16h17: VKS đối đáp với phần bào chữa của các luật sư:
Luật sư cho rằng đánh giá hậu quả phải là định lượng chứ không thể định tính, nhưng đây không phải là hậu quả vật chất nên không thể đánh giá định lượng được. Quan điểm của VKS không có gì thay đổi.
Việc truy tố các bị cáo cùng một khung phạt trong trường hợp này là đúng, chính xác.
Liên quan đến vấn đề đánh giá hậu quả, luật sư viện dẫn Thông tư 09, hướng dẫn, đưa bao nhiêu người thì hậu quả nghiêm trọng, nhưng Thông tư này chỉ áp dụng đối với đối tượng đưa người đi xuất khẩu lao động thôi. Ở đây là khác, không thể đánh đồng được.
Có ý kiến cho rằng đưa Dương Chí Dũng đi nhưng không biết tại sao đưa đi, không thể đánh giá hậu quả, đây là nhận thức chưa đầy đủ. Đây là vụ án có đồng phạm, các bị cáo khác tiếp nhận ý chí của bị cáo đầu vụ, chưa hình dung ra vụ việc nhưng vẫn làm. Đây là luật quy định là lỗi cố ý gián tiếp, không biết hậu quả xảy ra nhưng vẫn làm.
Ý kiến bào chữa cho rằng bị cáo Trọng không chủ mưu bởi có người mật báo. Đánh giá như vậy là có vấn đề. Tình tiết người mật báo nếu chứng minh được chỉ là điều kiện thôi.
Khi tiếp nhận thông tin, xử lý như thế nào thì bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Trong vụ án này, việc đưa Dũng ra nước ngoài đều là làm theo ý kiến của Dũng, nhưng ở đây chủ thể không phải là người đi trốn mà là người giúp cho người khác trốn đi nước ngoài. Chỉ cần một người thôi cũng đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài rồi. Loại trừ yếu tố đầu vụ đối với bị cáo Trọng là không có căn cứ.
Về bị cáo Ánh: Vấn đề đưa ra tranh luận là bị cáo chuẩn bị phương tiện, không tham gia xuyên suốt qúa trình, nhưng ở đây VKS không nói bị cáo thực hiện xuyên suốt.
Vấn đề Dương Chí Dũng phạm tội như thế nào là Dũng phải chịu trách nhiệm, việc đánh giá hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo là nó ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn cho rằng bị oan, ở đây đã thẩm vấn và bị cáo thừa nhận đi đón anh Dũng như vậy, ở nơi như thế, đêm hôm như thế. Ở đây bị cáo Tuấn đã thấy là có chuyện. Cho dù Tuấn chưa biết rõ Dũng dính vào việc gì nhưng vẫn làm theo nhờ vả của Trọng, bất kể hậu quả nên đủ cơ sở xác nhận bị cáo Tuấn là đồng phạm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn cho rằng, tình tiết Tuấn không nhận tội thì bị coi là tăng nặng, thì không có chuyện như vậy. Bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan nên chỉ xem xét phần kháng cáo này. VKS không hề nói rằng bị cáo Tuấn không nhận tội là tình tiết tăng nặng.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng: Càng nghe đối đáp của VKS càng thấy bất cập. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vậy không thể định tính chung chung.
Về vấn đề chủ mưu, chỉ có một người biết thông tin và bảo ông Dũng trốn đi, như thế nếu ông Dũng không chủ định đi sao ông Trọng tổ chức đi được. Không thể nói hai cái này không dính líu với nhau được.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Văn Dũng: VKS đã không đưa ra từng lập luận của mình đối với từng ý kiến để phản bác hoặc đồng thuận.
Khi đưa ông Dũng đi trốn, các bị cáo không biết đến hậu quả xảy ra ở Vinalines. Vậy thì làm sao buộc các bị cáo phải chịu hậu quả xảy ra ở Vinalines. Khi đó khởi tố ông Dũng là khởi tố tội Cố ý làm trái, không phải tội Tham nhũng, sao lại đưa nhận xét về việc nghi ngờ của quần chúng về việc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Căn cứ vào đâu để buộc bị cáo Dũng chịu trách nhiệm về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng? Việc áp dụng khoản 3 đối với bị cáo Dũng cần xem xét lại.
Còn ý nữa tôi chưa thấy được VKS tranh luận: 2 hay nhiều người trở lên cố ý thực hiện hành vi phạm tội là đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố tội Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Hậu quả các bị cáo mong muốn là anh Dũng sang được Campuchia. Ngoài ra, các bị cáo không biết được những hậu quả khác, để từ đó quy kết bị cáo theo khoản 3.
Các bị cáo được trình bổ sung ý kiến sau khi các luật sư đã trình bầy phần bào chữa.
Bị cáo Tuấn: Những điều luật sư của tôi trình bầy hoàn toàn nhất trí. VKS đã rất khiên cưỡng đối với tôi. Không thể nói việc tôi làm lĩnh vực về hàng hải, thân thiết với gia đình anh Dũng thì tôi phải biết việc anh Dũng bị khởi tố, bị bắt giam vì sai phạm.
Luật sư Nguyễn Thái Hòa, bào chữa cho bị cáo Tuấn: Tuấn chỉ tham gia một giai đoạn đưa ông Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh. Tất cả các bản cung đều khai anh Trọng nhờ đi đón Dũng và không hề biết đón Dũng làm gì.
Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Ánh:
Tại tòa bị cáo không kêu oan về tội danh, nhưng có 2 nội dung xem xét là bị cáo không thực hiện như vậy.
Trong vụ án này, đồng tình quan điểm của luật sư Hưng và Thiệp. Việc áp dụng khoản 3 cho bị cáo Ánh là không có cơ sở.
Bị cáo khẳng định không chuẩn bị xe ô tô đưa Dũng đi trốn, án sơ thẩm quy buộc bị cáo như vậy là không đúng. Ánh không có đủ uy tín để thực hiện mượn xe của anh Bình. Việc nói bị cáo mượn xe đưa Dũng đi trốn là oan cho bị cáo.
Án sơ thẩm kết luận Ánh thường xuyên nhận điện thoại của Trọng và Sơn để đưa Dũng đi bỏ trốn là không đúng, cáo buộc của VKS là không có cơ sở. Kết luận bị cáo Ánh xuyên suốt quá trình đưa Dũng đi bỏ trốn là không đúng.
Bị cáo chỉ có mặt khi ngồi trên xe đưa Dũng đi, không biết gì, chỉ nhận nhiệm vụ đi công tác trong TP.HCM. Các lời khai của Trọng và Sơn đã cho thấy rất rõ ý thức chủ quan này của bị cáo Ánh, bởi bị cáo đang trong giai đoạn tham gia phá vụ án nổ mìn ở Thái Nguyên nên nhận lệnh đi công tác của sếp là bình thường.
Bị cáo trình bầy nhiều lần, khi nhận lệnh của cấp trên là cứ thế lên đường, đó là nguyên tắc làm việc của lính hình sự. Việc để điện thoại ở nhà và nhận điện thoại khác để liên lạc cũng là bình thường với một cảnh sát hình sự.
Việc này cũng được các bị cáo khai trước tòa. Dù vậy bị cáo không chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc để ông Dũng bỏ trốn. Bị cáo đề nghị xem xét hành vi khách quan và chủ quan để khách thể hành vi của bị cáo, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Ngoài tình tiết giảm nhẹ án sơ thẩm đã xem xét đến, cần xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ khác như, là cảnh sát hình sự trẻ, đang dốc tâm phục vụ công việc, đã được tặng giấy khen...
15h45: Luật sư Nguyễn Thái Hòa, bào chữa cho bị cáo Tuấn:
Tuấn chỉ tham gia một giai đoạn đưa ông Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh. Tất cả các bản cung đều khai anh Trọng nhờ đi đón Dũng và không hề biết đón Dũng làm gì.
15h30: Luật sư Nguyễn Xuân Thiệp trước khi bổ sung quan điểm bào chữa cho thân chủ Trần Văn Dũng chia sẻ sự đồng nhất về quan điểm với LS Đình Hưng về các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Dương Tự Trọng.
Quay lại vụ án, LS Thiệp cũng đề nghị xem xét không thể để các bị cáo gánh hậu quả của vụ án Vinalines vì thời điểm các bị cáo phạm tội trước khi khởi tố vụ án ở Vinalines.
"Tại thời điểm giúp Dương Chí Dũng bị cáo Trần Văn Dũng không hề biết ông Dương Chí Dũng là ai và mục đích việc ông Dũng ra nước ngoài nên không thể quy kết việc Trần Văn Dũng gây hậu quả nghiêm trọng cản trở quá trình điều tra. Vì thế, đề nghị xem xét khoan hồng giảm tội cho thân chủ của tôi", LS Thiệp nói.
15h10: Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Dũng, luật sư cho rằng việc phạm tội của Dũng là ngoài tầm hiểu biết của bị cáo, vai trò của Dũng chỉ là thứ yếu.
Sau khi phân tích và lập luận luật sư cho rằng thân chủ mình phải được hưởng 2 tình tiết giảm nhẹ. Đề nghị HĐXX xem xét khách quan, đúng tội.
15h00: Bị cáo Dương Tự Trọng không có ý kiến về phần luận tội của VKS và phần tranh luận của luật sư.
14h45: Tranh luận tại tòa, Luật sư Nguyễn Đình Hưng- bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Tự Trọng cho rằng HĐXX chưa xem xét một số bất cập trong bản sơ thẩm chưa phù hợp với diễn biến phiên tòa và hồ sơ.
Luật sư Hưng đề nghị xem xét lại điều khoản xét xử với Dương Tự Trọng và cho rằng kết luận vi phạm đặc biệt nghiêm trọng của tòa là không phù hợp thực tế. Các bị cáo đều không hề biết việc chạy tội nghiêm trọng của Dũng trong quá trình phạm tội. Ngoài ra cần xem xét tình tiết tổ chức trốn đi nước ngoài tinh vi và đặc biệt nghiêm trọng là chưa chính xác.
Ông Hưng cũng đề nghị HĐXX xem xét đánh giá đúng mức độ các tình tiết thành khẩn khai báo của bị cáo Trọng và loại trừ khái niệm chủ mưu của thân chủ như bản án sơ thẩm nêu.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng cho rằng cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: thành tích đóng góp của bản thân Dương Tự Trọng trong ngành Công an Hải Phòng, đóng góp cho việc trấn áp tội phạm ở thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, bố mẹ họ hàng của bị cáo cũng là những người đóng góp cho ngành công an để từ đó điều chỉnh một số tình tiết nhận định của tòa sơ thẩm để giảm án cho bị cáo Trọng.
14h30: Các bị cáo Đồng Xuân Phong Trần Văn Dũng, VKS thấy rằng hơi nặng với lượng hình tòa sơ thẩm đã tuyên và đề nghị giảm nhẹ.
Đối với Nguyễn Trọng Ánh đã tham gia xuyên suốt quá trình phạm tội với vai trò đồng phạm. Mức án 6 năm tù được tuyên tại phiên sơ thẩm, theo VKS hơi nặng so với việc phạm tội của Ánh, đề nghị HĐXX xem xét.
Đối với bị cáo Hoàng Văn Thắng tham gia vào cung đoạn đầu tiên giữ vai trò thấp nhất trong vụ án. Bản án sơ thẩm lượng hình mức án 5 năm tù do khai báo thành khẩn. VKS cho rằng hình phạt này hơi nặng, lẽ ra phiên tòa xem xét để giảm nhẹ nhưng bị cáo kêu oan nên tòa chỉ tập trung làm rõ vấn đề này.
Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn, VKS cho rằng bản lượng hình của tòa sơ thẩm đúng người đúng tội không oan.
14h20: Bị cáo Vũ Tiến Sơn là mắt xích quan trọng giúp Trọng thực hiện đưa Dương Chí Dũng đi nước ngoài và đã bị tòa sơ thẩm tuyên 13 năm tù. Tại phiên tòa hôm nay, Sơn khai nhận thành khẩn, xét đơn kháng án của bị cáo bản thân có nhiều thành tích khi còn là công an, VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt.
14h10: Rêng bị cáo Dương Tự Trọng với tư cách là cán bộ công an đã dùng uy tín của cán bộ công an để tổ chức cho anh trai chốn đi nước ngoài. Việc xét xử sơ thẩm với mức án 18 năm là do bị cáo ngoan cố khai báo không thành khẩn.
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo. Đây là tình tiết để giảm nhẹ tội cho Dương Tự Trọng.
14h: HĐXX tiếp tục làm việc. Phiên tòa bắt đầu với phần luận tội của VKS. Đại diện VKS cho rằng có đủ chứng cứ để kết luận về hành vi phạm tội của các bị cáo.
VKS đánh giá việc tổ chức trốn đi nước ngoài chặt chẽ. Các bị cáo sử dụng nghiệp vụ công an để đưa Dương Chí Dũng ra nước ngoài trốn gây khó khăn cho cơ quan pháp luật, gây hoài nghi cho công tác chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; làm ảnh hưởng đến ngành Công an.
Bản án sơ thẩm đã xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là đúng người đúng tội.
|
Bị cáo Dương Tự Trọng và đồng phạm |
14h00: Tòa bắt đầu làm việc.
Bước sang phần tranh luận, VKS nếu ý kiến kết luận vụ án:
Bản án sơ thẩm kết luận các bị cáo phạm tội Tổ chức đưa người khác đi nước ngoài, trong đó bị cáo Trọng và Sơn là người đứng ra tổ chức để các bị cáo khác trực tiếp thực hiện.
Sau phiên sơ thẩm có 6/7 bị cáo kháng cáo. Riêng bị cáo Thắng không án cáo.
Các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ, riêng bị cáo Minh Tuấn kháng cáo kêu oan.
VKS nêu lại nội dung vụ án.
10h30: Tòa xét hỏi nhân chứng Dương Chí Dũng
Dương Chí Dũng khẳng định: Quyết định trốn đi là một sai lầm để lại hậu quả thấm thía. Quyết định trốn là do tôi. Trọng và mọi người chỉ giúp xe cộ đưa đi.
Tôi đề nghị để tôi đi một mình vào miền Nam và sang Campuchia nhưng Trọng không cho, Trọng sợ tôi bị tai nạn giao thông dọc đường. Hơn nữa tôi không quen biết ở Campuchia, sẽ khó đóng dấu xuất cảnh để sang Mỹ nếu có người giúp thì dễ dàng hơn nên tôi đồng ý để Trọng và mọi người giúp đưa đi.
Dương Chí Dũng khai tiếp: Trên đường đi từ Quảng Ninh vào SG tôi không nói chuyện với Thắng và Ánh vì ngay với Trọng tôi cũng không nói nhiều.
Tòa hỏi: Các bị cáo khác đưa đi trốn có được lợi ích gì không?
Dương Chí Dũng: Không có lợi ích gì mà bây giờ thì hậu quả. Tôi không nhớ.
Tòa: Nếu không phải Dương Tự Trọng nhờ các bị cáo giúp thì họ có nhiệt tình giúp anh không?
Dũng trả lời: Một số anh em tôi có quen biết, sống rất tình cảm, tôi coi như các em. Tôi nghĩ không có Trọng nếu tôi trực tiếp nhờ có thể một số người vẫn giúp, một số thôi vì có người thì tôi mới gặp lần đầu.
10h, tòa quay lại thẩm vấn Dương Tự Trọng:
Bị cáo Dương Tự Trọng khai: Chúng tôi không tổ chức tinh vi, khi biết chuyện anh Dũng, trong hoàn cảnh gia đình như thế tôi đã gọi điện cho anh Sơn và những người mình yêu thương như anh em, tôi sốc, tôi khóc suốt vì tôi thương anh Dũng mà.
Chuyện sử dụng số liên lạc khác là chuyện bình thường khi đi làm án, lúc đó tôi đang tham gia chuyên án vụ nổ Thái nguyên. Một số anh em đi chung không biết rõ mọi chuyện, anh Sơn đi chung với anh Tuấn dừng xe ở Phố Nối thì cũng không biết việc đi đón anh Dũng. Anh Sơn sau này mới biết mọi chuyện, và cũng chỉ là người thực hành trung gian. Anh Sơn không phải là người có vai trò tổ chức, cầm đầu gì cả. Lúc đó chúng tôi muốn đưa anh Dũng đi lẩn trốn cơ quan điều tra, không có ý định đưa trốn đi nước ngoài. Trốn đi nước ngoài là ý anh Dũng, chúng tôi thương anh Dũng nên không dám ngăn cản.
Tôi cho Ánh - Thắng đi chung với anh Dũng vì lo lắng anh Dũng là doanh nghiệp trong tình hình này đi bên ngoài xã hội nếu lọt vào tay giang hồ sẽ khó. Anh Dũng thì không muốn ai đi cùng vì không muốn làm phiền. Tôi nhận hết hành vi phạm tội nhưng muốn nói rõ là tất cả các bị cáo khác đều chỉ là người thực hành, có những lúc không biết rõ việc vì nguyên tắc xưa nay nhờ nhau thì giúp mà không hỏi.
Tòa xử tội gì tôi cũng xin chấp nhận.
Bị cáo Dương Tự Trọng cho biết thêm: Tôi biết quan hệ giữa anh Dũng và anh Ngọ (Phạm Quý Ngọ).
Tòa hỏi: Trốn đi nước ngoài là ý ai?
Dương Tự Trọng: Ý anh Dũng.
Tòa hỏi tiếp: Các bị cáo khác khai, tại nhà cha mẹ Sơn có bàn bạc nhau đưa Dũng đi Campuchia rồi báo lại Trọng?
Dương Tự Trọng giãi bày: Bàn bạc là bàn việc sử dụng tên giả liên lạc để tránh cơ quan điều tra theo dõi. Còn việc đi Campuchia là do muốn đi nước ngoài thì phải có đóng dấu xuất cảnh, nên phải qua Campuchia nhờ bên sòng bạc giúp đóng dấu thì mới ra nước ngoài được. Làm hình sự thì chấp hành không bao giờ hỏi lại, nên khi tôi trao đổi với các bị cáo Sơn, Thắng, Ánh giúp thì các anh em không hỏi chuyện anh Dũng.
Dương Tự Trọng cho rằng Tòa xử tội danh đúng nhưng khung hình phạt không đúng, mức án cao với căn cứ cho rằng hành vi nghiêm trọng gây ra dư luận xấu, nhưng không có thống kê nào kết luận dư luận xấu. Bị cáo cũng lưu ý lúc Dương Chí Dũng đi trốn thì chỉ mới bị khởi tố tội cố ý làm trái, chưa khởi tố tội tham nhũng.
Bị cáo cảm khái: "Các bị cáo bị xét xử mức án thế nào cũng được nhưng với người thân thì rất nặng nề, họ là những người vô tội nhưng gánh chịu áp lực lớn. Thật sự, chưa bao giờ bị cáo sống như thế này, mỗi ngày tập thể thao, lúc trước vất vả quá".
9h30: Thẩm vấn bị cáo Dương Tự Trọng:
- Bị cáo xin được mấy giây để mặc niệm cho bố của bị cáo Sơn. Sau phút mặc niệm, bị cáo Trọng cúi mặt khóc, không thể thốt nên lời, HĐXX phải cho bị cáo Trọng về chỗ để bình tĩnh lại, thẩm vấn sau.
Dương Tự Trọng bật khóc vì nghe tin bố của Sơn mất
9h32: Thẩm vấn bị cáo Phạm Minh Tuấn
- Bị cáo có biết nhà của Hoàng Thị Nhung?
Biết ạ.
- Có nhiều lần đến chơi chưa?
Vì là người quen nên đến chơi.
- Bị cáo bao nhiêu lần vào nhà chị Nhung chơi?
Có vài lần.
- Đến một mình hay có Trọng?
Đến cùng Trọng.
- Còn nhà bố đẻ Nhung ở Quảng Ninh?
Bị cáo chưa đến, chỉ đi qua anh Trọng chỉ cho biết.
- Mấy giờ bị cáo cùng Dũng đến nhà ông Cường?
Tôi đi lơ mơ ngủ, không để ý, áng chừng 1-2 giờ đêm.
- Trên đường đi có trao đổi gì với nhau?
Dạ không. Tôi chỉ hỏi han anh Dũng vì lâu không gặp nhau.
- Trao đổi hỏi han về công việc như thế nào?
Dạ thưa anh Dũng hỏi tôi chứ tôi không hỏi anh Dũng.
- Lúc này bị cáo đã biết Dũng vi phạm pháp luật chưa?
Sau này qua ti vi thì tôi biết, trước đó không biết vì quan hệ với anh Dũng là quan hệ tình cảm thân thương chứ không quan tâm đến chức vụ của anh Dũng.
- Vào nhà ông Cường bị cáo nói gì với ông Cường?
Tôi giới thiệu với chủ gia đình, đây là anh Dũng, anh trai của anh Trọng.
9h15: Thẩm vấn bị cáo Nguyễn Trọng Ánh:
- Bị cáo công tác ở đơn vị nào?
Bị cáo công tác tại phòng CSHS công an Hải Phòng.
- Bị cáo có quan hệ thế nào với Sơn?
Anh Sơn là lãnh đạo trực tiếp của bị cáo.
- Bị cáo có quen biết Dương Chí Dũng không?
Bị cáo không biết và không nghe nói đến Dương Chí Dũng bao giờ.
- Anh Trọng gọi bị cáo lên phòng nói gì?
Anh đi công tác, em ở nhà đi làm với Thắng.
- Bị cáo hiểu thế nào?
Trước đó anh Trọng có cho bị cáo tham gia chuyên án nên nghĩ là sẽ đi làm với anh Thắng.
- Bị cáo có đến phòng bị cáo Sơn không, múc đích gì?
Anh Trọng có dặn bị cáo đến phòng anh Sơn.
- Trao đổi gì với anh Sơn?
Xe thì anh Trọng bảo anh Hòa mượn, ở nhà đi làm với anh Thắng.
- Ai là người bảo bị cáo mượn xe của Hòa?
Anh Trọng. Trước đây đi làm hay đi công tác đều anh Hòa chuẩn bị xe.
- Tối 23/5, bị cáo và Thắng nghỉ ở khách sạn nào?
Ở khách sạn Gia Huy gì đó.
- Có gặp Sơn không?
Gặp ở hàng ăn sáng và không trao đổi gì.
- Bị cáo có biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật không?
Sau này bị cáo biết.
- Bị cáo có được Trọng dặn dò gì khi đưa Dũng đi trốn không?
Sau này anh ấy bảo không được nói với ai.
- Bị cáo xác định có hành vi đưa Dũng từ Quảng Ninh đi TP.HCM, đến của Khẩu Mộc Bài đúng không?
Vâng. Bị cáo nhấn mạnh lại bị cáo không điện thoại trên xe, không liên lạc với ai.
- Bị cáo có nhớ nội dung bản thú tội, có đúng sự thật không?
Đúng ạ. Không bị mớm cung ép cung.
- Án sơ thẩm kết tội bị cáo có oan không?
Không.
- Bị cáo có biết tại sao phải đưa Dũng đi trốn không?
Không. Sau này bị cáo mới biết.
- Lý do xin giảm tội của bị cáo?
Từ đầu bị cáo không biết việc đưa anh Dũng đi trốn, bị cáo không mượn xe, không có quan hệ với ông Bình chủ phương tiện, cũng không liên lạc thường xuyên với anh Trọng, anh Sơn, không trực tiếp đối đầu với pháp luật, cố ý vi phạm. Bản thân sức khỏe bị cáo không được tốt. Trong hồ sơ đã có bệnh án của bị cáo, nó là căn bệnh không tốt.
- Bệnh không tốt là bệnh gì?
Bị cáo bị u trong vòm họng, chú bị cáo cũng bị mất vì bệnh này. U chèn trong họng bị cáo không ăn được, giảm gần 20 kg. Sức khỏe bị cáo kém, án này vô hình chung là án tử đối với bị cáo.
Gia đình bị cáo đều là cán bộ đảng viên, bản thân bị cáo vào ngành với mục đích là bảo vệ Tổ quốc, mong được xem xét giảm nhẹ.
Tòa có nhận được đơn xin giảm án của bố bị cáo, những tài liệu thể hiện bị cáo có công với cách mạng.
9h05: Thẩm vấn bị cáo Đồng Xuân Phong
- Bị cáo có quan hệ với Trọng như thế nào?
Quan hệ xã hội.
- Với Ánh?
Sau này bị cáo mới biết Ánh, khi đi cùng ô tô.
- Trên xe ô tô bị cáo có trao đổi gì với Ánh?
Không ạ.
- Ai là người nhờ bị cáo tìm mối đưa Dũng ra nước ngoài?
Anh Sơn gọi điện và bảo bị cáo nói chuyện với anh Trọng. Anh Trọng hỏi thăm sức khỏe rồi bảo nói chuyện với anh Sơn, có việc cần nhờ.
- 18/5, Trọng có trao đổi qua điện thoại với bị cáo?
Anh Trọng nói chuyện qua máy của anh Sơn, hỏi thăm sức khỏe.
- Sơn nói với bị cáo như thế nào?
Bảo sang nhà bố mẹ anh Sơn ở Kiến An để nói chuyện.
- Mục đích cuộc gặp mặt như Sơn và Dũng khai có đúng không?
Đúng vậy.
- Ai là người yêu cầu bị cáo vào TP.HCM?
Anh Sơn ạ.
- Mục đích làm gì?
Chờ xe đưa anh Dũng vào tới nơi rồi đưa anh Dũng sang Campuchia.
- Bị cáo sang Camphuchia bằng cách nào?
Bị cáo dùng hộ chiếu giả vì trước đó đã bị cấm xuất cảnh.
- Mục đích sang đó làm gì?
Để lo cho anh Dũng đi Mỹ. Bị cáo cùng anh Dũng ở Singapore từ 2-3 ngày. Từ Singapore, bị cáo chia tay anh Dũng để anh Dũng bay tiếp sang Mỹ. Sau đó Sơn tiếp tục nhờ bị cáo lo cho anh Dũng khi anh Dũng bị đẩy về Campuchia.
- Bị cáo giúp Dũng những việc gì?
Bị cáo bắt taxi đưa anh Dũng về một nhà bên đó, chỉ hỏi thăm sức khỏe, không giúp được gì.
- Bị cáo có đưa tiền cho Dũng không?
Không.
- Bị cáo nhận thức gì về hành vi của mình?
Bị cáo chỉ vì tình cảm anh em, không vụ lợi gì. Lúc đi bị cáo không biết anh Dũng có lệnh bắt, chỉ đoán là có chuyện thôi.
- Khi nào bị cáo biết Dũng có lệnh bắt?
Khi bị cáo từ Campuchia về, lần thứ hai.
- Bị cáo có biết mình có lệnh truy nã không?
Bị cáo không biết.
- Bị cáo khai như vậy thôi. Án sơ thẩm kết tội bị cáo có đúng không?
Dạ đúng, không oan nhưng án hơi cao.
- Bị cáo trình bầy đi?
Bị cáo thành khẩn khai báo, mong muốn được xem xét giảm nhẹ, động cơ phạm tội là vì tình cảm anh em, không có vụ lợi. Bị cáo là gia đình có công với cách mạng. Tòa sơ thẩm xử thế là cao quá ạ.
8h50: Thẩm vấn bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc kạn”):
- Bị cáo Trọng nói với bị cáo như thế nào?
Trọng nói có việc quan trọng muốn nhờ, liên quan đến anh trai. Sau đó Phong đón bị cáo sang gặp anh Sơn.
Khi ba anh em ngồi nói chuyện, anh Sơn nói anh Trọng muốn đưa anh Dũng sang Campuchia, không muốn đi bằng đường chính. Bị cáo có nói có thể đi đường tiểu ngạch.
- Bị cáo quan hệ với Dương Chí Dũng và Vũ Tiến Sơn như thế nào?
Chỉ biết và không thường xuyên gặp nhau.
- Tại nhà của bố mẹ bị cáo Sơn, ai là người đưa ra phương án gọi bằng biệt danh?
Anh Sơn nói là gọi tên như thế.
- Ai là người đề xuất phương án đưa Dương Chí Dũng đi Campuchia?
Anh Sơn nói ý của anh Trọng là như thế.
8h30: Tòa thẩm vấn bị cáo Vũ Tiến Sơn.
- Bị cáo Trọng có gọi bị cáo lên phòng làm viêc trao đổi gì không?
Có ạ. Anh Trọng thông báo anh Dũng sẽ bị khởi tố và đi lo việc cho anh Dũng.
- Ai là người đề xuất đưa Dũng đi trốn?
Anh Trọng đề xuất.
- Đi trốn nước ngoài hay trong nước?
Đi sang chỗ cháu ở bên Mỹ để lánh một thời gian.
- Lý do phải đưa Dũng đi trốn?
Anh Dũng có lệnh bắt và được một anh trên Bộ báo nên lánh. Và anh Trọng cũng cho rằng anh Dũng nên lánh đi vì ông bà tuổi cao rồi, sẽ không chịu được cú sốc.
Dương Chí Dũng có mặt trong phiên xử em trai
- Và bị cáo đã đồng ý đưa Dũng đi trốn?
Tôi coi anh Dũng như anh ruột, nhưng trong công việc, anh Trọng có giao tôi một số việc, còn một số việc thì tôi không biết.
Anh Trọng bảo tôi liên hệ với Phong vì Phong có quan hệ với nước ngoài. Vì Phong là đối tượng đang bị truy nã, anh Trọng là em anh Dũng, nếu anh Trọng trực tiếp gọi cho anh Phong thì sẽ dễ bị phát hiện nên tôi gọi cho Phong để Phong nói chuyện với anh Trọng.
Việc bàn bạc để đưa anh Dũng sang Campuchia, anh Dũng nói là “đơn giản ý mà”. Sau đó tôi mua điện thoại đưa cho mọi người để đảm bảo việc liên lạc.
- Ai bảo bị cáo mua điện thoại?
Tôi tự mua.
- Bị cáo Trọng có chỉ đạo mua không?
Tôi mua rồi sau đó báo cáo lại cho anh Trọng.
- Tại sao lại dừng ở Phố Nối?
Anh Trọng bảo dừng để chờ thêm người khác. Lúc đó anh Trọng đưa tôi 2 điện thoại bảo đưa cho Thắng. Lúc đó tôi đoán là đi đón anh Dũng.
- Như vậy là lúc đó bị cáo đã biết việc đi đón Dũng chứ không phải là không biết như bị cáo nói?
Tôi biết nhưng không biết việc chỉ đạo đi đâu, như thế nào.
- Bị cáo trao đổi với Đồng Xuân Phong nội dung gì?
Tôi gọi rồi đưa cho anh Trọng nói chuyện.
- Nội dung Trọng nói với Phong, bị cáo có biết không?
Không.
- Bị cáo gọi Phong đến nhà bị cáo làm gì?
Để Phong đưa anh Dũng ra nước ngoài.
- Ai là người đưa ra ý tưởng gọi những tên khác?
Tôi không nhớ vì cả ba anh em ngồi nói chuyện.
- Mục đích làm gì?
Gọi bằng biệt hiệu để tránh bị phát hiện.
- Việc thống nhất bàn bạc ở nhà bị cáo, bị cáo có trao đổi lại với Trọng không?
Có.
- Trọng nói gì?
Cứ thế mà làm thôi.
- Ai là người đưa Dũng đi Quảng Ninh?
Tôi không biết.
- Mục đích chuyến đi TP.HCM của bị cáo và Trọng?
Theo phân công về ban chuyên án của Bộ công an, đi để điều tra vụ nổ mìn ở nhà lãnh đạo công an tỉnh Thái Nguyên.
- Ngoài ra còn có mục đích, động cơ gì khác?
Đưa anh Dũng đi thì chúng tôi có thể ở ngoài này chỉ đạo được, chỉ là tiện việc thì kết hợp thôi.
- Từ 21- 23/5/2012, Ánh, Thắng đang trên đường đưa Dũng đi TP.HCM, bị cáo có liên lạc với 2 người này không?
Tôi với anh Trọng ở cùng phòng tại TP.HCM. Số điện thoại của Ánh và Thắng tôi không có.
Khi ở phòng khách sạn, anh Trọng có điện cho Ánh, trước đó có gọi cho Ánh nhưng không được, nên anh Trọng dùng máy của tôi để điện cho Ánh và anh Trọng dặn anh Ánh cụ thể.
- Bị cáo có gặp Ánh và Thắng ở TP.HCM không?
Có.
- Có trao đổi gì không?
Trao đổi việc đã đưa anh Dũng nhập cảnh vào Campuchia.
- Bị cáo có biết việc anh Dũng không nhập cảnh được vào Mỹ không?
Không ạ.
- Có ai thông báo việc anh Dũng không nhập cảnh vào Mỹ và bị đẩy về Campuchia không?
Anh Trọng thông báo, sau đó bị cáo nhờ Phong đón anh Dũng.
- Bị cáo có đưa tiền cho Phong không?
Có ạ.
- Tại nhà của bố mẹ đẻ bị cáo, bị cáo có đưa tiền cho Dũng không?
Có đưa 30.000 USD, là số tiền anh Trọng đưa.
- Bị cáo nhận thức hành vi của bị cáo như thế nào?
Bị cáo đã sai. Tình cảm của tôi đã đi quá nên vi phạm pháp luật.
- Bị kết tội có đúng không?
Có. Nhưng việc bảo tôi là chỉ huy, chỉ đạo là không đúng. Vai trò của tôi là thừa hành, tôi không quyết định được toàn bộ vấn đề này. Anh Trọng đã nhờ thì làm.
- 19/5/2012, Ánh có đến phòng làm việc của bị cáo không?
Ánh xuống và nói cũng được đi công tác trong SG.
- Có việc bị cáo bảo Ánh mượn xe xủa Đặng Thái Hòa không?
Có ạ.
- Anh có tham gia vụ án nổ mìn ở Thái Nguyên?
Có.
- Lý do kháng án?
Mong được xem xét vai trò của tôi, tôi chỉ thừa hành, đã thành khẩn khai báo từ đầu. Tôi là nhân chứng khai báo đầu tiên trong một vụ án khác. Bố tôi có huân chương kháng chiến, mong được xem xét hưởng khoan hồng để về thắp cho bố nén hương (nghẹn ngào).
8h30: Chủ tọa tóm tắt xong bản án sơ thẩm và đơn xin kháng cáo của các bị can để được nhận sự khoan hồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, chỉ riêng Dương Tự Trọng không nhận tội. Tuy nhiên, HĐXX phiên sơ thẩm cho rằng, xét thấy, hành vi phạm tội của 6 bị cáo (trừ Dương Tự Trọng), cùng với lời khai tại tòa, tài liệu tài liệu của cơ quan điều tra, đủ cơ sở khẳng định, việc phạm tội của các bị cáo theo sự chỉ đạo của Dương Tự Trọng.
Đối với Dương Tự Trọng, không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra hoàn toàn phù hợp với lời khai của nhân chứng và các bị cáo tại tòa, HĐXX đủ căn cứ khẳng định Dương Tự Trọng là nhân vật chính trong vụ án. Việc quy kết theo Điều 275, Bộ Luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Dương Tự Trọng bị tuyên 18 năm tù.
Sau đó, Dương Tự Trọng có đơn kháng. Các bị cáo khác lần lượt có đơn kháng án với những lý do khác nhau, riêng Hoàng Văn Thắng không kháng cáo.
8h20: Chủ tọa Hà Thị Xuyến tuyên bố chuyển sang xét xử và tóm tắt bản án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
8h10: Sau khi lấy ý kiến Viện kiểm sát và các luật sư về việc vắng mặt của một số nhân chứng, Tòa hội ý nhanh và tuyên bố tiếp tục xét xử vụ án này.
8h00: Chủ tọa phiên tòa tuyên bố bắt đầu phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai vụ án Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Tòa tiến hành làm thủ tục căn cước đối với các bị cáo
7h00: Tòa làm các thủ tục kiểm tra căn cước bị cáo, nhân chứng và luật sư bào chữa cho các bị cáo
6h30: Xe chở phạm nhân và nhân chứng có mặt tại sân Tòa án tối cao
-
Dương Tự Trọng tươi cười khi được đưa đến Tòa sáng nay (22/5)
Bị can Dương Tự Trọng và các đồng phạm được cán bộ tư pháp đưa vào phòng xử án.
-
Các đồng phạm trong vụ án Dương Tự Trọng giúp anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn
Nhân chứng Dương Chí Dũng cũng có mặt được đưa vào phòng xử án.
Hai anh em Dũng và Trọng quay lại trò chuyện với nhau khá thoải mái.
Ngày 22/5, TAND tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 Bộ luật Hình sự. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong 1 ngày.
(Tổng hợp theo Vietnamnet/VOV/Pháp luật TP. HCM)