Nhưng cũng vin vào lẽ đó, nhiều hiện tượng mê tín dị đoan có cớ bùng phát. Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến những hiện tượng nhuốm màu sắc kỳ bí như "cây bốc khói" ở Tuyên Quang, "rắn thần" ở Bắc Giang... Có lẽ chưa khi nào người ta lại thấy thần thánh "hiển linh" dễ dàng và đơn giản như vậy!?
Côn trùng bỗng dưng hóa thần thánh(!?)
Mảnh đất Tân Yên (Hàm Yên, Tuyên Quang) đang rung động trước thông tin hai cây sui có thánh thần hiển linh, rồng phun khói...
Hai cây sui cổ thụ trên mọc cạnh nhau và có chiều cao khoảng 70m. Dưới hai gốc cây có một ngôi miếu người dân địa phương xây dựng vào khoảng năm 1997. Hiện tượng hai cây sui cổ thụ "bốc khói" bắt đầu xuất hiện từ ngày 8/3/2013. Hàng ngày, hiện tượng này xảy ra từ 18h và kéo dài đến khoảng 18h30’.
Tin tưởng vào sự hiển linh của thần thánh, những người dân sinh sống tại khu vực này khẳng định chắc chắn đó là "cây thần" nhả khói.
Cũng kể từ lúc hai cây sui tại thị trấn Tân Yên "nhả khói, phun rồng" đã có nhiều câu chuyện thần bí được thêu dệt.
Thậm chí, họ còn truyền tai nhau câu chuyện về những chiếc xe ôtô mỗi lần đi ngang qua hai cây sui này đều bị chết máy trong khoảng thời gian cây "phun khói".
Câu chuyện nhuốm màu sắc kỳ bí khiến nhiều bà con ở các địa phương lân cận và các tỉnh xa đã bỏ công ăn, việc làm kéo về đây để xem, khiến cho thị trấn Tân Yên vốn vắng lặng trở nên tấp nập, tuyến quốc lộ 2 lúc nào cũng rơi vào tình trạng kẹt cứng mỗi giờ cao điểm.
Có lẽ câu chuyện kỳ bí của người dân thị trấn Tân Yên sẽ không dừng lại nếu các cấp chính quyền nơi đây vào cuộc.
Lãnh đạo thị trấn đã phối hợp với các cơ quan chức năng như phòng Tài nguyên và Môi trường; trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao; Đài TT - TH huyện, trạm Bảo vệ thực vật sử dụng các thiết bị quan sát như kính viễn vọng, ống nhòm, camera độ phân giải cao... quan sát, làm rõ hiện tượng trên.
Sau khi tìm hiểu, cơ quan chức năng huyện Hàm Yên kết luận, đây chỉ là hình ảnh của những con côn trùng. Việc chúng tập trung thành đàn trên những ngọn cây cao là tập quán và do thói quen kiếm ăn của côn trùng, chúng cũng tận dụng dòng khí nóng bốc lên từ các ngọn cây khi thời tiết trở lạnh.
Tâm lý lây lan
Lý giải tâm lý của người dân trong những hiện tượng trên, GS. TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng viện Đông Nam Á, Chủ tịch hội Nghiên cứu Đông Nam Á tại Việt Nam cho rằng: "Hiện tượng thần thánh hóa ấy nằm trong tâm thức của người Việt.
Người Việt làm nông nghiệp nên họ thường suy tôn những hiện tượng tự nhiên như sấm chớp, cây cối, con vật... làm thần thánh. Hơn nữa, khi quan sát thấy những hiện tượng lạ không giải thích được thì họ sẽ quy cho đó là thần linh".
Phân tích tại sao thời gian gần đây, người dân dễ dàng thần thánh hóa các hiện tượng lạ, GS. Dương phân tích: Ngày trước, có giai đoạn chúng ta không chấp nhận đời sống tâm linh, không quan tâm đến thờ cúng, chùa chiền.
Nhưng sau khi đổi mới, Nhà nước ta chấp nhận có đời sống tâm linh vì vậy sinh hoạt tâm linh được chấp nhận và dần dần đẩy mạnh lên.
Tuy nhiên, chúng ta tôn trọng đời sống tín ngưỡng của người dân nhưng cũng cần định hướng cho họ không sa vào mê tín dị đoan. Phần lớn, khi các hiện tượng lạ xuất hiện, do hiểu sai, không được lý giải một cách khoa học và thuyết phục nên người dân thường thêu dệt tính huyền bí cho câu chuyện.
Cũng theo vị chuyên gia này, các cấp chính quyền cần có cách giải thích mềm mỏng và định hướng cho người dân. "Chúng ta không thể bắt buộc, áp đặt người dân không được thờ cúng ở đó. Chúng ta cần giải thích cho họ, khi họ không thấy tác dụng trực tiếp từ đó nữa thì họ sẽ dần dần từ bỏ.
Trước nay chúng ta cứ quen tư duy phê phán nên những người tiếp nhận sẽ cảm thấy không thoải mái, phản cảm và từ đó dẫn đến những phản ứng bất hợp tác. Phải có những cách thức mềm mỏng để họ hiểu và từ bỏ dần", GS. Dương nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng, trên thực tế, có những hiện tượng huyền bí không thể giải thích được.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, người ta mượn màu sắc huyền bí để quy chụp cho một hiện tượng nào đó và tự tôn sùng là thánh thần. Như thế là họ đang sa vào mê tín dị đoan, lợi dụng "thần linh" với mong muốn cầu gì sẽ được nấy.
Thiết nghĩ, cần có sự lý giải khoa học để giải thích cho người dân. Do tâm lý lây lan nên người dân cứ a dua hùa theo người khác mà tin theo. Hơn nữa, những hành động đó cũng chẳng tổn hại gì cho họ nên họ cứ làm theo.
Dưới một góc độ khác, nhà văn - nhà báo Trần Thị Trường, Phó giám đốc khu vực phía Bắc, trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lại có những bình luận hết sức thú vị.
Trao đổi với PV, bà cho biết: Tôi trân trọng những khám phá của con người trước các hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, có nhiều điều ngay cả những nhà khoa học cũng chưa có câu trả lời thích đáng.
Không ít nhà khoa học cho rằng các hiện tượng tự nhiên luôn khơi gợi những ý tưởng sáng tạo của con người và dù nó kỳ lạ bao nhiêu trước con mắt của chúng ta thì cũng không vì thế mà con người lại lệ thuộc vào đó, đến mức sợ sệt, hoặc có những hành động biểu lộ sự thành kính quá mức.
Tôi đã được nghe một nhà y học nói rằng, thiên nhiên rất kỳ diệu, rất hiền hòa với con người. Ông cho một ví dụ: Ở đâu có rắn độc thì ở đó có cây thuốc chữa rắn cắn. Ở đâu rừng "thiêng nước độc" thì ở đó có cây ớt cho rễ, sắc uống hết sốt rét...
Con người có thể khiêm cung biết ơn tạo hóa, có thể cúi đầu trước vẻ bao la hùng vĩ cảnh sắc tuyệt mỹ của tạo hóa, song việc thờ cây đa, cây gạo, cây bốc khói... là việc của những người không bình thường. Không nên để nỗi sợ ấy ám ảnh cuộc sống.
Nhà văn - nhà báo Trần Thị Trường phân tích: "Những truyện cổ tích, những truyền thuyết về "cây gạo có ma", "cây đa có thần", "rắn báo oán"... có rất nhiều trong dân gian.
Người giàu óc tưởng tượng nhìn một sự vật còn có thể nghĩ ra nhiều những chuyện ly kỳ xung quanh đó nữa, những người yếu bóng vía thì lấy câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" làm chủ trương hành động. Tuy nhiên, càng thờ thì có vẻ như vật càng thiêng, mà quên mất dân gian còn có câu "bụt gần nhà…".
Nhìn thật gần, thật kỹ, tỉnh táo thì đến "bụt còn mất thiêng" nữa là. Điểm khôi hài nhất của việc thờ cúng là ai cũng mong mình được nhiều tài lộc.
Ngưỡng mộ điều kỳ lạ của thiên nhiên là điều dễ hiểu, đáng trân trọng nhưng thờ, lạy, cúng, bái để xin lợi lộc, thậm chí để xin trả thù... là điều vô cùng hài hước, nó chỉ xuất hiện ở những người u mê, tâm trí thấp kém".