Điều tra đặc biệt: "Đổi đời" rau lạ vào siêu thị danh tiếng

Theo lời anh Bình, có được cơ ngơi tiền tỷ như bây giờ cũng là nhờ chủ yếu vào việc mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi “biến” thành rau an toàn giao cho các hệ thống siêu thị.

Anh Nguyễn Hưng Bình - Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (địa chỉ tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, gia đình anh đã làm cái nghề sản xuất và tiêu thụ rau củ quả này từ gần chục năm nay. Có được cơ ngơi tiền tỷ như bây giờ cũng là nhờ chủ yếu vào việc mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi “biến” thành rau an toàn giao cho các hệ thống siêu thị Le’s Mart; Hệ thống siêu thị Minh Hoa; Siêu thị Citimart (tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội); Co.op Mart Hà Đông (siêu thị này giờ không nhập nữa); Capimart (Nguyễn Chí Thanh - HN; siêu thị này giờ đã đóng cửa) và một số trường tiểu học và mầm non ở khu vực trung tâm Hà Nội.

“Đổi đời” cho rau ngay tại chợ

Theo lời kể của những người trong gia đình Bình, cứ khoảng từ 15h - 19h hàng ngày Siêu thị Minh Hoa (174 Thái Hà và 14 Đặng Tiến Đông - Hà Nội); Hệ thống siêu thị Le’s Mart (ở Văn Quán - Hà Đông, Mỹ Đình); Siêu thị Citimart (cơ sở tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội); Co.op Mart Hà Đông và Bếp ăn trường THCS và THPT Trần Quốc Tuấn (Học viện Khoa học quân sự)... sẽ gửi một danh sách yêu cầu số lượng và mặt hàng rau củ quả cho ngày hôm sau.

Căn cứ vào bảng danh sách đó, Bình và những người thân trong gia đình sẽ ra chợ đầu mối Vân Trì thu mua rau của các thương lái nhập không rõ nguồn gốc rồi đem về nhà chế biến thành rau an toàn nhập cho siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng.

Hàng ngày, cứ từ khoảng 19h-23h, cả công ty của bà Trần Thị Vui (mẹ Bình) lại đóng cửa và mọi người lại tập trung vào rửa, đóng gói rau không rõ nguồn gốc cho hệ thống siêu thị Minh Hoa, Le’s Mart, Citimart, Co.op Mart Hà Đông.

Hàng ngày, chiếc xe của Công ty

Hàng ngày, chiếc xe của Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm vẫn nhập hàng không rõ nguồn gốc rồi đưa vào trong siêu thị làm rau an toàn.

Trong vai một người làm thuê cho công ty, theo quan sát của PV báo Đất Việt, công đoạn mà Bình gọi là rửa thực chất chỉ là nhúng mớ rau còn nguyên cả dây buộc vào một chậu nước đục ngầu cho rơi bớt đất, có khi rửa cả tạ rau mới thay nước một lần. Rau rửa xong được vớt ra rải trên nền sân gạch dính đầy đất cát.

Rồi căn cứ vào đơn đặt hàng của siêu thị mà đóng gói và dán tem, dán mác vào túi rau. Rau đóng gói xong sẽ xếp thành từng đống, mỗi siêu thị là một đống.

Nếu hàng mua ở chợ Vân Trì không đủ giao cho các siêu thị, sáng sớm hôm sau trên đường đi giao rau, những người ở công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm lại tiếp tục vào chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy – Hà Nội) để mua cho đủ số lượng và trực tiếp đóng gói từ rau chợ thành rau sạch, rau an toàn trên ô tô mà không gặp bất cứ một khó khăn nào.

Vừa thu mua rau ở chợ Dịch Vọng, bà Hiền – mẹ vợ của Bình vừa nói: “Phần lớn lượng rau xuất cho siêu thị mỗi ngày là được mua ở chợ này”. Rồi bà Hiền quay sang nói tiếp với người bán rau: “Rau phải đẹp đấy nhá, nếu siêu thị nó chê, nó trả lại thì tôi trả lại bà nhá”.

Trong lúc bà Hiền đi mua rau thì Bình ở xe nhận hàng từ những người bán rau chở tới, rồi đóng gói xếp lên xe, tay luôn cầm những tờ đơn đặt hàng để sắp xếp rau sao cho lúc dỡ xuống siêu thị dễ nhất và nhanh nhất.

Hình ảnh ghi lại việc đóng gói

Hình ảnh ghi lại việc đóng gói "biến" rau không nguồn gốc thành rau an toàn của Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (Ảnh cắt từ clip).

Hành trình rau không rõ nguồn gốc đến siêu thị

23h đêm, công việc “đổi đời” cho rau đã được hoàn tất, những mớ rau hồi chiều còn nằm lay lắt ở chợ nay đã khoác trên mình một “chiếc áo mới” với tem chứng nhận… rau sạch.

2h30 sáng, những túi rau được xếp lần lượt lên chiếc ô tô mang biển số 30Y- 8179 do Bình tự lái. Đến 3h, chiếc xe bắt đầu xuất phát, chạy với tốc độ cao trên đường cao tốc Nội Bài - Thăng Long tiến thẳng vào trung tâm thành phố, mang theo hàng tạ rau đã được khai sinh lại với cái tên rau sạch với đầy đủ các tiêu chuẩn của nó.

Trước thắc mắc về việc mua rau Trung Quốc ngoài chợ nhưng lại biến thành rau sạch, rau an toàn vào trong siêu thị bán với giá cắt cổ mà không sợ bị phát hiện, anh Bình bật cười nói: “Siêu thị họ không kiểm tra đâu, mình có đầy đủ giấy tờ chứng nhận cơ sở sản xuất rau sạch, rau an toàn.

3 siêu thị ở Hà Nội hiện nay vẫn nhập rau không nguồn gốc của Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm.

3 siêu thị ở Hà Nội hiện nay vẫn nhập rau không nguồn gốc của Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm.

Các siêu thị chỉ căn cứ vào đó để ký hợp đồng chứ làm sao thuê người đi cùng mình để giám sát quá trình “sản xuất” rau an toàn được. Quá trình các siêu thị nhập rau cũng diễn ra nhanh lắm, chỉ cần người quản lý ra nhận hàng, ký vào hóa đơn thì mất vài phút là…xong”.

Khi Bình lái xe đến Siêu thị Minh Hoa (174 Thái Hà), Siêu thị Minh Hoa (14 Đặng Tiến Đông); Hệ thống siêu thị Le’s Mart ở Văn Quán - Hà Đông, Mỹ Đình; Siêu thị Citimart (cơ sở tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội); Co.op Mart Hà Đông và Bếp ăn trường THCS và THPT Trần Quốc Tuấn (Học viện khoa học quân sự)... cũng vừa sáng sớm, lúc này chưa mở cửa.

Do đó khi Bình mang rau tới chỉ xếp ở cửa rồi lại tiếp tục đi tới siêu thị khác chứ cũng không có một nhân viên siêu thị nào ra nhận và kiểm đếm hàng.

PV đã ghi lại được toàn bộ hành trình đưa rau chợ tới siêu thị của công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm.

Buổi sáng hôm sau, hệ thống siêu thị Minh Hoa, Le’s Mart, Citimart, Co.op Mart Hà Đông đã bày bán các sản phẩm rau củ quả sạch, an toàn nhưng thực chất lại là sản phẩm mua từ các chợ đầu mối, không rõ nguồn gốc và quy trình sản xuất.

Và người tiêu dùng thì không hề biết rằng họ đã bị đánh lừa vì mua phải những mớ “rau an toàn” có nguồn gốc ở chợ ngay trong siêu thị với giá thành cao hơn nhiều lần so với mua ở ngoài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại