Hà Nội: Học sinh học Lịch sử bằng máy tính bảng

Thiên Di |

(Soha.vn) - Học Lịch sử bằng máy tính bảng là phương pháp giảng dạy mới của mô hình Lớp học thông minh hiện đang được áp dụng ở một số trường tại Hà Nội.

Đây là một trong những phương pháp giảng dạy mới của mô hình Lớp học thông minh Smart school được Bộ GD&ĐT tiến hành thí điểm đầu tiên tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).

Đánh giá về mô hình giảng dạy mới này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, Lớp học thông minh sẽ góp phần nâng cao chất lượng việc dạy và học đạt hiệu quả cao, tạo môi trường cho học sinh trao đổi, chia sẻ, tương tác, tăng tính sáng tạo của các em.

“Ngoài ra việc học sinh học Lịch sử bằng máy tính bảng còn giúp nhà trường và phụ huynh giảm đáng kể chi phí mua sách giáo khoa. Đây là mô hình thiết thực, ý nghĩa, đã triển khai ở nhiều quốc gia, nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới. Tôi hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn quốc bởi những thay đổi tích cực trong phương pháp dạy và học mà giải pháp này mang lại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Mô hình mới tạo nhiều điều kiện dạy, học trong nhà trường và nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực của giáo viên, phụ huynh học sinh. Đây là cơ hội cả thầy và trò làm quen với công nghệ thông tin, ứng dụng vào việc học.

Theo cô Nguyễn Bích Hạnh (GV chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám) thì bằng việc sử dụng bảng tương tác, giáo viên có thể điều chỉnh cách dạy, nắm bắt từng học sinh, nâng cao hiệu quả dạy các môn như Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc…

Là người trực tiếp giảng dạy tiết học Lịch sử lớp 4 bằng mô hình mới, cô Nguyễn Vân Anh (GV chủ nhiệm lớp 4C) cho rằng: Không chỉ môn Sử mà tất cả môn học khác học sinh đều rất hứng thú, tập trung cao hơn vào việc học, tự tìm kiếm thông tin, chia sẻ với bạn, nhóm trong lớp... Hơn nữa, bản thân các em cũng không phải mang cặp nặng đến trường.

Cô Vân Anh trong một tiết giảng dạy theo mô hình lớp học thông minh.
Cô Vân Anh trong một tiết giảng dạy theo mô hình lớp học thông minh.

“Đối với những môn khô khan như Lịch sử, Địa lý cần nhiều hình ảnh động minh họa, video. Mình có thể chia sẻ nội dung bài học cho các con, quản lý các con ngay trên máy ví dụ em nào không tập trung chú ý, giáo viên gửi nhắc nhở. Mọi hoạt động của các con mình đều có thể nắm thông qua máy tương tác, chấm điểm, kiểm tra các em ngay trên máy”, cô Vân Anh nói thêm.

Các em sẽ không phải mang cặp nặng, thay vào đó là việc sử dụng máy tính bảng tương tác với các bạn, thầy cô giáo.
Các em sẽ không phải mang cặp nặng, thay vào đó là việc sử dụng máy tính bảng tương tác với các bạn, thầy cô giáo.
Học sinh Hà Nội học Lịch sử bằng máy tính bảng
 

Tuy nhiên, việc thí điểm mô hình học Lịch sử bằng máy tính bảng gặp không ít khó khăn như vấn đề trang bị kiến thức công nghệ thông tin đặc biệt đối với những đội ngũ giáo viên có tuổi; phụ thuộc vào trình độ tiếp nhận khác nhau của trẻ, đặc biệt là kinh phí áp dụng quá lớn (khoảng 500 – 600 triệu đồng).

Năm vừa qua, dư luận xôn xao việc chi phí để xây dựng một phòng học tích hợp, đa phương tiện ở một vài trường tiểu học trên địa bàn thành phố lên đến… 300 triệu đồng. Một mô hình lớp học tương tác bao gồm: Máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, tích hợp sẵn thư viện tài nguyên khiến n hiều phụ huynh lo lắng, tặc lưỡi vì chi phí quá lớn.

Bà Lưu Thị Tường Vân - Phó phòng GD quận Ba Đình cho rằng đây là mô hình đầu tiên, hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Bà Lưu Thị Tường Vân - Phó phòng GD quận Ba Đình cho rằng đây là mô hình đầu tiên, hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

 Vì vậy, việc áp dụng mô hình Lớp học thông minh vào trong trường tiểu học ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Theo bà Lưu Thị Tường Vân - Phó phòng GD quận Ba Đình thì đây là mô hình rất mới, đòi hỏi kinh phí rất lớn và nếu tiến hành đồng loạt ở các trường thì rất khó.

“Trường nào có nguyện vọng áp dụng mô hình này có thể làm xã hội hóa, huy động đóng góp từ phụ huynh và xin thêm kinh phí của Uỷ ban quận chứ nhà trường khó có thể tự trang bị được. Hơn nữa, mô hình có hiệu quả hay không phải xem trình độ của giáo viên. Nếu ban quản lý buông rơi cho giáo viên thì chỉ là “muối bỏ bể””, bà Vân nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại