Giảm tội phạm ở TP.Hồ Chí Minh: Mở cuộc tổng công kích

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Tội phạm trên địa bàn thành phố tuy giảm, nhưng chưa căn cơ, diễn biến còn phức tạp. Vì vậy, để kéo giảm tội phạm một cách bền vững, ngoài lực lượng chủ công là công an, rất cần mọi người dân thành phố tham gia, tạo thành phong trào phòng, chống tội phạm rộng khắp, để tội phạm không còn đất sống.

Và đó cũng là mong muốn của lãnh đạo TPHCM khi đề cập đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.

Không sức mạnh nào bằng sức mạnh quần chúng

Trước sự chỉ đạo quyết liệt từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đến lời hứa của GĐ Công an thành phố trong việc kiên quyết kéo giảm tội phạm, người dân thành phố cảm thấy rất hài lòng và phần nào yên tâm trước tình trạng tội phạm, cướp giật ngày càng lộng hành diễn ra thời gian vừa qua.

“Lâu nay, bọn tội phạm lộng hành, táo tợn và rất liều lĩnh nên mỗi khi gặp chuyện, người dân thường cảm thấy đơn độc và sợ đối mặt với kẻ xấu vì sợ trả thù.

Tuy nhiên, bây giờ với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, khi các cơ quan công an, dân phòng, chính quyền địa phương đều vào cuộc chống tội phạm thì tôi tin toàn dân thành phố cũng sẽ không đứng ngoài cuộc, bởi mọi người dân đều mong muốn thành phố được bình yên, an toàn” - bà Trương Thị Mỹ (785/1 Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú) nói.

Lực lượng công an bắt giữ tội phạm.
Lực lượng công an bắt giữ tội phạm.

Theo ông Trương Văn Hưng (phường 14, quận Bình Thạnh), không chỉ ngành công an, lãnh đạo các cấp tham gia, mà người dân cũng nên góp tay vào việc chung này.

Người dân không nên thờ ơ với tội phạm, nếu thấy tội phạm có vũ khí thì gọi ngay công an và hỗ trợ công an khi cần; còn tội phạm không có vũ khí thì nhiều người có thể tham gia vào việc bắt giữ.

Khi công an khu vực nào thờ ơ với phản ứng của dân về tội phạm thì gọi đến đường dây nóng của lãnh đạo thành phố phản ảnh.

“Tinh thần cùng nhau chống tội phạm được lãnh đạo thành phố lên “dây cót” như hiện nay, nếu tất cả mọi người dân đều nâng cao ý thức, đồng lòng thì tội phạm sẽ không còn đất sống ở thành phố này” - ông Hưng phấn khởi nói.

Trong khi đó, anh Trần Văn Khánh (30 tuổi, phường 21, quận Bình Thạnh) cho rằng: “Thành phố đang rất quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Không sức mạnh nào bằng sức mạnh quần chúng, và khi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống tội phạm thì cuộc sống sẽ bình yên, tội phạm sẽ bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, để mọi người dân cùng tham gia phòng, chống tội phạm thì công an phải làm sao cho dân tin tưởng và yêu mến. Có như vậy, dân sẽ tình nguyện sát cánh cùng công an, chính quyền địa phương, để chống tội phạm”.

Người dân đồng thuận

Sau khi GĐ Công an TPHCM Lê Đông Phong cho biết sẽ nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm phòng, chống tội phạm tình nguyện; nhân rộng mô hình camera an ninh trật tự tại địa bàn cấp xã theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; nhiều người dân tỏ ra ủng hộ và sẵn sàng tham gia.

Anh Nguyễn Văn Cường (hành nghề xe ôm tại khu vực ga Sài Gòn) cho biết: “Nếu có chủ trương lập đội, nhóm chống tội phạm, chúng tôi tình nguyện tham gia.

Bởi vì hiện nay, ở khu vực ga, xe ôm hoạt động theo tổ tự quản nên việc tham gia đội, nhóm chống tội phạm rất thuận lợi. Anh em vừa chạy xe kiếm sống, đồng thời cũng vừa làm “tai mắt” để ý và chống tội phạm”.

Còn hiệp sĩ bắt cướp Bùi Ngọc Hùng thì phấn khởi: “Tôi rất ủng hộ chủ trương mới của thành phố khi xem xét, nghiên cứu các mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm.

Nếu lập được nhiều câu lạc bộ, đội nhóm phòng, chống tội phạm tình nguyện rộng khắp thành phố, chắc chắn tình hình tội phạm sẽ giảm hẳn”.

Từng tham gia bắt nhiều vụ cướp giật, phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố, anh Lý Nhơn Thành (Trưởng ban bảo vệ KP2, P.Nguyễn Thái Bình, quận 1) tâm sự:

“Từ khi có chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố, thật sự như có một luồng gió mới thổi vào từng người dân, từng lực lượng với quyết tâm “chiến đấu” với tội phạm”.

Nói về mô hình camera an ninh với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà Nguyễn Thị Phương (hẻm 107, Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh) nói: “Nếu đầu hẻm được gắn camera an ninh quan sát thì tốt còn gì bằng.

Người dân sẽ đồng tình cùng chính quyền góp tiền để lắp đặt thôi. Vì có camera an ninh sẽ giúp người dân, chính quyền có thể giám sát, nhận biết các đối tượng xấu ra vào khu dân cư với ý đồ trộm cắp, cướp giật, từ đó kịp thời ngăn chặn”.

Theo ông Đặng Thanh Dũng (Công an quận 3), đã có nhiều vụ án mà manh mối quan trọng nhất đều đến từ camera an ninh.

Thực tế, lực lượng công an không thể bao quát hết mọi ngõ ngách cùng lúc, nên việc lắp đặt camera an ninh sẽ giúp rất nhiều trong công tác phá án. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao ý thức để đấu tranh với tội phạm.

“Nếu chúng ta không giúp bắt được tội phạm thì có thể giúp người bị nạn, hoặc có ý thức ghi, nhớ lại biển số xe của đối tượng và dành chút thời gian đến trụ sở công an gần nhất để cung cấp thông tin” - ông Đặng Thanh Dũng chia sẻ.

Lập quỹ phòng, chống tội phạm và thưởng cho người dân bắt tội phạm

Theo Trung tướng Lê Đông Phong - GĐ Công an TPHCM - sẽ nghiên cứu cơ chế huy động quỹ phòng, chống tội phạm và thưởng bằng vật chất cho quần chúng nhân dân có thành tích trong trực tiếp truy bắt tội phạm hoặc cung cấp tin báo có giá trị trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Cụ thể: Theo hướng UBND cấp phường vận động cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký trước.

Khi quần chúng có thành tích, công an thông tin ngay cho cá nhân, doanh nghiệp đến trực tiếp trao thưởng hoặc ủy quyền cho UBND, công an cấp phường trao thưởng nếu không muốn công khai danh tính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại