Gặp người duy nhất không “bấm nút” tách Từ Liêm thành 2 quận

Tại cuộc họp bất thường Hội đồng nhân dân huyện Từ Liêm (HN) quanh vấn đề tách huyện thành 2 quận, anh Kiên là đại biểu duy nhất trong số 33 đại biểu không “bấm nút” tán thành.

“Trong mọi vấn đề, phản biện không phải để chống mà để xây, để làm rõ những hạn chế, tồn tại và khắc phục. Đặc biệt, mọi hành động đều không được đi ngược lại quyền lợi của nhân dân”. - Anh Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã mở đầu câu chuyện về quyết định được coi là dũng cảm của mình.

Người duy nhất nói “không”

Tháng 12.2013, tại cuộc họp bất thường Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Từ Liêm (HN) xung quanh vấn đề tách huyện Từ Liêm thành 2 quận, anh Kiên là đại biểu duy nhất trong số 33 đại biểu không “bấm nút” tán thành.

Khi tôi hỏi: “Lúc ấy, anh có chắc chắn về quyết định của mình và đâu là cơ sở để nêu ra quan điểm ấy?”, anh Kiên nhấn mạnh: Việc thành lập 2 quận sẽ dẫn tới phát sinh một bộ máy hành chính mới với khoảng 500-700 công chức.

“Tôi nhẩm tính, mức chi thường xuyên theo năm 2012 đã là khoảng 563 tỷ đồng. Mà đấy mới chỉ là chi thường xuyên thôi chứ có thêm quận mới thì phải xây dựng trụ sở mới, sân vận động mới, tòa án, viện kiểm sát, công an, quân sự đều phải mới. Để làm được điều đó thì cần có kinh phí từ đâu? Xin thưa, đó đều là tiền thuế của dân” - anh Kiên khẳng định.

Anh Nguyễn Hữu Kiên.

Khi câu chuyện vào mạch, anh Kiên nêu thêm dẫn chứng: “Không thể dựa vào ý kiến lý giải việc chỉ thành lập quận Từ Liêm và giữ nguyên hiện trạng là quá lớn. Bởi nếu thế thì tại sao lại sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội?”.

Nêu lên những con số khác để phản biện, anh Kiên cho biết, Trung Quốc là quốc gia lớn mà cũng chỉ có 22 tỉnh và 11 cơ quan ngang tỉnh, Hàn Quốc có diện tích tương đương Việt Nam, nhưng cũng chỉ có 8 tỉnh. Ngay ở trong nước, tại thành phố Hồ Chí Minh, quận Gò Vấp có khoảng 550.000 dân cũng chỉ thành lập 1 quận hay phường 12 của quận Gò Vấp có khoảng 100.000 dân mà vẫn quản lý tốt.

Nguyễn Hữu Kiên sinh năm 1977, tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế (ĐH Ngoại giao), hiện đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Từ 2004-1011 là đại biểu HĐND xã Thụy Phương và từ 2011 đến nay là đại biểu HĐND huyện Từ Liêm. Đáng chú ý, cả 2 khóa HĐND đều do anh tự đứng ra ứng cử và trúng cử với tỉ lệ phiếu bầu gần 80%. Người ta thường thấy “ông nghị trẻ” này lang thang khắp nơi với máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim để ghi nhận, phản ánh cử tri đưa ra HĐND. Trong chương trình hành động của mình khi ứng cử, anh cho biết không muốn là người đưa thư chuyên nghiệp, chỉ biết phản ánh kiến nghị cuả dân mà phải đeo bám vấn đề đến cùng.

“Vậy những con số đó mới chỉ mang tính so sánh chứ chưa nêu trực diện về tình hình của Từ Liêm”, khi tôi định hỏi câu này, anh Kiên như đọc được ý nghĩ của tôi và giải thích cụ thể hơn, với những thống kê vô cùng cặn kẽ. Theo đó, có nhiều số liệu chênh lệch giữa Tờ trình và Đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận, thể hiện sự bất hợp lý thấy rõ so với thực tiễn.

“Điều này chỉ ra rằng, công tác chuẩn bị chưa kỹ càng và có dấu hiệu của việc “làm số” nhằm đạt yêu cầu tối thiểu mà Nghị định 62/2011/NĐ-CP đã đề ra. Cụ thể nhất là số liệu trong Đề án: Quận Nam Từ Liêm có 233.369 người sống trên diện tích 3.363,23ha, tương đương với 7.000 người/km2.

Tuy nhiên, thực tế làm lại phép chia thì 233.369 người chia trên 3.363,23ha là 6.938 người/km2. Như vậy là việc tách thành 2 quận chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn tối thiểu mà pháp luật đặt ra về mật độ dân số. Trong khi đó, vấn đề nhân sự chỉ được đề cập chung, vẻn vẹn chưa đầy nửa trang giấy A4”.

Từ những chứng cứ này, anh Kiên khẳng định: “Thấy chưa đúng pháp luật thì tôi có quyền kiến nghị. Bởi nếu đã đúng rồi thì tất nhiên thiểu số phải phục tùng đa số. Những sai sót nảy sinh do cơ quan tham mưu chưa làm hết trách nhiệm. Khi thấy sai quy định thì tôi không thể thông qua”.

Đưa ra những lập luận chứng minh quan điểm của mình là đúng, anh Kiên cho biết, mong muốn của anh không đi trái quan điểm của Đảng, của nhân dân. “Tôi đồng ý việc nâng lên quận, nhưng chỉ là 1 quận thôi. Ngày xưa, Từ Liêm cũng đóng góp cho việc thành lập 2 quận Cầu Giấy và Tây Hồ. 2 quận này hiện đều chỉ có 8 phường. Nếu Từ Liêm to quá thì có thể tách 1 phần của Từ Liêm vào Tây Hồ, 1 phần khác vào Cầu Giấy và nếu cần thiết hơn nữa thì thêm 1 phần vào quận Thanh Xuân để phần còn lại thành lập quận Từ Liêm”.

Thông qua bừa thì chỉ khổ dân

Trong mọi vấn đề, yếu tố con người luôn mang tính chất quyết định. Với việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận, quá trình phổ biến, lấy ý kiến không chỉ diễn ra rất nhanh mà còn có những sai sót rất khó tin. Anh Kiên lấy ví dụ cụ thể: “Bí thư thôn nơi gia đình tôi đang sinh sống khi phổ biến với người dân thậm chí đã khẳng định, vấn đề này được Quốc hội thông qua rồi, bây giờ vấn đề chỉ là người dân đồng ý hay không đồng ý. Trong khi đó, Quốc hội không hề thông qua điều này. Cán bộ địa phương nói sai như thế thì người dân hiểu sai vấn đề là đương nhiên”.

Là người trong cuộc, anh Kiên cho biết, ngay ở cuộc họp HĐND, giờ vào họp là 8 giờ mà tài liệu chỉ được phát cho đại biểu trước đó có 5 phút thì không đủ thời gian để đọc và nghiên cứu kỹ.

“Trong Đề án, có nhiều cái sai mà nhiều đại biểu không phát hiện ra dù lỗi đó ở chính nơi họ đang làm chủ tịch hoặc bí thư. Tài liệu dài 78 trang mà chỉ có thời gian ít như thế thì không thể phát hiện cái sai, dẫn đến tâm lý đám đông bằng việc thông qua… bừa. Bên cạnh đó, toàn bộ những vấn đề phát sinh chưa được làm rõ trong Đề án. Ngay cả tổng tiền chi cho Đề án này hết bao nhiêu cũng chưa có. Chưa giải thích được khi tách thành 2 quận người dân được gì, mất gì, tầm nhìn thế nào cũng chưa có. Từ đó, dẫn đến những quyết định rất cảm tính”, anh Kiên phân tích.

Thêm một bất cập nữa được anh Kiên nêu ra là việc trong thời gian tới, Việt Nam có chủ trương chính quyền đô thị hóa, chỉ gồm 2 cấp thành phố và phường. “Nếu thành phố Hồ Chí Minh thí điểm và thành công thì chắc chắn sẽ đến lượt Hà Nội. Khi đó, thử hỏi các “ông trung gian” chính là các quận thì sẽ thay đổi hay đưa vào đâu?”.

Từ đó, anh Kiên nhấn mạnh, với tốc độ phát triển nhanh chóng của Từ Liêm và theo tầm nhìn 2020-2030, Từ Liêm sẽ nằm trong nội đô, trụ sở của các bộ, ban, ngành đều chuyển về Từ Liêm thì việc đưa huyện lên 1 quận là hợp lý, song cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh đưa ra những lời hứa treo với người dân.

Ngoài ra, nếu nhìn tổng thể, tách thành 2 quận sẽ nảy sinh mâu thuẫn mới là Nam Từ Liêm rất phát triển vì khu vực này tập trung các công ty, trụ sở lớn và được đầu tư nguồn vốn lớn. Trong khi đó, Bắc Từ Liêm chủ yếu là đất nông nghiệp sẽ không có nguồn vốn để phát triển. “Tiêu cực hay không thì tôi không tự đánh giá, nhưng rõ ràng, nếu chỉ là 1 quận thì sẽ tránh được rất nhiều phát sinh”, anh Kiên khẳng định.

“Theo Điều 7, khoản 2 của Nghị định 62/2011/NĐ-CP thì mật độ dân số tối thiểu phải là 7.000 người/km2 (tức là đã ưu tiên cho những huyện gần nội đô, còn nếu không theo khoản 1 của Điều 7 phải là 10.000 người/km2) thì tại trang 64 của đề án đã chỉ ra rõ là quận Nam Từ Liêm không đáp ứng được điều này: 233.369 người/3.363,23 ha =6.938 người/km2. Để ép mật độ dân số các phường mới đạt quy định của Nghị định 62/2011/NĐ-CP, đề án này còn tự tạo cho mình cách tính mật độ dân số riêng đó là: Mật độ dân số = số dân chia cho diện tích đất tự nhiên trừ mặt nước, trừ diện tích được quy hoạch công viên rừng, trừ diện tích đất không thể cư trú, xây dựng… Tóm lại phải vượt tối thiểu 7.000 người/km2”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại