Nợ quá nhiều môn
Theo tìm hiểu của phóng viên tại các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật như ĐH Xây dựng, Bách khoa và Giao thông Vận tải thì số lượng sinh viên trượt các môn ở các kỳ thi rất nhiều, đặc biệt tỷ lệ người học ra trường trước và đúng hạn (4,5 năm - 5 năm) đạt không quá 50 %.
N.V.Hà (sinh viên năm 2 hệ cao đẳng, khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Bách khoa) từng là một thí sinh khá với điểm thi đầu vào ĐH Bách khoa là 23 điểm. Sau hai năm học với chuyên ngành mình ưa thích, Hà bị cảnh cáo học tập lần 3 do nợ quá nhiều môn và bắt buộc chuyển xuống học hệ cao đẳng.
“Học nặng, nhiều môn “khoai” mà mình không chịu đầu tư học, ham chơi không qua được kỳ thi nên dẫn đến nợ quá số tín chỉ cho phép. Không ít anh khóa 52 vẫn chưa tốt nghiệp vì chờ mở lớp, thi đi thi lại môn Toán hơn một năm nay mà chưa qua”, Hà chia sẻ thật thà.
Nguyễn Văn Tú (cựu sinh viên, ngành Cấp thoát nước, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, ĐH Xây dựng) ra trường năm 2012 cho biết, cả lớp có 55 sinh viên thì khoảng 25 sinh viên đã ra trường, số còn lại vẫn đang ở học để trả nợ hết môn học.
“Mất 5,5 -6 năm, thậm chí có người phải ở lại 7 – 8 năm mà vẫn chưa có tấm bằng đại học là chuyện bình thường ở các trường kỹ thuật. Chủ yếu sinh viên “chết” mấy môn đại cương cơ bản, các môn Toán hoặc hình họa, đồ án môn…”, Tú cho biết thêm.
Tình trạng học đại học hiện nay đa phần là thầy giảng, trò ngủ. Sinh viên thi trượt, học lại nhiều (ảnh nguồn internet).
Còn nam sinh viên tên Bình, đang học năm thứ 4, khoa Cầu Đường cho biết, tính đến thời điểm này, lớp mình chắc chỉ một nửa ra trường 4.5 – 5 năm, còn lại phải trên 5 năm.
“Nhiều sinh viên K51 (đúng hạn ra trường là năm 2011) nhưng giờ vẫn đi thi, làm đồ án để trả nợ để lấy được bằng. Các lớp của một anh trên mình hai khóa (Khóa 51), Viện Công trình biển chỉ có 11 người/50 người thậm chí là 2/50 người ra trường đúng hạn. Năm nào chẳng có sinh viên bị đuổi vì quá hạn đào tạo 7 – 8 năm mà không trả nợ hết môn”, Bình nói.
Hiện nay, ở hầu hết các trường đều đào tạo theo hình thức tín chỉ theo Quy chế 43 của Bộ GD&ĐT. Trong chương IV của quy chế quy định những sinh viên sẽ không được giao làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp nếu chưa tích lỹ đủ số tín chỉ quy định cho chương trình.
Được biết, ở trường ĐH Bách khoa, sinh viên không được nợ quá 10 tín chỉ mới được làm đồ án tốt nghiệp và phải đạt 2.0/4.0 điểm trung bình học tập trở lên. Theo quy định đăng tải trên website của trường thì đối với hệ 5 năm, sinh viên phải hoàn thành 152-156 tín chỉ mới được công nhận tốt nghiệp.
Áp lực đồ án, chương trình quá “nặng”?
Năm 2008, diễn đàn mạng xôn xao thông tin một nam sinh viên K50 Trường ĐH Xây dựng tử tự do áp lực việc học hành thi cử, nợ quá nhiều môn học. Phải chăng, sinh viên ngành kỹ thuật có chương trình quá “nặng” gây nhiều áp lực cho sinh viên?
Khi được hỏi về vấn đề này, Bình giải thích: “Không ít sinh viên giỏi vẫn bị nợ môn chuyên ngành vì quá khó. Nhiều sinh viên học vất quá không qua được dẫn đến chán nản, buông xuôi. Chỉ cần sơ sẩy là có thể “rớt. Chưa kể làm đồ án vất vả không dễ có thể qua được".
Sinh viên ngành kỹ thuật có khối chương trình học khá nặng, làm đồ án môn học vất vả.
Tuy nhiên, Hùng (sinh viên K52, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa) lại cho rằng nguyên nhân chính là do việc thay đổi quy chế đào tạo làm “khó” sinh viên.
Hùng lý giải: “Thay đổi chế độ đào tạo, sinh viên không kịp thích ứng với cách học mới, môn học không thay đổi theo mà giữ theo niên chế. Hơn nữa, thầy cô cũng chưa nắm rõ, không cập nhật thông tin quan trọng thì làm sao sinh viên hiểu rõ được? Bản thân lớp mình có 80 sinh viên, giờ “tạch” mất 30 người vẫn chưa ra trường”.
Sinh viên thiếu chủ động trong học tín chỉ?
Ý thức tự học và tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình có ý nghĩa quan trọng trong việc học tín chỉ theo quy chế 43 của Bộ GD&ĐT. PGS Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý GD) cho rằng: “Học đại học không phải là chờ người “mớm cơm” cho mình”.
Thực tế hiện nay, tại các trường ĐH – CĐ, sinh viên còn rất thờ ơ với việc tự học. Thực trạng sinh viên ngủ gật trên giảng đường, sinh viên không thiết tha việc học, đến điểm danh cho có mặt…nên vẫn thường có lời kêu than “học nặng”, “thi khó” của sinh viên.
Ảnh sinh viên ĐH Xây dựng thực tập cán bộ kỹ thuật vào năm thứ 4.
Đa phần khi được hỏi sinh viên đều thật thà cho rằng, phần quan trọng là do ý thức người học chưa tốt. Hiện tượng “học gạo”, sa ngã vào cờ bạc, lô đề, chơi game…dẫn đến việc học lại, thi lại.
“Chủ yếu là do sinh viên lười học, thiếu chủ động trong việc nắm bắt quy chế tín chỉ. Nhiều người không biết mình bị cảnh cáo học tập, phải trả nợ bao nhiêu tín chỉ, thờ ơ với việc đăng ký lớp…, Tú (cựu SV khóa 52 ĐH Xây dựng) cho biết.
Có thể thấy, thực tế hiện nay nhiều sinh viên “kêu” về chương trình học quá nặng trong đào tạo đại học ở Việt Nam. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, một cựu sinh viên khóa 47, ĐH Xây dựng cho rằng:
“Hiện nay đào tạo còn khá xa rời thực tiễn, nặng nề về các môn học đại cương, lý thuyết. Cơ sở vật chất khá lạc hậu, giáo trình chưa được cập nhật sát với thực tế công việc cũng như hiện trạng nghành xây dựng ở Việt Nam. Không chỉ riêng gì ĐH Xây dựng mà đó là vấn đề chung của nền giáo dục nước ta hiện nay”.
Kỳ 2: Lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng lên tiếng sinh viên ra trường chậm