Trước đó, Hội Khoa học lịch sử đã rà soát sách giáo khoa lịch sử lớp 7, 9, 10 và 12. Kết quả chỉ có một số bản đồ hành chính hay chiến sự có ghi tên đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong sách giáo khoa địa lý lớp 8, 9 và 12 có bài về Biển Đông trong đó có bản đồ ghi tên đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trong sách giáo khoa lịch sử, địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập đến lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo đại diện Hội, từ năm 2012 Hội đã kiến nghị với Bộ GDĐT nội dung này.
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Hội ngày 30.12.2013, Hội cũng nêu kiến nghị này và được Thủ tướng kết luận cần đưa vào sách giáo khoa, giao Bộ GDĐT nghiên cứu thực hiện, nhưng hiện chưa có bổ sung.
Vì vậy, Hội khẩn thiết kiến nghị Bộ GDĐT không thể chậm trễ hơn nữa, cần bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa.
Không thể chờ đợi đến khi biên soạn sách giáo khoa mới phải vài năm nữa mới hoàn thành.
Các đại biểu cũng có ý kiến gay gắt với việc tích hợp môn học lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và đạo đức công dân thành môn học “Công dân với Tổ quốc” trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Lịch sử sẽ tranh luận đến cùng về việc lịch sử phải là môn học độc lập.
“Việc nhặt một vài kiến thức lịch sử ghép vào môn giáo dục công dân và quốc phòng – an ninh sẽ làm người học hiểu méo mó về lịch sử, thậm chí hiểu không đúng vì nó có tính hệ thống.
Còn sau này, khi quá trình tính hợp có thể đạt tới hiệu quả mà xã hội công nhận và đúng như cam kết của ngành giáo dục là không bỏ kiến thức lịch sử thì chúng ta sẵn sàng tìm các giải pháp để tích hợp trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước”.