Thủ tướng có nên "hứa" đẩy lùi tham nhũng?
Bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) xung quanh những mong muốn vào lời tuyên thệ tới đây của tân Thủ tướng cũng như vấn đề phòng chống tham nhũng trong Chính phủ mới tới đây.
PV: Trong phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2016, có ý kiến của ĐBQH nêu rằng, tân Thủ tướng mới trong lời tuyên thệ của mình nên “hứa” sẽ đẩy lùi tham nhũng.
Theo ông có cần bổ sung thêm lời hứa chống tham nhũng vào lời tuyên thệ của tân Thủ tướng?
ĐB Nguyễn Thái Học: Trong lời tuyên thệ của Thủ tướng có cần nêu lên lời hứa phòng chống tham nhũng (PCTN - PV) hay không tôi nghĩ đó là suy nghĩ và trách nhiệm của Thủ tướng mới khi tuyên thệ.
Không phải trong lời tuyên thệ có nhắc tới phòng chống tham nhũng thì tân Thủ tướng Chính phủ mới quan tâm tới phòng chống tham nhũng.
Vấn đề là làm sao lời tuyên thệ của người đứng đầu Chính phủ mới thể hiện trách nhiệm trước dân, trước đất nước.
Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, luật đã quy định rất rõ, Hiến pháp cũng đã quy định rồi, chứ nội dung nào cũng yêu cầu Thủ tướng tuyên thệ thì làm sao thể hiện hết được.
Vấn đề là nội dung thể hiện trong các chương trình hành động của Thủ tướng mới, quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ trước nhân dân như thế nào.
Tôi cho rằng, trong thời gian tuyên thệ có hạn, lời tuyên thệ của tân Thủ tướng phải thể hiện được quyết tâm để người dân, cử tri tin tưởng là sẽ làm hết lòng hết sức vì dân.
Làm sao để người dân tin tưởng và kỳ vọng lời tuyên thệ của Thủ tướng là thiêng liêng, nó thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ mới trước nhân dân. Đó mới là điều mà tôi và cử tri cả nước chờ đợi.
PV: Tham nhũng, lãng phí đang nhức nhối trong xã hội, trong nhiều lần phát biểu trên nghị trường ông không ít lần đề cập. Theo ông hành động tới đây của người đứng đầu Chính phủ mới sẽ như thế nào để thể hiện được trách nhiệm trước nhân dân?
ĐB Nguyễn Thái Học: Đúng là công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua trong báo cáo trình Chính phủ cũng như đánh giá là chúng ta chưa ngăn chặn đẩy lùi được tham nhũng dù có nhiều nỗ lực, quyết tâm, dù có nhiều chuyển biến.
Việc đưa ra xét xử các dự án trọng điểm thể hiện quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng.
Cũng như nhiều ĐBQH, người dân đánh giá, tham nhũng đang được ví như giặc nội xâm, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, nguy hiểm hơn nữa làm mất niềm tin người dân với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bản thân Thủ tướng mới sẽ nhận thức rõ được tình hình tham nhũng khi nhận nhiệm vụ.
Với yêu cầu, đòi hỏi đặt ra, phòng chống tham nhũng như chống giặc nội xâm thì Thủ tướng mới sẽ có hành động quyết liệt, ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn này. Và để làm được điều này rất là khó khăn.
PV: Ông cho rằng làm được là rất khó khăn, như vậy, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
ĐB Nguyễn Thái Học: Khó khăn bởi một mình Thủ tướng không thể làm được, mà đòi hỏi một sự đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Để có sự đồng bộ thì người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết liệt chống tham nhũng. Còn chỉ mỗi cá thể quyết tâm, quyết liệt thôi thì chưa đủ.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới vai trò của người đứng đầu Chính phủ, phải làm sao với vai trò trách nhiệm của mình, tân Thủ tướng phải đưa hệ thống chính trị vào cuộc và phải tạo ra sự vào cuộc đồng bộ từ TƯ tới địa phương.
Thực tế hiện nay không phải cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu nào chính quyền địa phương cũng quan tâm tới PCTN.
Người ta vẫn thấy nguy hại đó, sự nguy hiểm đó, nhưng thiếu sự quan tâm phòng chống lại tham nhũng nên tham nhũng lãng phí xảy ra ở nhiều địa phương nhưng không phát hiện, tới khi có đơn thư tố cáo thì mới truy tìm đối tượng, điều tra sự việc tham nhũng...
Chính phủ mới phải thực sự gương mẫu
PV: Nhưng có ý kiến rằng, vạch mặt tham nhũng thì chẳng khác nào "lấy đá ghè chân mình". Ông có đồng tình với quan điểm này?
ĐB Nguyễn Thái Học: Cái này xuất phát từ trách nhiệm. Một khi trách nhiệm chưa được quy định rõ ràng cụ thể, người đứng đầu để xảy ra tiêu cực tham nhũng ở địa phương đơn vị mình thì phải chịu trách nhiệm.
Vừa rồi để khắc phục tình hình này, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị 50 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác PCTN.
Trong chỉ thị này nêu rõ: Nếu người đứng đầu địa phương, đơn vị nào để xảy ra tham nhũng lãng phí, tiêu cực thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm.
Nghĩa là từng Bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh chống tham nhũng, không trông chờ tới khi thanh, kiểm tra mới vội vàng vào cuộc.
Tôi tin rằng, từ chỉ thị 50 xác định vai trò người đứng đầu như vậy và Chính phủ mới nhận nhiệm vụ, quan tâm tới PCTN, lãng phí thì tình hình sẽ khác đi.
PV: Nghĩa là chúng ta đã có “gậy” để vận dụng, nhưng vấn đề là sử dụng chiếc gậy đó như thế nào?
ĐB Nguyễn Thái Học: Vấn đề là tổ chức thực hiện. Khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng.
Về luật pháp, nhiều người nói thiếu và cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp, điều này cũng đúng, nhưng nói chung hệ thống luật pháp chống tham nhũng đã đồng bộ, cái còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào?
Muốn vậy từng người đứng đầu TƯ, địa phương cùng vào cuộc và nhận thức, nguy cơ tham nhũng là như thế và đòi hỏi của mỗi người dân là phải PCTN hiệu quả.
Từ đó nguy cơ được xác định, nhận thức thì trách nhiệm từng bộ ngành địa phương vào cuộc như thế nào? Nếu không vào cuộc, không xoay chuyển được tình hình thì chắc chắn trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.