Luật tốn kém nhưng không đi vào cuộc sống
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, khi Quốc hội đang họp kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ thì Tây Nguyên đang khát cháy, đồng bằng sông Cửu Long vốn là vùng trù phú, mênh mang nhưng đang phải đối phó với nạn xâm nhập mặn chưa từng có.
"Mía cháy, lúa khô, dân khát bởi tác động của biến đổi khí hậu và tác động có chủ ý của con người ở một số quốc gia phía thượng nguồn.
Ngoài biển tàu thuyền ngư dân vẫn luôn bị đe dọa, bị khủng bố bởi sự xua đuổi, đâm húc ác liệt của âm mưu bành trướng.
Tôi cảm nhận rằng những thử thách, khó khăn của nhiệm kỳ tới không hề nhỏ và Quốc hội cùng bộ máy Nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt, chính xác, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình", ông Tâm nêu.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, cuối tuần qua, một cử tri nhắn tin cho ông rằng, các bài học của Quốc hội rút ra rất hay nhưng quan trọng là bài học đó được tiếp thu, thực hiện như thế nào trong nhiệm kỳ tới.
Còn ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cũng nêu ý kiến: Hoạt động của Quốc hội còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới mạnh mẽ, quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan còn lúng túng, thiếu chặt chẽ.
Công tác giám sát, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tổ chức tiếp công dân chưa cao, chưa đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, công tác làm Luật là chức năng cơ bản nhưng thiếu tập trung còn chắp vá.
Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh chưa khoa học, một số dự án Luật thiếu ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng.
"Quốc hội thông qua rồi nhưng dưới không chấp nhận và phải sửa lại. Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo.
Làm một bộ Luật đó tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng Luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm Luật đó làm gì", ông Nghĩa nêu.
Cũng theo ông Nghĩa, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội bầu, phê chuẩn là cách làm mới nhưng nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng.
Bởi vì, quy định quá rối rắm với ba mức tín nhiệm: Tín nhiệm, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là chưa triệt để, lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan thẩm quyền của Nhà nước xem xét, đánh giá cán bộ.
Chúc các ĐBQH luôn là "người tử tế"
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khoá XIII của QH như một bức tranh đẹp, có phần lãng mạn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rời nghị trường, vẫn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước.
Ông Nam cũng bày tỏ, nhiều đại biểu, nhiều đảng viên cộng sản và lão thành cách mạng tha thiết đề nghị cần có luật về hoạt động của tổ chức Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền.
Đồng thời, ông cho rằng, hiện nhân dân cả nước đang rất quan tâm và theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của Bí thư Thăng.
"Vì sao như vậy? Vì hơn lúc nào hết, nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi các cán bộ chỉn chu và chau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao.
Nhân dân và cán bộ, Đảng viên cần những người Bí thư lăn vào cuộc sống, những Bí thư có đủ quyền hành.
Cuối cùng, ông Nam cũng "xin mượn lời Thủ tướng chúc các đại biểu Quốc hội khóa 13 luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn là người tử tế".