Trước đó, vào ngày 24.1, ông Tô Tài Tích, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư - thương mại và khoáng sản Bình Thuận, có công văn phản ánh với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Theo công văn, vào sáng 25.12.2012, ông Nguyễn Thành Long (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư - thương mại và khoáng sản Bình Thuận) không biết bằng cách nào đã đưa được 2 xe ô tô của Tiểu đoàn CSCĐ (thuộc Bộ Công an) mang biển số 80A-010.23 và 80A-004.32 chở theo khoảng 40 chiến sĩ công an lao thẳng vào trụ sở công ty, hú còi thị uy gây náo loạn và làm công nhân khiếp sợ.
Đáng chú ý, trên xe còn có một cán bộ mang quân hàm thượng tá (chưa biết tên) tiến vào văn phòng gặp ông Long, khoảng một tiếng sau thì ra về.
Đến 16 giờ ngày 26.12.2012, lại một xe ô tô khác của Tiểu đoàn CSCĐ chở theo 5 cán bộ chiến sĩ tiến vào công ty và ngang nhiên mở cửa văn phòng làm việc của một phó tổng giám đốc để sử dụng. Sau đó, công ty phát hiện mất một số đồ dùng và 400 USD trong phòng này.
Lạm dụng thẩm quyền
Trong công văn gửi Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư - thương mại và khoáng sản Bình Thuận, trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ, cho biết: “Việc Ban Chỉ huy Tiểu đoàn số 3 tự ý điều động CSCĐ và phương tiện vào trụ sở Công ty CP đầu tư - thương mại và khoáng sản Bình Thuận là không đúng thẩm quyền theo quy định; không báo cáo cấp có thẩm quyền, không đúng chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Tư lệnh CSCĐ và Bộ Công an”.
Riêng việc ông Tô Tài Tích cho rằng 5 cán bộ chiến sĩ CSCĐ tự ý mở cửa văn phòng làm việc của một phó tổng giám đốc và làm mất các đồ dùng cá nhân và 400 USD thì chưa có cơ sở để khẳng định.
Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh CSCĐ đã làm việc trực tiếp tại công ty và hướng dẫn ông Tô Tài Tích có trách nhiệm báo cáo lại công an địa phương để điều tra làm rõ theo đúng chức năng.
Hiện, Bộ Tư lệnh đã đình chỉ công tác và điều toàn bộ Ban Chỉ huy Tiểu đoàn số 3 về Trung đoàn E25 để xử lý, kiểm điểm và làm rõ sai phạm của từng cá nhân theo quy định của Bộ Công an.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tô Tài Tích cho biết thực hiện hướng dẫn của đoàn công tác thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, ông đã gửi đơn kiến nghị làm rõ việc mất mát đồ dùng và số tiền 400 USD đến Công an H.Hàm Thuận Nam đề nghị điều tra làm rõ, nhưng chưa thấy công an huyện trả lời.
Chiều qua, PV Thanh Niên gọi vào máy điện thoại của thượng tá Trần Văn Mười - Trưởng công an H.Hàm Thuận Nam để tìm hiểu sự việc, nhưng ông Mười không bắt máy.
Không bao che hành vi sai trái
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 22.3, trung tướng Nguyễn Văn Vượng xác nhận đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác và xem xét kỷ luật đối với 3 chỉ huy Tiểu đoàn CSCĐ số 3 đóng ở xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, Bình Thuận, gồm tiểu đoàn trưởng, hai tiểu đoàn phó. Hiện Bộ Tư lệnh CSCĐ đã điều cán bộ khác về chỉ huy tạm thời.
“Khi có thông tin về việc Tiểu đoàn CSCĐ điều động người và phương tiện không đúng quy định, Bộ Tư lệnh đã lập tức lập Ban Kiểm tra, thấy dấu hiệu vi phạm chúng tôi đã ra các quyết định đình chỉ những người có vi phạm, đồng thời có văn bản báo cáo sự việc tới chính quyền tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi không dung túng bao che cho bất cứ hành vi sai trái nào của cán bộ”, ông Vượng khẳng định.
Trung tướng Vượng cũng cho biết CSCĐ có chức năng nhiệm vụ rất rộng, từ chống bạo loạn, khủng bố, tham gia bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước hay địa phương, hỗ trợ các lực lượng trấn áp tội phạm có vũ khí cứu hộ cho đến cứu hộ cứu nạn...
“Trong trường hợp xảy ra sự cố như thiên tai lũ lụt, cháy nổ sụp đổ công trình thì CSCĐ cần phải đến ngay, không cần phải có lệnh điều động, thậm chí đến chậm còn bị quy trách nhiệm.
Còn giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự thì dứt khoát phải có lệnh điều động và phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ.
Để điều động trong những trường hợp về an ninh trật tự thì phải có ý kiến phê duyệt từ lãnh đạo cấp cao như thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công an, ngay cả lãnh đạo cấp trung đoàn cũng không thể điều động được”, ông Vượng nói.