Dỡ đình bán gỗ sưa mua... sổ tiết kiệm

"127,5 kg gỗ sưa dỡ từ mái hiên đình làng Cựu Quán được trả bằng 3 sổ tiết kiệm (trị giá 1 tỷ) và 200 triệu đồng tiền mặt" – Trưởng Công an xã Đức Thượng thông tin.

Trao đổi với VietNamNet ngày 6/3, trưởng công an xã Đức Thượng, ông Trương Văn Thảo cho biết: tiền bán 127,5 kg gỗ sưa dỡ từ mái đình làng Cựu Quán được thanh toán bằng ba sổ tiết kiệm (trị giá 1 tỷ đồng) và 200 triệu tiền mặt.

Số tiền này do các ông: Nguyễn Hữu Chắt, Đàm Văn Sáu, Nguyễn Ích Bạ, Nguyễn Hữu Thắng – 4 người trong Ban Khánh tiết trông coi đình Cựu Quán nhận.

 

đình làng, gỗ sưa, Hoài Đức...
Mái đình bị dỡ lấy thang sưa đem bán đang được trùm bạt để giữ hiện trường.

Người đứng ra mua sỗ gỗ sưa này được xác định là vị sư trụ trì chùa Nội An, ngôi chùa cũng thuộc xã Đức Thượng.

“Số tiền này của cá nhân sư trụ trì hay của các con nhang, đệ tử công đức chúng tôi không biết. Tuy nhiên, khi sự việc được phát hiện, người dân thấy chiếc xe chở bốn miếng gỗ sưa này đưa gỗ từ chùa Nội An – nằm liền kề với đình Cựu Quán đi ra. Các ông Chắt, Thắng, Sáu, Bạ cũng xác nhận điều này” – trưởng công an xã thông tin.

Sự việc xảy ra vào tối ngày 02/3/2014, người dân thôn Cựu Quán thấy những người lạ mặt mang vài thanh gỗ từ đình làng ra bên ngoài. Ngay lập tức, bà con đã kéo đến để ngăn chặn và phát hiện ra, những thanh gỗ nói trên được dỡ từ mái hiên đình làng, và là… gỗ sưa – loại gỗ quý hiếm đang được không ít người săn lùng với giá tiền tỷ.

đình làng, gỗ sưa, Hoài Đức...
đình làng, gỗ sưa, Hoài Đức...
Đình Cựu Quán đang trở thành tam điểm của người dân Đức Thượng.

Bốn thanh gỗ nặng 127,5kg là 4 thanh kẻ thuộc phần mái hiên phía bên trong của đình Cựu Quán, được bán với giá 10 triệu đồng/kg.

Tổng số tiền gỗ sưa bán được là 1,2 tỷ đồng, đã được thanh toán bằng 3 sổ tiết kiệm và 200 triệu đồng tiền mặt, do Ban Khánh tiết đứng ra nhận và giữ.

Bất ngờ và bức xúc, người dân thôn Cửu Quán đã thông báo lên chính quyền xã Đức Thượng về hành vi tự ý tháo dỡ, xâm phạm di tích đình làng của những người trong cuộc.

Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã cử lực lượng chức năng xuống hiện trường và thông tin lên UBND huyện Hoài Đức về sự việc.

Đình Cựu Quán nằm ở rìa làng, sát khu ruộng, liền kề với quần thể chùa làng. Con đường ra chùa và đình là con đường độc đạo, không có nhà dân ở. Mặt sau của quẩn thể đình và chùa Cựu Quán nằm áp lưng với nhà dân. Phần hậu cung và một phần của đình tiếp giáp với trụ sở ủy ban – công an xã, tuy nhiên, bức tường xây cao cùng với những tán cây cổ thụ gần như tách đình Cựu Quán thành một khu biệt lập.

Có lẽ, vì đặc thù như vậy nên việc những người lạ cùng ban khánh tiết tự ý dỡ mái đình để lấy gỗ sưa đem bán, người dân không phát hiện được sớm. Chỉ khi người ta đưa hẳn xe ô tô vào chở khối gỗ sưa ra khỏi đình, bà con mới phát hiện và kịp thời kéo đến.

Ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên bí thư thôn Cửu Quán bức xúc: người dân rất bức xúc, và đề nghị thay đổi người trong ban Khánh tiết đình làng, không để các ông này đảm nhiệm nữa.

Trong cuộc họp gần nhất của thôn Cửu Quán ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Khánh tiết đình Cửu Quán giải trình, việc bán gỗ sưa đã được thống nhất bằng biên bản, có chữ ký của 4 người trong ban, có chữ ký của Trưởng, Phó thôn Cửu Quán.

Lý do của việc bán gỗ sưa, là để lấy tiền… trùng tu, mở rộng đình làng.

Tuy nhiên, ông Phong cho hay: “Người dân không chấp nhận lý do này, vì nếu tu sửa, mở rộng đình làng phải được họp bàn, người dân quyết định chứ không phải Ban Khánh tiết và trưởng, phó thôn quyết định”.

Theo Trưởng công an xã Đức Thượng, vụ việc đang được chuyển lên CA huyện Hoài Đức điều tra, xử lý.

đình làng, gỗ sưa, Hoài Đức...
Bó gỗ mới được mang về để thay thế phần mái bị dỡ chưa kịp sửa.

“Khi công an huyện yêu cầu nộp lại tiền thì được các ông cho biết: đã thanh toán tiền mua ruộng để mở rộng đình làng, và tiền ấy đã được chia cho các con trong gia đình. Rất vô lý, vì tiền mua gỗ sưa được trả bằng sổ tiết kiệm, sự việc được người dân phát hiện ngay khi xe vào chở gỗ mang đi, chinh quyền địa phương đã vào cuộc. Vì thế, các ông này không thể có thời gian để đi… “giải ngân” tiền trong sổ tiết kiệm đó được.

Chiều ngày 6/3, đoàn công tác của Sở VHTTDL Hà Nội đã về Đức Thượng để tìm hiểu sự việc.

Được biết, đình Cựu Quán hiện đang chờ cấp phong di tích lịch sử do chưa hoàn tất các thủ tục hồ sơ. Tuy nhiên, PGĐ Sở VHTTDL Hà Nội, ông Trương Minh Tiến cho biết: đình vẫn nằm trong danh mục kiểm kê, bảo vệ theo Luật Di sản.

“Những việc làm xâm hại đến đình Cựu Quán sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật” – ông Tiến nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại