>>Hậu thảm kịch Formosa: Khi nỗi đau chồng chất lên nỗi đau
>>Bài 2: Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ
>>Bài 3: Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa
“100 ngàn từ ngày em đi không dám tiêu...”
Đã là ngày thứ năm sau thảm họa tại Vũng Áng nhưng những người dân xã Quảng Tiên, huyện Quảng Xương (Quảng Bình) vẫn không nguôi niềm tiếc thương cho cậu bé đầy nghị lực Trần Công Minh.
Sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 7 anh chị em, ngày ngày nhìn cảnh cha già ốm đau liên miên, mất sức lao động, thấy các anh chị phải tứ tán đi làm ăn xa để kiếm tiền, Minh không đành lòng.
Hết lớp 12, cậu quyết định tạm dừng việc đèn sách. Chàng trai trẻ xin phép ba mẹ cho mình được đi làm công nhân tại khu công nghiệp Formosa cách nhà hơn 100 cây số.
Quệt vội giọt nước mắt đang lăn dài trên má, ông Trần Ngọc Sáng, bố Minh ngậm ngùi nhớ lại:
“Khi quyết định tạm dừng học, cháu có bảo nhà mình bây giờ nghèo quá, đến cả tiền cưới vợ cho anh cả cũng không có nên cháu nó sẽ nghỉ đi làm một vài năm.
Cháu cũng tính, một phần tiền dành dụm được sẽ để ra sau này thi đỗ đại học thì trang trải chi phí 4 năm đi học.”
Kể tới đây, đôi mắt của người đàn ông khắc khổ trước mặt chúng tôi chùng xuống, giọng lạc hẳn đi.
Ngay bên cạnh ông, bà Trần Thị Minh Ngọc vẫn thất thần sau cái chết của cậu con trai.
Bà Ngọc nghẹn ngào: “Sáng hôm Minh đi làm, nó vẫn còn dặn ba mẹ phải giữ gìn sức khỏe. Cháu cũng bảo chúng tôi đừng gọi điện nhiều để cháu chuyên tâm công việc.
Minh cũng liên tục nhắc đến việc sau này có tiền sẽ đi thi đại học ra sao.”
Do nhà nghèo, trước lúc đi, ngoài tiền xe, Minh chỉ xin ba mẹ cho 100.000 phòng thân.
Đến cả chiếc điện thoại di động của Minh cũng chỉ có chức năng… nghe vì tài khoản không đủ để gọi.
Chỉ có thế, chàng trai trẻ đôi mươi lên đường vào công trường với giấc mơ cháy bỏng được tiếp tục đèn sách. Chưa bao giờ cậu nghĩ: Đây lại là hành trình cuối cùng của đời mình…
4 ngày sau khi vào Formosa, tới đêm 25/3, giàn giáo tại khu vực công trường thi công giếng chìm tại cầu cảng số 7 của công ty Sam Sung bất ngờ rung lắc rồi sập đổ.
Cùng với rất nhiều công nhân khác, Minh đã bị hàng chục tấn sắt thép, gạch đá chôn vùi.
Nhớ lại cái đêm kinh hoàng ấy, anh trai của người công nhân xấu số kể lại: “Khi đó, tôi đang ở Sài Gòn thì đọc báo thấy thông tin về sự cố.
Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tôi gọi ngay cho Minh nhưng em không nghe máy.”
Vợ chồng ông Sáng cả đêm 25/3 không sao chợp nổi mắt. Tin dữ từ Vũng Áng báo về khiến họ đứng ngồi không yên.
Nhưng lúc nào họ cũng tin đứa con trai hiền lành, ngoan ngoãn của mình không thể chết. Minh có thể chỉ bị thương và đang được các bác sỹ cứu chữa….
“Tận 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi mới biết cháu là một trong 13 công nhân bị thiệt mạng, lại là người trẻ nhất,” ông Sáng thở dài nặng trịch.
Bà Ngọc vợ ông đã ngất tại chỗ khi nhìn thấy thi thể con trai mình được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống sắt thép, đất đá khổng lồ tại Vũng Áng. Cũng từ lúc ấy đến nay, bà chưa lúc nào ngừng khóc.
Hôm đưa Minh về nhà, cả gia đình thức trắng. Tiếng than khóc làm lay động cả một xóm nghèo.
Kỷ vật của em chẳng có gì ngoài chiếc ví đã sờn, bên trong vẫn còn nguyên 100 ngàn từ ngày em đi không dám tiêu...
Câu chuyện đến đây bỗng dưng bị nghẹn ứ lại. Người cha già đưa đôi mắt đã đỏ hằn nhìn vào khoảng trống mênh mông trên chiếc giường con trai hay nằm khi còn sống.
Căn nhà nhỏ lụp xụp vách đất lợp lá chỉ còn vang lên những tiếng khóc hờ con của người mẹ khổ đau.
“Minh ơi, về đây với mế. Con còn phải về để đi thi đại học cơ mà, Minh ơi….”
Bài 5: Formosa, giấc mơ thoát nghèo còn dang dở
Với nhiều người, Formosa chính là nơi thắp lên hy vọng mong manh thoát nghèo. Nhưng cũng chính Formosa cũng lại chôn vùi giấc mơ nhỏ nhoi của họ.
13 công nhân ra đi; gần 30 người khác vĩnh viễn mang theo thương tật cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hàng chục những công nhân khác tận mắt thấy cảnh tượng kinh hoàng đêm 25/3 cũng đã buộc lòng cay đắng chia tay với giấc mơ ngắn ngủi mang tên Formosa.