Như chúng tôi đã thông tin, do giận con không đồng ý quan hệ giữa hai người, ông Chu Quang Hậu (sinh năm 1933) và bà Nguyễn Thị Hợp (sinh năm 1958) đã bỏ nhà đi lang thang. Và từ mùng 4 Tết vừa qua, hai ông bà đang co ro tại địa điểm "định cư" mới là gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (Hà Nội).
Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 12/2, ông Lê Kế Việt, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội - nơi quản lý khu vực ông Hậu, bà Hợp trú ngụ) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, ông đã trực tiếp xuống khu vực đôi bạn tuổi 80 "định cư".
"Hai bác đó không phải là công dân của phường chúng tôi mà là từ nơi khác về khu vực gầm cầu vượt ngã tư Vọng rồi trú ở đó. Khi nhận được thông tin về trường hợp này, tôi đã trực tiếp xuống cùng với các cán bộ của phường, công an phường động viên, chia sẻ, giải thích cho hai bác.
Qua những gì mà hai bác cung cấp về thông tin gia đình, người thân, ngay trong tối ngày 10/2, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 của thành phố đưa các bác về đó để tiện chăm sóc, nuôi dưỡng", ông Việt cho hay.
"Tổ ấm" chốn gầm cầu vượt của đôi "vợ chồng" già trước khi được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội.
Cũng theo ông Việt, hiện hồ sơ của đôi bạn tuổi 80 đã được chuyển về Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 và đơn vị này sẽ có trách nhiệm tìm hiểu, xác minh, liên hệ với người nhà của họ.
"Đây không phải là trường hợp đầu tiên đến địa bàn phường chúng tôi trú ngụ nhưng trường hợp này đặc biệt là bác trai thì đã già còn bác gái thì bị phù nề ở chân. Chính vì vậy, trước khi phối hợp đưa hai bác về trung tâm bảo trợ xã hội, chúng tôi đã đưa bác gái đi khám để làm rõ tình hình bệnh tình. Các thông tin về gia đình, người thân mà hai bác cung cấp cũng không rõ ràng nên sau khi đưa về chăm sóc trên trung tâm sẽ xác minh, liên hệ với người nhà để có hướng giải quyết hợp lý nhất", ông Việt nói.
Trước đó, theo lời ông Chu Quang Hậu thì, ông từng tham gia cách mạng và được Nhà nước tặng thưởng một số huân, huy chương.
Cách đây 14 năm, ông Hậu từng có nhà cửa, vợ con đầy đủ ở phường Phùng Khắc Khoan, Thị xã Sơn Tây. Sau khi người vợ già của cụ qua đời, các con lớn khôn, toàn bộ gia sản, đất đai được ông bán và chia đều cho các con.
Sau đó, ông Hậu có quen với bà Hợp nhưng bị các con phản đối, thậm chí còn nói rằng, nếu ông lấy bà thì sẽ phải tự lo, tự chịu trách nhiệm.
Giận con, ông đã đưa bà đi, tự nương tựa vào nhau. 14 năm trôi qua, đôi "vợ chồng" già rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn Sơn Tây, lang thang phiêu bạt, khi Hà Nội, lúc Hòa Bình. Công việc của họ là làm mướn, nhặt rác...
Ông đưa bà lên Hà Nội từ hôm 24 tháng Chạp. Ban đầu, hai người trú ngụ ở đoạn gần cầu Pháp Vân, sau đó được mấy người bảo vệ ở đó giúp đỡ, cho chỗ ở tạm thời, ăn uống và mua thuốc cho bà uống nên chân đã đỡ sưng tấy.
Đến mùng 4 Tết, hai ông bà quyết định đưa nhau ra khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng và "định cư" cho đến khi được đưa về trung tâm bảo trợ xã hội.
"Nhiều người bảo tôi bỏ bà ấy đi chứ sống thế làm gì cho khổ nhưng quan điểm của tôi là dù có sống với nhau một ngày cũng phải có tình, có nghĩa như vợ chồng. Con người sống ở đời là phải có đạo đức, có tình người. Tôi sẽ chăm sóc bà ấy đến khi nào không làm được nữa thì thôi.
Thực sự, bảo mong ước gì thì tôi chẳng mong gì, chỉ mong bà ấy được khỏi chân là sướng rồi, nếu được nữa thì cho đôi bạn già chúng tôi vào đâu đó để có thể ở gần nhau, chăm sóc nhau. Vậy là tốt lắm rồi...", ông Hậu bày tỏ.