Chiến tranh biên giới 1979:Ký ức đau đớn về những quan tài rỏ máu

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Tác giả bài thơ "Bình độ 400" chia sẻ, sau 20 năm xuất ngũ, những hình ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn ám ảnh, đi vào cả những giấc mơ của ông...

>> Bài 1: Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin TQ đánh
>> Bài 2: Quân TQ năm 1979: "Chưa thấy đội quân nào ô hợp, hôi của như thế"
>> Bài 3: Chiến tranh biên giới năm 1979: VN đã tuân thủ ý kiến TBT Lê Duẩn
>> Bài 4: "Vì sao năm 1979 Trung Quốc không dám đem máy bay đánh VN?"

Lời tòa soạn: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Dù Trung Quốc đã rút quân vào đầu tháng 3/1979 nhưng những hy sinh mất mát của người Việt Nam chỉ kết thúc thực sự vào năm 1989, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giúp bạn đọc có những góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của quân và dân Việt Nam cũng như bản chất của hành động gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Gặp chúng tôi trên con phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), sau hơn 35 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của cựu binh, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên của trường Đại học Phương Đông), những hình ảnh ác liệt, tang thương của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn đọng lại rất rõ ràng.

Ông Hùng cũng chính là tác giả của bài thơ "Bình độ 400" nổi tiếng ghi lại trận đánh ác liệt ở địa danh này thuộc tỉnh Lạng Sơn vào năm 1981.

Theo lời kể của ông Hùng, tháng 8/1978, khi vừa tròn 18 tuổi và đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông lên đường nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại Ninh Bình. Khoảng 8 tháng sau, ngày 4/3/1979, ông được điều về đơn vị thông tin thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 3 Sao Vàng, trấn thủ biên giới phía Bắc.

Đơn vị ông lên đến Lạng Sơn cũng là lúc Trung Quốc bắt đầu rút quân nhưng như ông kể lại: “Mọi người thường tưởng quân Trung Quốc rút ồ ạt về nước nhưng không phải. Chúng rút từ từ và vừa rút vừa phá hoại, trong lúc rút vẫn bắn phá các công trình của ta. Tôi chứng kiến thị xã Lạng Sơn bị phá hủy hết. Những tòa nhà lớn xây từ thời Pháp, lính Trung Quốc cứ ốp bộc phá ở hai đầu và một quả ở giữa. Khi bộc phá nổ, tòa nhà không sập hẳn nhưng cũng tan hoang không thể sửa chữa được nữa. Rồi đến các nhà máy cũng bị đặt bộc phá để phá hủy tạo ra cảnh hoang tàn, khói lửa...”.

Những ngày sau đó, tình hình rất căng thẳng, quân Trung Quốc áp sát biên giới và tiếng súng, tiếng bom vẫn vang lên từng ngày.

Đến năm 1981, trên mặt trận Lạng Sơn mới lại diễn ra trận giao tranh ác liệt  tại địa điểm bình độ 400 thuộc xã Thanh Hòa, huyện Cao Lộc mà ông là một trong những người lính trực tiếp tham gia.

Ông Hùng

Ông Hùng, người áo đen, đứng ngoài cùng bên trái trong buổi kỷ niệm 30 năm nhập ngũ

"Trận Bình độ 400 có nhiều trung đoàn tham gia nhưng trung đoàn 2 của chúng tôi lúc bấy giờ được thiếu tướng Hoàng Đan trực tiếp đến tận sở chỉ huy động viên chiến đấu. Khu vực này có đặc điểm là sườn phía mình dốc còn phía bên Trung Quốc thì thoải hơn nên lính Trung Quốc đào hầm bê tông trú ẩn và làm được cả đường cho xe chạy.

Lúc đó Trung Quốc xua quân chiếm giữ điểm cao này còn ta đưa quân lên phản kích lấy lại. Quân Trung Quốc có lợi trên cao và có công sự vững chắc cho nên mình chỉ pháo kích và dùng đặc công đánh thôi chứ không ào ào đánh cả trung đoàn được. Chúng tôi ở tuyến sau cứ áp sát vào là pháo bắn như mưa lại phải bò xuống không tiến lên được”, ông Hùng nhớ lại.

Cũng theo ông Hùng, dù Trung Quốc có rất nhiều súng đạn và bắn sang ta không hề tiếc nhưng xét về kỹ, chiến thuật thì hoàn toàn thua xa so với lính Việt Nam.

"Nếu đụng độ thuần bộ binh thì lính Trung Quốc kém xa lính mình. Về sau chúng tôi phát hiện ra là lính Trung Quốc không phải tất cả được trang bị vũ khí, nhiều tên chỉ đi tay không. Mà những loại đấy chúng tôi cho chỉ là bọn đi đánh hôi. Có nhiều tên khi bị quân ta tiêu diệt tay vẫn còn ôm một bao khoai lang. Chúng chỉ ào ào xông lên nhưng hễ gặp hỏa lực mạnh là bỏ chạy.

Thêm nữa, sau này có lần chúng tôi gặp một quả đồi mà Trung Quốc từng đóng thì thấy có mặt đất chi chít hầm hàm ếch tránh pháo, hướng tránh thì đúng nhưng mật độ thì dày như tổ ong. Về nguyên tắc, đào dày như thế dễ thương vong lớn nếu chẳng may trúng pháo. Điều đó cho thấy lính Trung Quốc không tinh nhuệ”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng cũng khẳng định, lúc bấy giờ, ngoài tinh thần chiến đấu rất cao thì chính sự có mặt, giúp sức của những người lính già, vị tướng lão luyện đã giúp Việt Nam bảo vệ vững chắc biên cương.

"Như ở biên giới phía Bắc thời đó có tướng Hoàng Đan nổi tiếng với câu nói “sống, chết, thời, vận, số”. Có câu chuyện nói rằng khi ông đi thị sát gặp lúc địch bắn pháo như mưa nhưng ông vẫn ngồi yên quan sát. Hay, ông thường lấy một câu chuyện ngụ ngôn để động viên lính. Câu chuyện là có một ông bị thầy bói bảo là số bị hổ vồ cho nên không sống gần rừng, không dám vào vườn bách thú. Nhưng một hôm vào chùa nhìn thấy tượng con hổ hoảng quá đập đầu vào tường mà chết.

Chính nhờ những người chỉ huy như ông mà dải biên cương của chúng ta đã được bảo vệ vững chắc, toàn vẹn trước quân thù đông đảo", ông Hùng nhắc lại trong sự hào hứng.

Những giấc mơ đeo đẳng sau cuộc chiến

Và giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng những nỗi ám ảnh của cuộc chiến, về sự hy sinh của đồng đội của nhân dân vẫn cứ mãi đeo đẳng mãi trong ông.

Tấm hình trong balo của người lính Nguyễn Mạnh Hùng khi trở về.

Những tấm hình trong ba lô của người lính Nguyễn Mạnh Hùng khi trở về.

"Tôi còn nhớ khi tôi hành quân trên đường gặp những chiếc xe quan tài chở tử sĩ từ mặt trận về tuyến sau và những chiếc xe quan tài không từ hậu phương tiếp tục chạy lên biên giới. Hồi ấy cũng chu đáo hơn trước, bộ đội hy sinh có quan tài để khâm liệm. Nhưng đang thời chiến, khâm liệm chỉ sơ sơ, vì thế nên khi xe chạy, máu từ trong quan tài chảy ra nhỏ xuống đường.

Nhưng chúng tôi còn sợ hơn khi nhìn thấy xe chở quan tài trống từ hậu phương đưa lên. Tất nhiên những xe quan tài ấy thỉnh thoảng mới gặp nhưng mà mỗi lần nhìn thấy là hãi lắm. Điều đó cho thấy chiến sự ác liệt lắm. Những hình ảnh đó đã ám ảnh tôi mãi và cho đến 20 năm sau khi xuất ngũ thì nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy rất nhiều bóng đen. Tôi đã cố xua, cố làm mọi cách để nó đi nhưng không được, nó cứ lởn vởn quanh tôi. Và nói thực, đến giờ, nghĩ lại những hình ảnh về cuộc chiến vừa đi qua, tôi vẫn có cảm giác hãi hùng..", ông Hùng trầm ngâm nói.

Cùng với giấc mơ, phía sau cuộc chiến, những người lính như ông Hùng cũng còn đó những nỗi khó khăn, cực nhọc của cuộc sống mưu sinh.

"Những người lính như tôi trở về cuộc sống đời thường rất khó khăn để mưu sinh. Cá nhân tôi trở về lại đi học đại học thì thấy bình thường nhưng nhiều anh em khác vất vả lắm, phải đi bơm xe, chạy chợ rất vất vả.

Sự đãi ngộ cho anh em tuy có nhưng cũng hạn chế thôi, giá như không có chiến tranh thì cuộc sống họ sẽ khác đi nhiều. Nhiều người sẽ không phải chết, không bị thương tật và sẽ có công ăn việc làm tốt hơn vì họ không mất những năm tháng tuổi trẻ.

Chiến tranh là mất mát đau thương nên cần tìm mọi cách để tránh. Nhưng nếu khi hết mọi cách thì phải dũng cảm chiến đấu để trước hết bảo vệ cuộc sống của mình”, ông Hùng tâm sự.

Cũng chính từ những cảm xúc, nỗi niềm sau cuộc chiến này đã thôi thúc ông Hùng viết lên bài thơ "Bình độ 400" nổi tiếng:

"Đêm tháng Năm vào Bình độ Bốn Trăm

Đoàn xe trôi êm êm, tầm đại bác

Thuốc súng tanh, lá rừng kêu xào xạc

Chúng no máu rồi không cắn nữa đâu?

Lắc lư xe quan tài vượt về sau

Máu rỏ xuống đường cuốn vào cát bụi

Lại xe quan tài vượt lên lầm lũi

Tốp thương binh bê bết máu mặt, mày

Đám cướp kia Thánh, Phật dạy ăn chay

Chẳng kiêng gì ngày Rằm, mồng Một!

Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt

Tưới máu người cướp, giữ đất biên cương.

Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân

Ông bảo rằng: Sống, chết, thời, vận, số!

Cả Trung đoàn ào ào như thác lũ

Bình độ Bốn Trăm bình địa trận người.

Những chàng trai sống, chết trận này ơi!

Mưa đổ xuống ông Trời tuôn nước mắt

Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất

Người trở về ăn, sống, ở ra sao?"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại