Đề xuất Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng

Theo ANTĐ |

Ngày 11-3, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một trong những đề xuất đáng chú ý được đưa ra là nên quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phép phê chuẩn, miễn nhiệm Bộ trưởng khi Quốc hội không họp.

Các vấn đề liên quan đến đất đai trong dự thảo Hiến pháp được nhiều ĐBQH quan tâm. Một số ĐBQH đề nghị nên bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Trần Văn Tư (Đồng Nai) cho rằng, các dự án phục vụ lợi ích kinh tế phải theo luật định, nếu Nhà nước lại tiến hành cả việc thu hồi đất phục vụ cho các dự án kinh tế là không phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, không nên quy định cứng việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ông cũng phát hiện, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định 2 cách thức tính bồi thường rất khác nhau.

Ảnh: minh họa - Internet

Tại khoản 3, Điều 56 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.

Còn khoản 3, Điều 58 lại quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích: “Nếu trưng mua, trưng dụng thì bản chất cũng là thu hồi đất nhưng Nhà nước bồi thường. Nhưng theo Điều 56 là bồi thường theo cơ chế thị trường. Còn nếu Điều 58 là theo quy định pháp luật, tức Nhà nước định giá đất.

Đáng chú ý, giá đất Nhà nước định giá thì không thể bằng giá thị trường nên người dân sẽ thiệt thòi. Do vậy, cần nghiên cứu quy định cho hợp lý hơn”.

Cũng về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết thêm, Hiến pháp hiện hành không quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản.

Trong khi đó, quan điểm sửa đổi hiện nay là làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất. Đặc biệt, quyền sử dụng đất được ghi nhận vào Hiến pháp như là quyền tài sản. Do đó, nếu muốn tiếp tục thu hồi thì không thể giữ khái niệm quyền sử dụng đất cũng là tài sản.

Phó Chánh án TAND Tối cao, ĐB Trần Văn Độ cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Nhà nước vừa là đại diện chủ sở hữu và vừa có trách nhiệm quản lý, tức là đóng hai “vai” một lúc. Ông nói: “Phải phân biệt rạch ròi việc này, nếu không vấn đề đất đai sẽ còn vướng”.

Liên quan tới vấn đề nhân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền xử lý một số vấn đề. Cụ thể, khi Quốc hội không họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

ĐB Đặng Đình Luyến nêu ví dụ, thời gian qua, thực hiện công tác quản lý, cơ quan có thẩm quyền của Đảng đã quyết định chuyển Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ sang giữ chức danh Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, chức danh Bộ trưởng phải do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng do Quốc hội chưa họp nên chưa thể xử lý được vấn đề trên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại