Độc đáo ngôi làng đi ăn cỗ cưới không cần gia chủ phải mời

Mỗi khi trong làng có đám cưới hỏi, chẳng cần gia chủ phải mời, người dân sẽ tự truyền tai nhau rồi “ùn ùn” kéo tới ăn cỗ và chung vui cùng cô dâu chú rể…

Ăn cỗ không cần lời mời…

Tự bao đời nay, ông cha ta vẫn thường dạy rằng “lời chào cao hơn mâm cỗ”, ý nói tình cảm, lễ nghi, lời chào thân mật còn quý hơn cả vật chất, miếng ăn. Ấy vậy mà hiện nay ngay tại thủ đô Hà Nội vẫn có một ngôi làng giữ được một phong tục tập quán “độc nhất vô nhị” – đi ăn cỗ cưới không cần phải chờ gia chủ mời. Đấy là làng Phúc Lâm, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong tiết trời lập xuân, chúng tôi đã ghé thăm ngôi làng chứa đựng trong mình phong tục tập quán độc đáo, khác lạ này. Bên chén rượu đầu xuân ấm cúng, chân tình, ông Nguyễn Văn Phong (63 tuổi) - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phúc Lâm vui vẻ chia sẻ: “Do không có bất cứ tài liệu lịch sử nào ghi chép lại, nên người dân Phúc Lâm hiện nay cũng không ai biết rõ được nguồn gốc cũng như thời điểm bắt đầu của tập tục độc đáo này. Mọi người đều thầm hiểu với nhau rằng đấy là một nét đẹp văn hóa của ông cha để lại, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, nên cần phải giữ gìn, duy trì và phát huy”.

Tự bao đời nay vẫn vậy, hễ trong làng có đám cưới hỏi, gia chủ chỉ họp bàn anh em, họ hàng trong gia đình về hình thức tổ chức chứ tuyệt nhiên không hề thông báo tới hàng xóm láng giềng. Thông tin về đám cưới sẽ được người này truyền qua tai người khác rồi chủ động tìm tới mừng cho gia chủ.

Trước kia, khi Nhà nước còn chưa có chính sách cấm pháo nổ, trước giờ ăn cỗ gia chủ thường nổ một tràng pháo đầu cổng thay cho một hình thức thông báo. Mỗi khi nghe tiếng pháo nổ, người dân từ khắp ngõ trong, xóm ngoài sẽ kéo nhau đi như trẩy hội tới nhà gia chủ ăn cỗ mừng.

Hơn chục năm trở lại đây, khi pháo bị cấm, thì người dân làng Phúc Lâm tự mặc định với nhau về giờ giấc đi ăn cỗ là vào khoảng từ 6h30 – 7h sáng để còn kịp giờ về ra đồng. Thói quen, nếp sống mang đậm màu sắc làng xã, nông thôn Việt Nam ấy đang được người dân làng Phúc Lâm giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ, thể hiện sự gắn kết cộng đồng bền chặt.

Ông Nguyễn Văn Phong, một bậc bô lão trong làng chia sẻ với PV.

Những câu chuyện dở khóc dở cười

Tùy vào điều kiện kinh tế của gia chủ mà đám cưới, cỗ bàn sẽ được tổ chức to hay nhỏ. Theo ông Phong, hầu như các món ăn trong cỗ cưới tại làng Phúc Lâm đều là những sản vật sẵn có được người dân nuôi trồng như gà, lợn và các món được chế biến từ rau. Mâm cỗ ngày cưới tuy bình dị, nhưng mọi người ai nấy đều vui vẻ gửi tới gia chủ cùng cô dâu chú rể những lời chúc phúc tốt đẹp nhất và không có bất cứ một lời phàn nàn nào. Điều đặc biệt trong đám cưới của người dân làng Phúc Lâm là do không có thiệp mời tới nên đã gây không ít khó khăn cho gia chủ trong việc ước tính lượng khách tới tham dự để chuẩn bị cỗ bàn.

Ông Nguyễn Đức Hân (59 tuổi) - người dân làng Phúc Lâm thật thà chia sẻ: “Trước đây vài năm, vẫn có rất nhiều gia đình khi có cưới xin đều lâm vào tình trạng chạy cỗ không xuể. Đấy là một khiếm khuyết rất lớn mà lỗi chính là do gia chủ không tính toán kĩ số lượng khách tới tham gia.

Điển hình có gia đình ông Đoàn Văn N, mặc dù trong cuộc họp họ vẫn thông tin rằng tổ chức mở rộng mời khách và dân làng. Nhưng do là con thứ 2, thứ 3 nên làm cỗ số lượng hạn chế. Không ngờ tới hôm ăn cỗ, dân làng kéo tới ùn ùn khiến cho dự định của gia chủ bị đổ vỡ. Đám cưới của gia đình ông N lần đó thiếu tới 20-30 mâm”. 

Khách tới không có cỗ phải ngồi uống nước chờ, nhiều người ngồi chờ lâu quá thì tìm cách xin phép về trước. Trong tình huống dở khóc dở cười đó, gia chủ phải xin lỗi rối rít, lựa lời nói khéo để khách thông cảm.

Còn rất nhiều trường hợp khác, thiếu không đáng kể chỉ từ 5-6 mâm, nhưng cũng khiến cho ban hậu cần phải “vắt chân lên cổ chạy”. Để có thể xử lý cỗ thiếu nhanh nhất phục vụ khách, ban hậu cần phải có những cách chế biến đặc biệt. Chẳng hạn thịt gà để có thể luộc được nhanh chín phải chặt nhỏ ra thành từng miếng. Những thực phẩm khác, thường phải mua những thứ đã ướp sẵn về chỉ việc nấu cho chín…

Sau rất nhiều trường hợp bị sai sót trong khâu chuẩn bị, vài năm trở lại đây người dân làng Phúc Lâm đã tự đúc ra được những kinh nghiệm quý báu cho riêng mình nhằm hạn chế việc phải chạy cỗ. Ông Hân chia sẻ thêm: “Gia chủ phải có sự bàn tính kĩ lưỡng với anh em trong dòng họ, đồng thời phải dựa vào mối quan hệ của gia chủ với làng xóm.

Tình làng nghĩa xóm của dân làng Phúc Lâm được thể hiện rõ nét và sâu sắc nhất qua mỗi dịp cưới xin. Hễ trong làng bất cứ nhà nào có đám cưới, không cần gia chủ phải mở lời thì các bậc bô lão có uy tín cũng đứng ra kêu gọi người dân tới giúp gia chủ, từ các công tác chuẩn như trang trí, dựng rạp tới tổ chức ban hậu cần… Thậm chí, có hai gia đình trước đó vốn mâu thuẫn vô cùng gay gắt tưởng chừng như không thể hòa giải, nhưng hôm sau nếu một trong hai gia đình có đám cưới thì gia đình kia vẫn vui vẻ tới chúc mừng và giúp đỡ như những người thân thiết.

Tại địa phương, mỗi khi có đám cưới, người dân không kể già trẻ, gái trai đều có mặt đông đủ để chung vui, uống chén rượu mừng cho gia chủ. Trước đây, trong đám cưới của người dân làng Phúc Lâm thường có rất đông trẻ con tham gia ăn cỗ. Có những đám cưới gia chủ phải chuẩn bị tới 20-25 mâm cỗ dành cho các cháu nhỏ. Hiện nay, việc các cháu nhỏ đi ăn cỗ đám cưới đã không còn. Xưa kia, khi tình hình kinh tế còn khó khăn, mâm cỗ ngày cưới của người dân nơi đây chủ yếu là các món được chế biến từ thịt lợn nhà nuôi được. Ngày nay, các cụ có tuổi trong làng vẫn còn lưu truyền câu ca dao nói về những món chính trong mâm cỗ cưới của người Phúc Lâm xưa: “Hai lòng, hai mỡ, một giã cày”.

Cuộc sống ngày càng tiến bộ, người dân làng Phúc Lâm cũng dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa. Nếu trước kia, đám cưới nơi đây vẫn còn tồn tại hình thức thách cưới, những rào cản của lễ giáo phong kiến, khiến nhiều đôi bạn trẻ dù yêu nhau thắm thiết nhưng vẫn không thể đến được với nhau, thì giờ đây hủ tục ấy đã được xóa bỏ hoàn toàn, thay bằng những đám cưới bình dị, không phô trương và đậm chất tình làng nghĩa xóm.

Ông Dương Văn Thọ - cán bộ văn hóa xã Phúc Lâm phấn khởi chia sẻ: “Phong tục “đám cưới không cần mời” của người dân nơi đây thực sự là một nét đẹp văn hóa hiếm có cần được gìn giữ. Phong tục ấy hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc về tình làng, nghĩa xóm, về cách ứng xử đối nhân xử thế giữa người với người. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng với nhân dân đang nỗ lực kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống của ông cha để lại, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp hơn”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại