi với chúng tôi. Có người đến trò chuyện, chia sẻ là tụi tui ấm lòng rồi”, bà Quế xúc động nói.

Nhận số tiền 3.000.000 đồng của bạn đọc báo điện tử ủng hộ nhằm giúp đỡ, bà Anh, bà Quế nghẹn ngào nói lời cảm ơn.

“Cảm ơn mọi người quan tâm đến chúng tôi. Tôi giúp bà ấy là vì cái tình, cái nghĩa giữa người và người. Tôi tin rằng còn có nhiều người tốt như tôi. Tôi xin cảm ơn mọi người”, bà Quế chia sẻ.

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại