Năm 208 TCN (Quý Tỵ), nhà nước Âu Lạc ra đời do Thục An Dương Vương đứng đầu. Thục Phán, thủ lĩnh tục người Âu Việt ở miền núi, sau cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi, đã thống nhất các tộc người Âu Việt và Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, thay thế và phát triển nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
An Dương Vương cho đắp thành Cổ Loa rộng lớn, gồm nhiều vòng thành và hào kiên cố, tạo thành một căn cứ liên hoàn giữa thủy và bộ. Đây cũng là trung tâm kinh tế, chính trị của nước ta thời đó.
Năm Tân Tỵ (981) diễn ra cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ nhất. Quân dân Đại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của vua Lê Đại Hành đã phá tan thủy quân giặc Tống xâm lược do Lưu Trừng cầm đầu ở sông Bạch Đằng, chém tướng giặc Hầu Nhân Bảo, phá tan giặc ở Tây Kết (Hà Bắc), đuổi tướng Trần Khâm Tộ về nước, bắt sống hai tướng Triệu Phụng Huân và Quách Quân Biện về giam tại kinh đô Hoa Lư.
Nhà Tống hoảng sợ phải ra lệnh bãi binh. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống lần thứ nhất hoàn toàn thắng lợi.
Năm con Tỵ có nhiều mốc lịch sử quan trọng của đất nước.
Nhà Tống rắp tâm báo thù nên năm Đinh Tỵ (1077) đã cử đạo quân hùng hậu do tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào nước ta.
Quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của tướng quân Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Như Nguyệt nhằm ngăn bước tiến của kẻ thù. Nơi đây đã vang lên bài thơ Nam quốc sơn hà , khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước Nam do Lý Thường Kiệt sáng tác.
Đến tháng 3 âm lịch, do bị thiệt hại nặng nề mà không phá vỡ được phòng tuyến của ta, quân Tống chấp nhận điều đình và rút quân về nước.
Năm Đinh Tỵ (1257) diễn ra cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Chủ tướng Mông Cổ ở Vân Nam là Ngợp Lương Hợp Thai huy động ba vạn quân kỵ, bộ cùng nhiều tướng giỏi chia làm hai đạo theo đường sông Thao tiến vào nước ta. Vua Trần Thái Tông đem quân lên phía bắc đánh giặc.
Sau các cuộc giao tranh ác liệt, thế giặc mạnh nên quân ta rút lui bảo toàn lực lượng. Cả nước thực hiện "vườn không nhà trống", chiến tranh du kích tiêu hao địch. Đến 24 tháng chạp, vua Trần phản công đánh tan giặc ở Đông Bộ Đầu (khu vực Long Biên - Hà Nội) thu phục kinh thành, giặc Nguyên Mông phải tháo chạy về nước.
Tháng giêng năm Quý Tỵ (1473), vua Lê Thánh Tông thân hành cày ruộng tịch điền và đốc suất các quan đi theo cùng cày. Cách đấy 500 năm, tập tục này đã được vua Lê Đại Hành khởi xướng nhân dịp xuân mới nhằm động viên nông gia cày cấy.
Tháng 2 âm lịch, vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm uống rượu để hạn chế nạn chè chén say sưa, bỏ bê công việc trong các quan.
Quý Tỵ (1533), Nguyễn Kim đưa một người con còn nhỏ tuổi của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh lên ngôi vua ở Ai Lao, tức Lê Trang Tông, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, mở đầu sự nghiệp trung hưng. Cũng năm Quý Tỵ (1593) , sau khi Mạc Mậu Hợp bị chém chết, cục diện Nam - Bắc triều đến đây chấm dứt.
Tháng 8 âm lịch năm Đinh Tỵ (1857), vua Tự Đức ban hành lệnh cấm đạo; tư bản phương Tây mượn cớ đẩy mạnh việc vũ trang xâm lược Việt Nam. Vua Pháp Napôlêông III thông qua quyết định vũ trang xâm lược Việt Nam.
Kỷ Tỵ (1869), bắt đầu thành lập cơ quan địa chính và tiến hành đo đạc, phân định đất đai ở Nam Kỳ. Cuối năm, triều đình Huế xin đổi cho Pháp ba tỉnh miền Tây để lấy lại một tỉnh Biên Hòa. Ất Tỵ (1905) , Công cuộc Đông du được triển khai do Phan Bội Châu khởi xướng; hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh.
Năm Tân Tỵ ngày mùng 2 Tết (ngày 28/01/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) sau 30 năm bôn ba hải ngoại đã trở về tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tháng 11 năm Quý Tỵ (1953), Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc của Đảng đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất và quyết định thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do nhằm thực hiện "người cày có ruộng", giải phóng sức sản xuất để phát triển mạnh kinh tế, bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cuộc cải cách ruộng đất đã góp phần quyết định vào chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đến toàn thắng.
Ất Tỵ (1965), đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa lính Mỹ vào miền nam Việt Nam, ném bom phá hoại miền Bắc. Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu, 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” (ngày 20/7).
Năm Tân Tỵ 2001 bước vào thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những chuyển biến quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng…
PGS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học Việt Nam)