Giải mã những lời đồn ma mị về ngôi đền thiêng chân núi Tam Đảo

T.Mạnh |

(Soha.vn) - Những cái chết bất thường của một số người dân nơi đây khi cho rằng đã “phạm” đến thánh thần ở ngôi đền khiến người dân không khỏi rùng mình hoảng sợ.

Những cái chết bất thường và lời đồn ma mị

Qua bao đời, người dân nơi đây vẫn còn truyền miệng nhau truyền thuyết về ngôi đền thiêng Long Khánh Từ. Ngôi đền đã ngự trị ở đây rất lâu, trước đây dù là quan hay lính, bất kỳ là ai khi đi qua cửa đền nếu cưỡi ngựa thì đều phải xuống ngựa dắt đi qua. Những ai không tuân thủ sẽ bị thần linh phạt tội.

Có người vì không tin đã cưỡi ngựa đi qua. Người đó vừa đi qua thì bị hộc máu mồm mà chết. Những ai đội nón đi qua cửa đền mà không ngả nón, kẹp vào nách, bước qua một vài bước là bị vấp ngã dúi dụi mặc dù đường phía trước rất bằng phẳng.

Đôi rắn mào vẫn được người dân cúng trong đền thờ mới

Đôi rắn mào vẫn được người dân thờ cúng trong đền thờ mới

Ông Thử cũng kể thêm câu chuyện về người đã từng phạm đến đền thiêng và phải chịu tội: “Ở ngôi đền cũ có cây đa rất to, đến khi phải ngả đi có tuổi thọ là 52 năm, ngoài ra còn có hai cây lựu cao khoảng 18 mét.

Năm đó có một người đàn ông tên Thức, thuộc bên thủy lợi không hiểu vì lý do gì đã chặt cho hai cây lựu đổ vào phía đền. Lạ thay khi cây lựu ngả đổ thì một cơn gió thổi mạnh đẩy cây rạp ra phía bờ suối.

Người đàn ông đó sau khi về nhà mấy ngày thì tự tay treo cổ hai người con trai, bản thân ông ngay tối hôm đó cũng uống thuốc sâu tự tử. Bao năm qua người dân nơi đây vẫn còn nhớ câu chuyện này”.

Kể từ khi Hồ Vai Miếu được khởi công đến nay đã có gần chục người chết ở nơi đây, chuyện này càng khiến cho người dân rùng mình khi nghĩ đến chuyện “thần thánh” bắt phạt.

Năm 1997, sau khi khởi công xây dựng Hồ Vai Miếu, di chuyển đền đi nơi khác và chặt những cây đa cổ thụ hơn 50 năm tuổi, một dãy nhà công nhân được lợp lên cách đền khoảng trừng 50 mét.

Chỉ sau một tháng, một vụ chết người đã xảy ra ở đây, người chết chính là người đã trực tiếp tham gia san lấp đền thiêng và chặt cây cối xung quanh đền.

Một người dân tên Lan xóm Dứa, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: “Năm 2002, một thanh niên tên Thắng ở xóm Gió, xã Ký Phú đi vào Hồ Vai Miếu tắm lúc trưa nhưng rồi cũng không thấy về. Người thân và bà con hàng xóm cùng đi tìm xác nạn nhân nhưng không thấy. Sau 3 ngày dân làng thấy xác chàng thanh niên nổi lên ở vị trí chính giữa chân đập hồ”.

Chưa hết năm 2005, bà Tình (xóm Dứa, xã Ký Phú) khi đi làm về lội qua suối để sang bờ bên kia đi bộ về nhà, đi đến giữa suối thì bất ngờ nước từ trong nguồn ào ra cuốn trôi bà ra hồ.

Bà con nhân dân trong xóm phải thắp đóm đi tìm khắp các ghềnh đá ven hồ. Mọi nỗ lực tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng thì may sao một thanh niên trong xóm lặn xuống nơi ngọn hồ thấy xác bà mắc ở một gốc cây khô dưới lòng hồ, chị Lan cho biết thêm.

Tất cả những câu chuyện trên khiến người dân nơi đây không khỏi hoang mang về lời đồn thổi về câu chuyện mỗi năm thần thánh ở hồ bắt một người thế mạng vì đã phạm vào ngôi đền thiêng trước đây.

Giải mã tin đồn

Để biết thực hư về những lời đồn thổi, chúng tôi đã đến gặp người đại diện chính quyền địa phương. Trao đổi với PV ông Lỗ Văn Đường, Phó chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết: “Chuyện rắn xuất hiện trong đền là do người trông coi đã chứng kiến. Chuyện đó là có thật, còn chuyện có phải “rắn thần” thì điều đó là không phải vì nhiều khi tình cờ rắn bò vào đền”.

Ông Lỗ Văn Đường, phó chủ tịch xã Ký Phú khẳng định chuyện thần thánh bắt phạt mạng người mỗi năm là không có thật
Ông Lỗ Văn Đường, phó chủ tịch xã Ký Phú khẳng định chuyện thần thánh bắt phạt mạng người mỗi năm là không có thật

Ông Đường lý giải thêm về việc những lời đồn ma mị thần thánh bắt người mỗi năm ở Hồ Vai Miếu: “Còn chuyện những lời đồn thổi về thần thánh bắt người ở Hồ Vai Miếu mỗi năm là hoàn toàn không có thật. Chuyện người thanh niên tên Thắng chết đuối năm 2002 ở hồ là do anh này bị mắc bệnh tâm thần, vào hồ tắm do không biết bơi nên bị ngã xuống hồ chết đuối.

Trường hợp của bà Tình ở xóm Dứa chết ở hồ là do khi đi hái chè trong núi về, thời gian đó trời hay mưa nước lũ từ đầu nguồn đổ ra bất ngờ nên bà Tình bị nước cuốn đi. Những lời đồn thổi về chuyện thần thánh bắt tội một mạng người mỗi năm là không đúng”, ông Đường khẳng định.

Thờ thần thánh là tập tục đã có từ lâu trong tâm linh người Việt, những câu chuyện về sự xuất hiện của loài rắn luôn mang đậm màu sắc huyền bí. Dù có hay không những câu chuyện kỳ bí ấy thì chúng ta vẫn nên lưu giữ nét văn hóa tâm linh độc đáo ấy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại