Thói thể hiện bản thân thái quá
Một thanh niên tên Chu Văn Cường ở Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An ngang nhiên khoe chiến công giết khỉ để nấu cao trên mạng xã hội facebook ngày 4/1/2016, khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ.
Khi bị triệu tập, tại cơ quan chức năng, Cường khai rằng những hình ảnh mà thanh niên này đăng tải được chụp tại nhà một người hàng xóm, cách nhà Cường 300m.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng, hành động của Cường rất phản cảm, đáng bị lên án khi đăng tải những hình giết mổ loài khỉ mang tính máu me.
"Những hình ảnh đó gợi cho người xem cảm giác thấy ghê sợ, dã mãn. Ngoài ra, đây là hành vi phạm pháp, do đa số các loài khỉ ở Việt Nam hiện nay là động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và được pháp lụât bảo vệ, nghiêm cấm săn bắt.
Hành động của thanh niên này là một hành vi coi thường pháp luật và cần phải được luật pháp xem xét", ông Thanh nhìn nhận.
Cũng theo ông Thanh, có một thực tế, trong thời gian qua, dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động giết hại dã man các loại động vật hoang dã như loài khỉ, nhưng thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí có nơi còn rất nghiêm trọng.
Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Thanh là do nhận thức hạn chế của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay, với mong muốn thể hiện bản thân thái quá khi đăng tải những hình ảnh độc, lạ thậm chí dã man lên trang cá nhân facebook.
"Họ đăng mà không hề suy xét tới tính phản cảm thậm chí dã man, phi nhân tính của những hành động đó và tác động tiêu cực tới cộng đồng.
Thậm chí có những hành động là vi phạm pháp luật có thể khiến họ bị xử phạt nặng nếu bị truy cứu.
Nguyên nhân khách quan mà chúng tôi cho rằng quan trọng hơn cả là do tính phổ biến và thực thi pháp luật, ở đây là Luật Bảo vệ động vật chưa cao, chưa hiệu quả.
Rất ít trường hợp tương tự như thanh niên này được điều tra và xử phạt, mặc dù đây là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng", ông Thanh nêu.
Ông Thanh cũng cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao tính thực thi của pháp luật là việc làm cần thiết để ngăn chặn những hành động tương tự xảy ra. Thậm chí việc tăng chế tài, phạt nặng những hành vi tương tự cũng là cần thiết.
Ngoài ra, bên cạnh Luật Bảo vệ động vật, chúng ta cũng cần phát triển Luật Phúc lợi động vật với những quy định chi tiết về việc đối xử nhân đạo với động vật.
Bởi Luật Bảo vệ động vật hiện tại gần như chỉ nhằm áp dụng cho động vật hoang dã, trong khi những động vật khác như vật nuôi trong nhà, động vật nuôi trang trại, động vật trưng bày… cũng cần được con người đối xử một cách nhân đạo.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Về khía cạnh pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng, việc đăng các ảnh khoe chiến công giết khỉ nấu cao trên trang facebook có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
"Có thể xem xét xử lý hành chính và nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, bảo vệ động vật và thực vật quý hiếm là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung đang được thế giới đặc biệt quan tâm.
Việt Nam chúng ta cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về vấn đề này. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm.
Luật Đa dạng Sinh học (2008) dành riêng một Chương IV với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật.
Theo đó, các loài động vật hoang dã sẽ được xem xét đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm bảo vệ những vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Quy định loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên.
Luật cũng quy định về khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn và những hành vi bị cấm trong khu bảo tồn.
"Khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB- động vật rừng – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP .
Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật", luật sư Cường nêu rõ.
Cụ thể, Điều 190 BLHS quy định, người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt... động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ... thì bị phạt từ 50 - 500 triệu, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm.
Điều 190 Bộ Luật Hình sự
1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.