Liên quan đến vụ việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An (BTXH), trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về diễn biến mới nhất, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an Nghệ An cho biết, cơ quan điều tra đã có giấy triệu tập ông Nguyễn Xuân Phú - cựu giám đốc trung tâm này để tiến hành điều tra vụ việc.
Trước đó, ngày 9/11 lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH đã yêu cầu đoàn thanh tra có buổi làm việc với Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương – cựu phó giám đốc trung tâm (cả hai đều bị đình chỉ chức vụ).
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, thanh tra sở LĐTB&XH chỉ ghi nhận một số nội dung giải trình liên quan đến sai phạm hơn 750 triệu đồng trong thời gian 2011-2015 của ông Phú và bà Phương.
Giải trình trực tiếp của ông Phú liên quan đến nội dung kết luận thanh tra chỉ mới được ghi nhận tại buổi làm việc ngày 9/1 vừa qua
Trong thời gian này ông Phú đã viết bản kiểm điểm cá nhân và giải trình gửi Sở LĐ,TB&XH.
Theo đó, nội dung giải trình được dẫn giải cụ thể bao gồm nội dung về số tiền chi trang cấp trong năm 2011, 2013, 2014 trước đó đã được đoàn thanh tra kết luận là chi sai.
Nhưng theo ông Phú giải trình là mình đã vận dụng để chi một số hồ sơ, chứng từ cho cán bộ nhân viên đi công tác phí và tiếp khách, do nguồn hoạt động tự chủ của đơn vị không đủ. Tổng số tiền chi sai là 439.320.000 đồng.
Liên quan đến số chi khác theo kết luận thanh tra cho rằng đã chi sai 239.889.000 đồng, giải trình của ông Phú cho rằng:
Số tiền 180.772.293 đồng là số tiền của một số đối tượng chưa ăn hết định mức, Trung tâm đã tiến hành chi trả vào cuối tháng cho đối tượng, người nào biết ký, thì lần lượt ký nhận vào danh sách sinh hoạt phí, đối tượng không biết ký, thì các đối tượng nhờ đối tượng khác biết ký hoặc người giám hộ để ký nhận.
Số tiền này trên thực tế đã đến tay các đối tượng.
Đã có rất nhiều luồng ý kiến xung quanh sự việc xảy ra tại trung tâm BTXH Nghệ An
Số tiền còn lại chi vào một số nội dung như: Đối tượng bảo trợ xã hội xin giảm mức ăn, để có tiền tự mua các vật dụng cá nhân khác, trung tâm đồng ý và trả tiền cho đối tượng.
Chi vào phí thư từ, điện báo, liên lạc với người nhà đối tượng đứng ra Bảo lãnh xin đối tượng về nhà thăm gia đình và điều trị ngoại trú.
Số tiền này đã được trừ vào người đứng ra bảo lãnh đối tượng về chứ không phải trừ vào tiền sinh hoạt phí của đối tượng…
Về phía PC46, công an Nghệ An, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm cho biết:
"Theo luật khiếu nại, ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương được làm đơn kiến nghị giải trình với Sở LĐTB&XH. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, làm rõ sau khi có nội dung trả lời chính thức của Sở đối với cá nhân ông Phú, bà Phương".
Xác minh ban đầu của các điều tra viên cho thấy dấu hiệu sai phạm là có, tuy nhiên, những sai phạm này gây ra hậu quả gì và mức độ đến đâu, có liên quan đến cá nhân ông Phú, bà Phương tư túi cá nhân hay không, cơ quan điều tra sẽ xem xét khách quan, cụ thể rồi mới có kết luận.
Ông Thiêm cũng cho biết: “Theo cá nhân tôi, sự việc này không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công an, mà dư luận xã hội cũng cần nhìn nhận sự việc khách quan từ nhiều phía”.
Mặt khác, về sai phạm của lãnh đạo trung tâm, có nhiều nguyên nhân khách quan. Năm 2013, kế toán của trung tâm bị tai biến qua đời đột ngột, nên nhiều hồ sơ sổ sách không được đầy đủ.
Với cán bộ ở Trung tâm thì cơ ngơi như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của ông Phú. Ảnh: Hồ Hà
Xung quanh vụ việc này, đã có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền chi sai của TTBTXH Nghệ An trong suốt 5 năm qua không quá lớn.
Trong khi đó, việc chăm sóc những người tàn tật, tâm thần vô cùng vất vả, nguồn nhân lực mỏng, kinh phí hạn chế. Nên chăng có sự đánh giá thấu đáo, có tình có lý trong vụ việc này, và cá nhân ông Phú, bà Phương.
Về nguyên nhân chi sai, ông Phú thừa nhận có yếu kém trong quản lý, nhưng không hề lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tham ô, tư lợi.
Theo thông tin chúng tôi nhận được chiều ngày 25/11, do suy sụp trước diễn biến của sự việc nên ông Phú đã phải nhập viện do bệnh tai biến tái phát.