Xem trai Mông “bắt vợ” ngày Tết Độc lập
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 là đồng bào Mông khắp trong vùng lại đổ về thị trấn vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) để cùng nhau “ăn Tết Độc lập”.
Thị trấn nhỏ Mường Lát lại tưng bừng, rộn rã trong ngày Tết Độc lập
Tết Độc lập được người Mông và nhiều dân tộc vùng cao coi trọng như Tết Nguyên đán cổ truyền của người Kinh. Các hoạt động vui chơi, mua sắm trong Tết Độc lập của đồng bào Mông thường diễn ra trong khoảng ba ngày. Sôi động nhất vẫn là đêm “bắt vợ” (1/9) và ngày trẩy hội (2/9).
Rượu ngô, thắng cố những món không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập
Lễ hội diễn ra tại thị trấn Mường Lát song Tết Độc lập của đồng bào Mông lại có sự góp mặt của đông đảo người Mông đến từ khắp nơi trong vùng, như người Mông ở huyện Quan Hóa, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), người Mông ở tỉnh Sơn La và cả người Mông từ nước bạn Lào.
Ở Mường Lát, bản người Mông có khi cách xa trung tâm huyện tới 50 – 60km. Chính vì vậy, Tết Độc lập cũng là dịp người Mông xuống chợ mua sắm đồ dùng. Vui tết Độc lập tại Mường Lát, người ta vừa ăn thắng cố, vừa uống rượu ngô, vừa xem nhảy múa.
Tết Độc lập đặc biệt thu hút các tràng trai cô gái Mông bởi đây còn là dịp để cô gái Mông tìm bạn tình, chàng trai Mông đi “bắt vợ”. Ẩn trong tục “bắt vợ” của người Mông là những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. “Bắt vợ” ở đây không hẳn là bắt cóc, cưỡng đoạt mà như là một thủ tục, một lời cầu hôn của chàng trai, là cầu nối trong chuỗi phát triển từ tình yêu đến hôn nhân của người Mông.
Đôi trai gái Mông đã tìm được nhau trong ngày Tết Độc lập
Tết độc lập, đi "chợ tình" trên cao nguyên Mộc Châu
Đối với người H'Mông trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), trong một năm có hai dịp lễ quan trọng nhất đối với họ, đó là Tết cổ truyền và Tết Độc lập 2/9.
Tết Độc lập của người H'Mông huyện Mộc Châu hàng năm thường kéo dài từ 31/8 đến ngày 2/9, nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Để tới lễ hội, bà con người H'Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó, họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trang phục H'Mông ở đây chia thành nhiều dòng như H'Mông Đơ (trắng), H'Mông Đu (đen), H'Mông Si (đỏ), H'Mông Lềnh (hoa), H'Mông Súa (Mông Mán)...
Mâm cỗ trong ngày lễ Độc lập ở Cao nguyên Mộc Châu. (Ảnh: Điêu Chính Tới/TTXVN)
Ban đầu, lễ hội thu hút chủ yếu là người Mông, sau các dân tộc khác như Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao... cũng hào hứng tham gia. Dần dà, “thị trấn nằm giữa lưng trời” này đã trở thành nơi tụ hội của các dân tộc khắp vùng Tây Bắc mỗi dịp Quốc khánh 2/9, là nơi diễn ra phiên “chợ tình” lớn nhất trong năm.
Khèn là thứ không thể thiếu trong mỗi phiên chợ tình ở Mộc Châu.
Tiếng sáo, tiếng khèn bắt đầu vang vọng, đó là lúc những nam thanh, nữ tú bắt đầu màn múa hát, kết bạn, giao duyên. Ẩn sâu bên trong phiên chợ giữa lưng chừng mây trắng là những mối tình của các chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số.
Cụ Sùng A Khao, 76 tuổi, người đã tham dự gần 40 phiên chợ tình ở Mộc Châu.