Đề xuất lập Ủy ban quốc gia quyền con người

Theo VietNamNet |

Góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các tổ chức xã hội kiến nghị bổ sung thiết chế Ủy ban quốc gia về quyền con người, như một thiết chế hiến định bên cạnh Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước... Thành viên tham gia ủy ban này cũng phải có vị thế độc lập.

Cuối tuần qua, đại diện của 47 tổ chức xã hội đã mở hội thảo góp ý xây dựng nội dung cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hạn chế sự lạm dụng của cơ quan công quyền

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng đánh giá, nên coi việc sửa Hiến pháp là cơ hội quan trọng với vận mệnh đất nước. Chính vì vậy, mục tiêu sửa đổi Hiến pháp lần này không phải để điều chỉnh một vài khiếm khuyết, lạc hậu của Hiến pháp hiện hành mà vì cần có một bản Hiến pháp đáp ứng tình hình mới cả trong và ngoài nước.

 

Theo ông Nguyễn Trung, thể chế hiện tại đã hoàn thành nhiệm vụ đổi mới kinh tế, phát triển theo chiều rộng, nay cần đổi mới để phát triển theo chiều sâu. Thể chế mới cũng phải thu hút được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đối phó và thích nghi với biến động lớn trên thế giới.

Theo đó, việc đòi bỏ đi điều nọ, điều kia trong bản Hiến pháp không phải vấn đề cốt lõi mà quan trọng nhất là phải nhận thức được đòi hỏi hiện nay là gì, đất nước đang đứng ở thời kỳ nào.

Tán thành cách tiếp cận trên, ông Nguyễn Xuân Yên (Trung tâm phát triển cộng đồng Việt Hưng) góp ý, Hiến pháp phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng và cả trí tuệ của người dân. Chính vì vậy, bản Hiến pháp sửa đổi lần này cần làm rõ được quan điểm xây dựng đất nước trong bối cảnh mới thay vì chỉ sửa những nội dung không căn bản.

Ông Lê Quang Bình (Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) - đại diện các tổ chức xã hội nêu ý kiến, Hiến pháp của một chế độ dân chủ cần dựa trên ý chí của nhân dân, bảo vệ các quyền tự do của người dân cũng như hạn chế được sự lạm dụng của cơ quan công quyền.

"Dự thảo này thiếu vắng các yếu tố để giới hạn quyền lực của cơ quan công quyền nên dễ tạo điều kiện cho các cơ quan này đưa ra những quy định cản trở môi trường thuận lợi cho các cá nhân phát huy năng lực và cho xã hội phát triển", ông Bình nhận xét.

Đại diện các tổ chức xã hội đề xuất, bản Hiến pháp của một dân tộc phải phản ánh đúng chức năng của một hiến pháp dân chủ, bảo đảm quyền lập hiến thuộc về toàn dân, bảo đảm các quyền tự do, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp. Đồng thời cũng phải có các cơ chế hiến định để xử lý những vi phạm với các quyền này.

Bảo vệ quyền con người

Ông Lê Quang Bình lưu ý, một trong những thiếu hụt lớn của Hiến pháp 1992 mà bản dự thảo lần này vẫn chưa khắc phục, đó là việc thiếu quy định về một cơ quan có nhiệm vụ chuyên trách là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Hiến pháp sửa đổi cần bổ sung quy định cơ quan này với vị trí độc lập cao, bằng cách quy định thành phần phải bao gồm những thành viên độc lập từ các tổ chức xã hội.

Cụ thể, các tổ chức xã hội kiến nghị bổ sung dự thảo thiết chế Ủy ban quốc gia về quyền con người, như một thiết chế hiến định bên cạnh Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước... Thành viên tham gia ủy ban này cũng phải có vị thế độc lập. Việc bổ sung thiết chế này cũng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Kiến nghị của các tổ chức xã hội cũng nêu rõ, ngay trong chương về quyền con người đã ghi câu "Quyền con người, quyền công dân chỉ bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng"  là không phù hợp nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế. Bởi việc giới hạn cũng chỉ có thể áp dụng với một số quyền nhất định.

Một số quyền con người (quyền sống, quyền không bị tra tấn, không bị đối xử vô nhân đạo hay hạ nhục...) là các quyền tuyệt đối, nhà nước không được giới hạn trong bất kỳ hoàn cảnh hay vì bất kỳ lý do nào. Việc hạn chế, nếu áp dụng với các quyền khác phải không được lạm dụng và phải tuân theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Nhóm soạn thảo cũng đề xuất bỏ đi cụm từ " theo quy định của pháp luật " ở tất cả các điều liên quan đến quyền tuyệt đối.

Sau hội thảo này, các tổ chức xã hội sẽ tiếp tục tham gia ý kiến hoàn thiện bản góp ý của mình, gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại