Điều tra viên, kiểm sát viên khiến chúng tôi tù oan bị xử lý gì?

Đó là thắc mắc của ông Dương Phúc Thịnh (quận Long Biên, Hà Nội) - 1 trong 8 công dân đã bị cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang truy tố oan và phải ngồi tù gần 1.000 ngày.

>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Ông Dương Phúc Thịnh (ảnh trên, 1 trong số 8 người bị giam oan ở Bắc Giang) cho biết hàng ngày vẫn đọc báo để theo dõi thông tin liên quan tới các vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Hàn Đức Long và bà Đỗ Thị Hằng cùng ở Bắc Giang.

Mỗi lần đọc báo, ký ức về gần 1.000 ngày bị ngồi tù oan, bị đánh đập, ép cung ở trại giam Kế (Bắc Giang) khiến cuộc sống của ông cũng như những công dân khác rẽ sang một hướng khác, đau khổ hơn bội phần, lại ùa về, như xát muối vào những vết thương lòng nhiều năm nay.“Nếu họ bị oan và được giải oan thì tôi cũng mong báo chí giám sát, theo dõi chặt chẽ việc xử lý đối với những cán bộ ở cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án Bắc Giang đã gây ra những nỗi oan sai tày trời ấy, không thể mù mờ như vụ án năm nào của chúng tôi được” - ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, sau vụ việc 8 công dân (trong đó có ông) được minh oan trong vụ án trộm cắp cổ vật rùm beng những năm 2003 - 2006, không ai rõ những cán bộ tham gia điều tra, truy tố, xét xử bị xử lý thế nào.

Tới phiên tòa thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2006, TAND tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo vô tội, trả tự do ngay tại tòa thì công dân Phan Hữu Hường đã chết bất thường trong trại tạm giam Kế với kết luận bị bệnh cũng không được làm rõ.

Ông Thịnh cho biết, sau đó, quá trình đòi lại công bằng mới thực sự gian nan.

Sau phiên tòa 2 tháng, ngày 18/8/2006, Thượng tá Lê Văn Dũng, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, mới ban hành Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Dương Phúc Thịnh.

 

Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Dương Phúc Thịnh vào tháng 8/2006 (trái) và Quyết định đình chỉ điều tra bị can tháng 2/2007

Bức xúc vì số phận pháp lý vẫn bị treo, chưa chính thức được giải oan, ông Dương Phúc Thịnh đã cùng 6 công dân khác gửi đơn thư khiếu nại khắp các cơ quan tỉnh Bắc Giang và ở trung ương. Phải tới ngày 13/2/2007, Thượng tá Lê Văn Dũng mới tiếp tục ký Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Dương Phúc Thịnh.

Việc công khai xin lỗi ở nơi cư trú và xem xét bồi thường oan sai vẫn bị các cơ quan Bắc Giang lờ đi khiến các công dân này tiếp tục phải “đội đơn” kêu cứu khắp nơi.

Hơn 1 năm sau đó, tháng 7/2008, VKSND tỉnh Bắc Giang mới tiến hành xin lỗi ông Thịnh ở nơi cư trú. Quá trình đòi bồi thường oan sai sau đó tiếp tục gặp vô vàn khó khăn vì VKSND tỉnh Bắc Giang luôn “cò kè bớt một thêm hai”, buộc ông Thịnh phải khởi kiện ra TAND quận Long Biên, Hà Nội.

Tới cuối tháng 5/2009, mức bồi thường mới được “chốt” lại. “Tôi yêu cầu họ bồi thường 5 tỉ đồng nhưng cuối cùng vì quá mệt mỏi nên đã đồng ý nhận hơn 300 triệu đồng cho xong chuyện. Những công dân khác do không có nghề nghiệp ổn định nên chỉ nhận được mức bồi thường có mấy chục triệu đồng thôi” - ông Thịnh nhớ lại.

Ông Thịnh cho biết gần đây đọc báo ông mới biết Thượng tá Lê Văn Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khi ấy, chính là người trực tiếp điều tra vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và vừa rồi cũng thuộc những cán bộ điều tra phải làm bản giải trình nhưng đã phủ nhận việc ép cung ông Chấn.

“Pháp luật rất nghiêm minh, công bằng. Những người bị oan sai như chúng tôi chỉ mong rằng pháp luật cũng phải có hình thức xử lý thích đáng đối với những cán bộ đã đè lên mọi nguyên tắc chuẩn mực của pháp luật để kết tội cho người dân vô tội” - ông Thịnh nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại