Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết tại hội nghị triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội được Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức ngày 28/10.
Theo ông Lập, thực hiện yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT về việc công khai biểu đồ xe chạy các tuyến liên tỉnh, hiện nay Bến xe Nước ngầm đang phối hợp với Sở GTVT xây dựng biểu đồ chạy xe.
Tuy nhiên, trong biểu đồ đang xây dựng, ông chỉ băn khoăn từ trước đến nay có những tuyến không có xe nào chạy. Mặc dù, theo quy hoạch tuyến này có tới 500 lốt xe chạy/ một tháng nên không biết bao giờ mới đáp ứng quy hoạch.
“Từ trước đến giờ không nhìn thấy xe nào chạy tuyến đó nên không biết sau này thế nào”, ông Giám đốc Bến xe Nước Ngầm băn khoăn.
Trong khi nhiều bến xe quá tải thì tại Bến xe Nước Ngầm có lốt không có xe nào chạy. (Ảnh: Tuấn Minh)
Còn đại diện Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội - đơn vị quản lý 3 bến xe lớn ở Hà Nội là: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm cho biết, việc xây dựng biểu đồ cho xe chạy, hiện nay riêng Bến xe Gia Lâm là được tăng chuyến còn Bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát từ nay đến 2020 không được tăng xe.
“Hiện chúng tôi đã gửi biểu đồ chạy xe lên Sở Giao thông vận tải để công khai.
Tuy nhiên, do 3 bến hoạt động trên 3 quận khác nhau nên để hoạt động tốt phải có sự phối hợp giữa thanh tra Sở GTVT và phường trong việc đảm bảo an ninh trật tự”, vị đại diện Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết.
Bỏ chấp thuận tuyến khi "có chuyện”, ai chịu trách nhiệm?
Tại hội nghị đề cập đến vấn đề các xe khách sau khi xuất bến thường chạy vòng vo, rùa bò ngoài đường để bắt khách, ông Lưu Hồng Hoàng, Giám đốc Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội cho biết, xe ra bến chạy rùa bò là do bản thân doanh nghiệp rất muốn cân bằng thu chi.
Lý do là do biểu đồ xếp lốt trong bến chỉ 15 phút nên rất ít khách cho nên khi xuất bến thường phải chạy chậm để bắt thêm khách.
“Biểu đồ trong từng tuyến không nên để ít thời gian quá. Đối với vận tải thời gian 30 phút không phải lâu. Vì vậy cần cân đối biểu đồ xếp lốt tuyến xe.
Hiện nay có những tuyến hiệu quả rất thấp nhưng không thể bỏ vì liên quan đến công ăn việc làm nên vẫn phải duy trì”, ông Hoàng cho biết.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải Hà Nội đánh giá, trong thời gian vừa qua chất lượng phục vụ vận tải đã được nâng lên rõ rệt, từ trong bến xe đến xe chạy trên đường và nhân viên phục vụ trên bến xe, trong đó phải ghi nhận thành tích của Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu bây giờ đặt vấn đề bỏ quy hoạch luồng tuyến và chấp thuận tuyến thì cần phải xem xét cẩn thận, vì nếu bỏ khi xảy ra “chuyện” ai sẽ chịu trách nhiệm. Ví dụ, như vụ lộn xộn ở Mỹ Đình chẳng hạn.
“Không nên bỏ chấp thuận tuyến, vì bỏ sẽ không có cơ sở để xử lý tiêu cực sau này. Chỉ nên giảm thiểu các thủ tục cho các doanh nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính”, ông Liên nói.
Tại cuộc họp, trước hàng loạt ý kiến của các bến xe, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng nhận định, mặc dù công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước, vận hành bến xe, thậm chí lái xe… vẫn còn tồn tại một số yếu kém. Không ít trường hợp vì mục đích nâng cao lợi nhuận đã có những vi phạm cho nên cần phải tích cực chấn chỉnh.
“Sở sẽ tiếp tục tham gia cùng Bộ Giao thông vận tải để báo cáo Chính phủ cải cách thủ tục hành chính.
Trước mắt, theo yêu cầu của Bộ GTVT sẽ phải công bố được biểu đồ tuyến vận tải trước 30/11”, ông Vũ Văn Viện Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định.
Đề cập đến trường hợp Bến xe Nước ngầm có tuyến không có lốt xe nào hoạt động, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chỉ đạo, trước mắt sẽ vẫn thực hiện theo quyết định, đúng quy hoach.
Sau thời gian 3 tháng sẽ tổng hợp để báo cáo lên Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh.