Thấy bà Anh nằm ngủ bên cửa chợ trong đêm, bà Quế liền dẫn về nhà trọ của mình tá túc. Khi bà Anh chẳng may gặp tai nạn trên đường mưu sinh, bà Quế một mình vừa chăm sóc người bạn già vừa làm việc kiếm tiền nuôi cả hai.
Căn phòng trọ tình người
Chúng tôi đến dãy nhà trọ số 28 nằm sâu trong kiệt 250, đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để tìm gặp hai người phụ nữ ấy.
Căn phòng trọ ở cuối dãy chỉ rộng chừng 9 mét vuông đang mở hé cửa. Một cụ bà nằm trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà bằng xi măng. Cụ cho biết mình là Trần Thị Anh (79 tuổi, quê huyện Nông Sơn, Quảng Nam).
Căn phòng này là nơi tá túc qua ngày của bà Anh, bà Quế và một thanh niên khác làm nghề bốc vác.
“Chúng tôi thuê phòng ở đâu chủ cũng không cho thuê vì họ sợ chúng tôi già rồi, biết đâu chết bất đắc kỳ tử. Chỉ có cậu thanh niên nghèo này chịu cho hai bà già này ở chung.
Cậu ấy chịu một nửa tiền phòng, hai chúng tôi một nửa. Cậu thanh niên đi làm đến khuya mới về còn bà Quế đi bán khoảng 11 giờ mới về nấu cơm”, bà Anh cho hay.
Cửa mở nhưng căn phòng vẫn tối om. Chiếc quạt cà tàng chạy phát ra tiếng kêu lạch bạch. Trong phòng chỉ có một chiếc ti vi cũ, một tủ vải rách và chiếc bếp ga mi ni là có giá trị.
Bà Anh nằm trên chiếu, hai chân duỗi thẳng vừa đủ chiều rộng căn phòng. Chân trái bà bó bột trắng toát, không cử động được.
Bà kể, 2 tháng trước trên đường đi bán vé số, bà bị một chiếc xe máy đụng phải, bị gãy chân.
“Tôi trốn viện về nhưng bà Quế không chịu. Cậu thanh niên gây tai nạn đưa 1 triệu đồng còn lại bà Quế đi vay thêm tiền để lo cho tôi. Hai tháng nay tôi nằm một chỗ ở nhà, bà ấy lo cho tôi hết mà chẳng nề hà gì cả.
Tôi không máu mủ ruột rà mà bà ấy coi như chị em. Không có bà ấy ở bên, chắc tôi chết rồi”, bà Anh nặng lòng thổ lộ.
Tiếng một người phụ nữ từ đằng xa đi lại: “Bà lại nói xấu gì tôi đó?”. Người nói là bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi, trú tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Trên tay trái bà Quế là hai con cá nục, một bó rau muống và chai xì dầu. Tay phải bà là sấp vé số vẫn còn hơn 100 tờ.
“Bữa trưa của hai bà già chỉ có vậy thôi”, bà Quế cười, giải thích rồi lấy nước cho bà Anh uống và cũng không quên mời khách lạ.
Đã quá tuổi thất thập, bà Quế vẫn còn khỏe mạnh, đôi mắt tinh anh, làn da trắng hồng và khuôn mặt vô cùng phúc hậu.
“Bà ấy (bà Anh) chỉ nói luyên thuyên thôi, ơn nghĩa chi ở đây. Chị em tôi thương nhau thì khi bà ấy gặp hoạn nạn, tôi phải chăm lo cho bà ấy chứ!”, bà Quế nói.
Bà kể, hai bà cùng đi bán vé số nên đã biết nhau từ trước. Một đêm mưa gió, lạnh thấu xương vào khoảng tháng 12/2014, bà đi bán vé số đêm về thì thấy bà Anh trải chiếu nằm ngủ ở cửa chợ Phước Mỹ (Sơn Trà, Đà Nẵng).
Bà Quế liền đến hỏi thăm thì phát hiện người bà Anh nóng sốt nên dìu về phòng.
“Bà ấy già lại hay ốm đau nên chủ nhà trọ họ đuổi vì sợ chết trong nhà. Thấy bà ấy đơn côi, tôi rủ về ở chung với tôi cho có bạn. Chủ nhà trọ chỗ tôi cũng đuổi, may nhờ có cậu thanh niên thuê cái phòng này rồi cho tụi tôi ở ké”, bà Quế kể.
Hai bà hàng ngày đến đại lý lấy vé số đi bán, tối về tỉ tê nói chuyện đời của mình cho nhau nghe. Cuộc sống vất vả, nghèo khổ nhưng có chỗ dựa cho nhau. Vậy nhưng từ ngày bà Ánh gặp nạn nằm một chỗ, gánh nặng đè lên vài bà Quế.
Một mình bà Quế phải lo mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho bạn già. Hàng ngày, bà Quế phải dậy từ 5 giờ sáng rồi tranh thủ đi bán vé số buổi sớm.
Đến hơn 7 giờ, bà lại tất tả mang đồ ăn sáng khi thì bịch cháo, bát bún hay chén bánh cuốn về cho bà Anh. Bà Quế tự tay mình đút cho bạn ăn xong rồi lại tất tả đi mưu sinh.
“Giờ tui phải làm để nuôi hai người. Nhiều bữa về đến phòng thấy bả đi vệ sinh hôi thối tui cũng tức, cũng có hờn giận bả nên la vài ba tiếng. Bị la là bả khóc tội lắm, tôi phải làm lành ngay”, bà Quế kể.
Bữa cơm của hai người bạn già
"Tôi sợ phải chết một mình"
Kể về mình, bà Quế cho biết, chồng chết sớm để lại cho bà một đàn con lít nhít sáu đứa. Một tay bà nuôi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho từng người.
Bà nghèo, các con bà ai cũng nghèo. Ruộng chỉ mấy sào, cày cấy trồng trọt mãi mà cuộc sống chẳng khá giả hơn.
Bà Quế không muốn nhờ cậy con nên 3 năm trước quyết định ra Đà Nẵng bán vé số.
"Về già, tôi còn có con có cháu mà nương tựa còn bà ấy thì…”, bà Quế bỏ dở câu nói, đưa ánh mắt đầy thương cảm nhìn bà Anh.
Chẳng biết từ lúc nào, nước mắt bà Anh chảy dài trên khóe mắt. Bà cũng từng có chồng, có con như tất cả mọi người, nhưng rồi số phận cướp hết họ từ tay bà.
Năm 1963, một trận bom Mỹ trút xuống làng, một quả bom rơi xuống chính giữa căn nhà của bà khiến cả gia đình thiệt mạng. Hôm đó, bà Anh ra đồng nên thoát chết.
Tiếp đó, cơn lũ dữ năm 1964 cuốn trôi căn nhà tranh mới dựng lại khiến bà không còn chỗ nương thân.
“Tôi bỏ làng ra Đà Nẵng mưu sinh từ đó. Nửa cuộc đời tôi đi ở đợ, chăm trẻ cho gia đình người khác để kiếm sống”, bà Anh nói.
Tuổi già ập đến, ở tuổi 70, chẳng ai còn thuê bà làm việc nhà như trước. Bà thất nghiệp. Không còn người thân ở quê, bà đành đi thuê phòng trọ ở rồi lấy vé số đi bán. Đó là những năm tháng bà sống trong cô độc, buồn bã cho đến khi gặp được bà Quế.
Bà khóc: “Ông trời bắt tôi phải sống một mình cả đời. Tôi chẳng còn ai là bà con thân thích. Tôi sợ phải chết một mình mà chẳng có ai hay biết mà ở bên cạnh”.
Bà Quế nắm chặt tay bà Anh để an ủi. Theo bà Quế, lúc mới đưa bà Anh về ở cùng thì các con bà cũng phản đối. Họ khuyên bà để bà Anh cho xã hội chăm sóc hay đưa vào trại dưỡng lão vì mình cũng nghèo, nhưng bà Quế nhất quyết không nghe.
“Tụi nó vì nghèo nên nói thế thôi chứ tháng nào cũng đưa gạo ra cho tụi tôi ăn...”, bà Quế cho hay.
Bà cho biết, cuộc đời hai người giờ đây như đã gắn lại. Bà Quế muốn làm một người em để chia sẻ nỗi cô đơn, bất hạnh của bà Anh.
“Tôi với bả chẳng máu mủ ruột rà chi hết. Tụi tôi chỉ là bèo nước gặp nhau trong cuộc mưu sinh, cùng cảnh nghèo nên lo lắng, chăm sóc cho nhau. Cứ vậy riết nên tụi tôi thành chị em lúc nào không hay. Giờ bả bị nạn, tôi mà bỏ thì ai lo cho bả bây chừ”, bà Quế bày tỏ.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.