Theo ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban Khu di tích lịch sử Nguyễn Du cho biết, chiếc lư hương cổ nói trên là một khối đá màu xám mịn nguyên chiếc, cao 38 cm, nặng khoảng 4kg, được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống. Có dáng hình trụ vuông, thế chân quỳ. Bốn mặt lư hương có các họa tiết lưỡng long triều nguyệt, hoa sen và hổ phù.
Chiếc lư hương được phát hiện trong hoàn cảnh rất đặc biệt, trong đợt đỉnh lũ năm 1986-1988 gia đình anh Trần Nhật Sinh, tổ dân phố Tuần Cầu, P.Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh đã vô tình phát hiện lư hương bằng đá nói trên nằm ngay bờ cây tại khu phế tích Đền Cả, anh Sinh nhặt lên rửa sạch và đưa về bảo quản đến nay đã gần 30 năm.
Sau khi các phương tiện thông tin đăng tải viêc phát hiện tượng cổ và chủ trương phục dựng lại di tích Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười, gia đình anh đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương tiến hành thủ tục bàn giao lư hương cổ trên cho ban văn hóa phường bảo quản.
“Những họa tiết trang trí trên thân lư hương là mô típ nghệ thuật cổ điển hình có niên đại khá sớm, đây là một trong những hiện vật độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa bổ sung thêm vào bộ sưu tập hiện vật liên quan phục vụ cho quá trình phục dựng tôn tạo di tích Đền Cả một di tích có niên đại khá sớm trong hệ thống di tích ở Hà Tĩnh”, ông Khoa cho biết thêm.