Dạy "tích hợp" môn Lịch sử là sai lầm lớn nhất của Bộ GD&ĐT

Tiến Dũng |

Ths Trần Trung Hiếu: "Việc môn Sử bị xé nhỏ và gán gép theo kiểu “ba trong một” trong Dự thảo đó chưa từng xảy ra. Nếu điều đó xảy ra, đây là một trong nhưng sai lầm lớn nhất của Bộ GD&ĐT từ ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nay!".

Bộ GD&ĐT luôn luôn giải thích rằng không bao giờ bỏ môn Lịch sử mà hơn thế nữa rất coi trọng môn học này.

Nhưng trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc.

Với cách xây dựng chương trình như hiện nay, tức là đưa môn Lịch sử vào các môn tích hợp, không còn môn Lịch sử.


Các nhà khoa học cho rằng không nên xóa bỏ môn Lịch sử.

Các nhà khoa học cho rằng không nên xóa bỏ môn Lịch sử.

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ThS. Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An - Người có nhiều năm tham gia giảng dạy môn Lịch sử cho các học sinh, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ths Trần Trung Hiếu cho biết: “Tôi hoàn toàn phản đối “dạy học tích hợp” và môn Sử bị “tích hợp” với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc.

Đó là một việc làm không giống ai và ở những nền giáo dục tiên tiến họ cũng không làm thế.

Tôi và tuyệt đại đa số giáo viên Sử phổ thông luôn giữ nguyên ý kiến: Môn Sử phải là môn học bắt buộc và độc lập trong chương trình trung học phổ thông như nó đã từng thế”.

“Việc dạy học “tích hợp” chưa thể thực hiện được ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội như nước ta hiện nay!

Nếu Bộ GD&ĐT vẫn luôn bảo thủ và không chịu lắng nghe ý kiến góp ý và phản biện của các nhà giáo, nhà khoa học và dư luận xã hội thì Bộ sẽ đón nhận một hậu quả không thể cân, đo, đong, đếm được.

Tất cả các giáo viên Sử tâm huyết, có lương tri và trách nhiệm đã, đang và sẽ phản đối đến cùng cái Dự thảo quá bất cập và bất ổn này của Bộ GD&ĐT.

Các GS, TS, chuyên gia đầu ngành trên toàn quốc đã đồng loạt phản ứng về Dự thảo và vấn đề “tích hợp” và chúng tôi – những giáo viên dạy Sử xin khẳng định rằng: Chúng tôi không thể dạy được kiểu “tích hợp như thế!

Xét về thực tiễn thì nó chưa xảy ra vì Dự thảo vẫn đang là “Dự thảo” nên chưa thể khẳng  định học sinh sẽ tiếp thu kiểu dạy “tích hợp” như thế nào.

Nhưng, đa số học sinh phổ thông mà chúng tôi đã từng hỏi đều không muốn môn Sử được “tích hợp” với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc”, Ths Trần Trung Hiếu chia sẻ.


Ths Trần Trung Hiếu trao đổi với PV Infonet.

Ths Trần Trung Hiếu trao đổi với PV Infonet.

Tuy nhiên, Ths Trần Trung Hiếu cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Mấy tuần qua, môn Sử là môn học luôn “nóng” trên các phương tiện truyên thông và các trang mạng xã hội.

Điều đó cũng đủ để hiểu rằng, dư luận xã hội rất quan tâm, lo lắng đến môn Sử và Lịch sử.

Đó là tín hiệu đáng mừng trong cái đáng thất vọng về cách hành xử của Bộ GD&ĐT khi xem Lịch Sử không còn tên là một môn học độc lập trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Trong giai đoạn khi mà vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia dân tộc đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng, môn Sử không những không được chú trọng mà đang bị Bộ GD&ĐT từng bước “khai tử” khỏi trường học thì đó càng là điều không thể chấp nhận được.

Môn Sử là một môn học mang tính đặc thù và đặc biệt. Đây cũng là môn học nắm giữ lợi thế tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc giáo dục lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.

Sẽ vô cùng nguy hiểm khi môn Sử bị bỏ rơi, những thế hệ giữ vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước sẽ không hiểu tất cả những gì mà tổ tiên, cha ông họ đã đổ mồ hôi, công sức và cả máu xương để có được giang sơn gấm vóc làm nên hình hài Tổ quốc hiện nay.

Họ sẽ lấy gì để kế thừa và phát huy sức mạnh để bảo vệ và giữ gìn cái mà cha ông họ đã tạo dựng?”.

“Tôi thẳng thắn khẳng định rằng: Việc môn Sử bị xé nhỏ và gán gép theo kiểu “ba trong một” trong Dự thảo đó là chưa từng xảy ra và nếu điều đó xảy ra, đây là một trong nhưng sai lầm lớn nhất của Bộ GD&ĐT từ ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nay!

Trước tình trạng rất bất ổn này của Bộ GD&ĐT, cá nhân tôi đã, đang và sẽ góp ý một cách thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật để nói rõ sự thật trên tinh thần xây dựng của một giáo viên phổ thông trên tất cả các phương tiện truyền thông đối với những người, những cơ quan có trách nhiệm.

Đổi mới là tốt, nhưng không có nghĩa bê một cái gì đó xa lạ từ nước ngoài để “nhào nặn “ ra một sản phẩm chẳng giống ai”, Ths Trần Trung Hiếu tâm sự.


Thầy Trần Trung Hiếu chụp ảnh lưu niệm với các học sinh.

Thầy Trần Trung Hiếu chụp ảnh lưu niệm với các học sinh.

Theo Ths Trần Trung Hiếu, hiệu quả thì chưa thấy, nhưng Bộ GD&ĐT đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các giáo viên phổ thông đến các chuyên gia, các giảng viên đại học, từ người học đến người dạy, người nghiên cứu, từ những người trong ngành đến những người "ngoại đạo” có lương tâm, có trách nhiệm đối lịch sử và môn Sử.

"Tôi vẫn luôn giữ quan điểm của cá nhân tôi: Môn Sử phải là môn bắt buộc và độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT hãy dũng cảm và thành  thật đón nhận tất cả các ý kiến  góp ý, phản biện để sai đâu, sửa đó, thậm chỉ hủy bỏ khi không thể tìm thấy sự đồng thuận của số đông!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại