Đề xuất một kỳ thi, một bài thi quốc gia chung

Ngày 10/2, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trước "trận đánh lớn" đổi mới thi cử, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra cần tiếp tục nghiên cứu.

Thưa Thứ trưởng, sau một thời gian lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đã nhận được những đóng góp gì cho dự thảo Quy định về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2014 – 2016? Bộ xem xét các đề xuất này như thế nào?

Sau khi công bố, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến của xã hội và của các nhà trường.

Việc thay đổi phương án tuyển sinh có tác động lớn tới các em trước mỗi đợt thi vào đại học.

Việc thay đổi phương án tuyển sinh có tác động lớn tới các em trước mỗi đợt thi vào đại học.

Phần lớn ý kiến đồng thuận với chủ trương giao tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học cũng như các qui định thực hiện tự chủ tuyển sinh.

Đến nay, đã có 31 dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường gửi về Bộ.

Ngoài các ý kiến đồng thuận, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra cần tiếp tục nghiên cứu. Đó là:

Thứ nhất: Với kỳ thi "3 chung" năm 2014 nên xem xét việc xác định điểm sàn phù hợp hơn, nghiên cứu các tiêu chí khác thay thế cho điểm sàn mềm dẻo hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thứ hai: Theo qui định kỳ thi "3 chung" hiện nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng dự thi vào các trường trước khi thi nên tính may rủi rất lớn, nên chăng tổ cức kỳ thi chung trước rồi sau khi có kết quả, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp.

Thứ ba: Nên nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm 1 kỳ thi. Khi đó, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, để xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Một số năm trước mắt tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, GDCD), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…).

Về lâu dài, hướng tới việc tổ chức kỳ thi kiểu SAT của Hoa Kỳ. Có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học.

Những gợi ý này cũng phù hợp với những nội dung trong dự thảo thi phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ.

Bộ đã thành lập 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM. Hai đơn vị này đã có kế hoạch triển khai hình thức thi nói trên.

Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức thi này cũng cần phải có lộ trình sao cho việc đổi mới hình thức thi phải phù hợp với đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Bộ sẽ nghiêm túc xem xét các ý tưởng cũng như những góp ý cụ thể trong quá trình đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục nói riêng.

Vậy còn vấn đề sử dụng kết quả học phổ thông để tuyển sinh vào ĐH, CĐ?

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này bước đầu hướng tới sự thống nhất, phù hợp với đổi mới tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Các trường tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh bao gồm: thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển cùng với sử dụng các hình thức khác để đáp ứng với yêu cầu chất lượng đầu vào và phù hợp với các ngành, nghề đào tạo của trường. Khi đó, thi tuyển không còn giữ vị thế độc tôn, duy nhất như trước đây;

Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh ở THPT, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh.

Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tốt, kết quả có độ tin cậy cao thì sẽ có ngày càng nhiều trường sử dụng để tuyển sinh.

Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng với các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn...

Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn để tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo phương án giảm môn thi bắt buộc, tăng môn tự chọn, khuyến khích. Bộ nhận định những thay đổi trong kiểm tra đánh giá và thi cử có thể làm được ngay. Vậy dự kiến thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới sẽ áp dụng trong thời gian bao lâu và có tiếp tục điều chỉnh?

- Để đạt được mục tiêu chuyển từ quá trình giáo dục coi trọng trang bị kiến thức cho học sinh sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thì phải là đổi mới chương trình và sách giáo khoa, kiểm tra – thi - đánh giá.

Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang xin ý kiến là phương án của giai đoạn quá độ, dùng cho HS học theo chương trình – sách giáo khoa cũ (có đổi mới).

Sẽ có phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hoàn chỉnh khi thế hệ học sinh học theo chương trình mới tham dự kỳ thi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Cảm ơn ông!

 

  • Đang cân nhắc môn ngoại ngữ
  • Dự thảo đề xuất phương án đưa môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích. Qua các kênh thông tin khác nhau, chúng tôi nhận được đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Chúng tôi sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị.

     

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại