"Sóng thần" trên sông Mã
Núi Cửa Hà nằm án ngữ ngay bên dòng sông Mã, phía dưới vực Ngốc Cùng, một phần ngọn núi nhô ra sông. Dưới chân núi Cửa Hà có một hang động sâu chừng 1km với nhiều nhũ đá óng ánh trông rất đẹp mắt. Thế nhưng, không ai ngờ núi Cửa Hà lại sập, chỉ trong nháy mắt tất cả những nhũ đá, hang động, con người đều bị chôn vùi.
Ông Trần Đức Thịnh, thủ từ đến Cửa Hà nhớ lại thảm họa núi Cửa Hà sập khiến hai người mất tích hồi tháng 6/2001. Lúc đó khoảng 1 giờ sáng, khi người dân quanh chân núi đang yên giấc bỗng bị đánh thức bởi tiếng đá lăn, đây là hiện tượng không bình thường và chưa có tiền lệ trước đó.
Linh cảm báo trước có chuyện chẳng lành, ông Thịnh lật đật ra khỏi giường đi sang phía hang động cách đó chừng 500m để kiểm tra, vì thời gian này, đền Cửa Hà đang thuê thợ xây dựng rất nhiều hạng mục từ am thờ, tượng phật cho đến đường đi lối lại phía trong động. Ông vừa ra khỏi giường thì bất thình lình một góc núi đá đổ sụp xuống sông.
"Lúc đó một góc núi sập tạo nên hiện tượng "sóng thần" ở sông Mã. Nước sông bị đánh tung tạo nên những cột sóng cao vài mét. Nhiều nhà thuyền của làng chài Cẩm Phong bị sóng đánh bay lên bờ cách mặt nước 3 - 4m.
Hàng chục bè luồn lớn nhỏ cũng bị sóng đánh vỡ tan, có bè thì bật hẳn lên bờ, có bè bị tan ra và những cây luồng cắm thẳng xuống lòng sông lởm chởm như bãi chông. Nơi tôi đứng cách mặt nước non 10m cũng bị sóng đánh lên gần đến chân", ông Thịnh nhớ lại.
Ông Thịnh dẫn chúng tôi ra chân núi Cửa Hà. Hơn 10 năm trôi qua mà dấu vết về vụ sập núi vẫn làm ông bị ám ảnh, chân, tay run run, giọng nói cũng bị ngắt quãng vì xúc động. Ông bảo: "Đến giờ này vẫn chưa có ai lí giải được là tại sao núi Cửa Hà lại sập, có người thì bảo do núi ở phía dưới vực Ngốc Cùng, qua ngàn vạn năm bị sóng đánh hõm hàm ếch khiến khối đá mất trụ mà phía trên lại nặng quá nên bị vỡ ra, người thì bảo là do thần linh trừng phạt, còn tôi thì lại nghĩ rằng vụ sập là do chấn động bởi việc khoan móng xây dựng cầu Cẩm Thủy cách đó khoảng 500 - 700m khiến cho khối đá vốn đã nặng nề bị chấn động dẫn đến nứt, vỡ".
Mỗi người một cách giải thích, nhưng tất cả đều có lí riêng. Những người cho rằng núi sụp đổ là do nước ăn mòn từ ngàn vạn năm trước và đến thời điểm 2001 núi mất trụ nên đổ là chuyện đương nhiên.
Còn những người sùng tín thì bảo rằng, đó là do thần linh trừng phạt bởi trước đó đã có một người thanh niên trèo lên trên đỉnh núi đi săn hoặc tìm cây cảnh, mà việc trèo lên đỉnh núi chẳng khác nào trèo lên đầu thần núi khiến thần tức giận mà trừng phạt con người. Người thanh niên leo núi đó đã không may bị trượt chân rơi từ trên đỉnh núi cao ngàn mét xuống, xác người này bị mắc treo vắt vẻo lưng chừng núi, vài ngày sau người dân mới phát hiện ra.
Còn xác người trong đống đổ nát
Ông Thịnh dẫn chúng tôi đến chân núi Cửa Hà rồi lật tìm từng mảnh vải trắng còn vương bên những cành cây, kẽ đá cách đây hơn chục năm.
Trước khi núi Cửa Hà sập, quản lý đình Cửa Hà đã thuê thợ đến để xây dựng một số hạng mục nhỏ ở trong hang. Chỉ còn khoảng 1 - 2 ngày nữa là công trình sẽ được hoàn thành. Khi đó, có hai người thợ tên là Lê Văn Tuất và Đoàn Văn Tám quê ở huyện Vĩnh Lộc ngủ lại trong hang tranh thủ làm thêm trong đêm, cố gắng hoàn thiện công trình trong thời gian sớm nhất.
Anh Tám và anh Tuất chơi thân với nhau, vả lại, trước đây hai người đã từng ngủ lại hang, nhưng không hiểu sao hôm cuối cùng ông Thịnh có linh cảm về điều gì đó không may. Ông lên hang gọi hai người thợ ra ngoài mà ngủ kẻo nhỡ có chuyện gì lại khổ vợ, khổ con. Nghe ông bảo, hai người thợ trả lời: "Bọn cháu ăn ở hiền lành, với lại mình đang làm việc tốt, làm đẹp cho thần sông, thần núi làm sao có chuyện gì xảy ra được". Nghe hai người thợ nói thế ông liền bỏ về, đến tối thì núi sập khiến anh Tuất và Tám bị chôn vùi mất xác.
"Hai đứa chúng nó đã có vợ, con. Hai thằng chúng nó đều rất chịu khó chịu làm ăn, bản tính hiền lành. Vì hoàn cảnh khó khăn nên phải lặn lội đi làm đêm làm ngày để lấy tiền nuôi gia đình, nhưng thật không ngờ chúng nó lại gặp phải thảm kịch này, bỏ lại vợ con nghèo khổ, đau ốm chốn bụi trần", ông Thịnh ngậm ngùi.
Ông Thịnh cho biết: "Sau khi núi sập khoảng 15 phút, chính quyền cùng với lực lượng chức năng cũng có mặt để phong tỏa hiện trường và tìm kiếm xác anh Tuất, anh Tám. Những ngày sau đó còn có cả bộ đội cùng máy móc đến phong tỏa hiện trường, tiếp tục tìm kiếm xác nạn nhân nhưng không được.
Do khối lượng đá sập rất lớn và có sự trôi dạt nên không thể định vị được vị trí của hai anh Tuất và Tám lúc bị tai nạn. Có thể xác của nạn nhân đã bị những khối đá nghiền nát hoặc bị trôi xuống sông Mã".
Khoảng một tuần sau chính quyền tuyên bố ngừng tìm kiếm nạn nhân do khối lượng đá sập xuống quá lớn. Kể từ đó, mỗi dịp ngày rằm, ngày giỗ gia đình của hai hạn nhân lại đến chân núi Cửa Hà để thắp hương, cầu mong cho linh hồn người quá cố được siêu thoát.