LTS: Làng võ Việt ví võ sư Phi Long như con rồng bởi sức mạnh phi thường, từng 68 lần hạ đối thủ trên võ đài.
>>"Độc cô cầu bại' Việt Nam và chuyện về võ sư 68 lần bất bại
>>Những trận thượng đài để đời của võ sư “độc cô cầu bại”
>>Người thầy giấu mặt của siêu sao Lê Cung và trận đấu hóa rồng
Chọn đất “đóng đô”
Năm 1989, sau khi xin nghỉ công việc ở Sở Thể dục - Thể thao Bình Định, võ sư Phi Long cùng vợ là bà Trần Thị Cần rời đất Đồng Phó lên lưng chừng đèo An Khê và sống gần như quy ẩn.
Võ sư Phi Long chọn đèo An Khê làm nơi cư trú bởi có ý riêng của ông. “Về đây tôi có ý định xây dựng mô hình phát triển võ cổ truyền Bình Định. Các các học trò thành danh của tôi đều đồng ý, ủng hộ mong muốn này.
Riêng cậu học trò ở tỉnh An Giang bảo phong thủy ở đây không hợp với tuổi của tôi, nên việc phát triển võ thuật rất khó khăn.
Nó bảo tôi nên về nơi mình sinh ra là đất An Lão thì mới hội tụ đủ thiên thời địa lợi nhơn hòa để gây dựng, phát triển võ thuật”.
Nghe cậu học trò nói vậy, võ sư Phi Long chỉ cười. Ông có lý do riêng của mình.
“Nếu tôi mà bỏ nơi này đi về An Lão xây dựng mô hình phát triển võ thì đi sai với lịch sử, bởi Tây Sơn thượng là đất An Khê, Tây Sơn hạ cũng là ở nơi này.
Nơi này còn có dấu ấn lịch sử đó là sự khởi nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn nên đây mới là nơi hội tụ đủ thiên thời địa lợi nhơn hòa”.
Nghĩ thế nên ông chọn địa thế đẹp nhất của 14 ha đất nơi này để xây nhà và một khoảng đất rộng dùng để sát hạch tay nghề học trò. Số còn lại ông dùng để làm kinh tế bằng cách làm trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Võ sư Phi Long biểu diễn võ thuật.
Đem thắc mắc về việc sát hạch tay nghề học trò ra hỏi, võ sư Phi Long liền bảo đó là quy định của ông khi các học trò thành danh mở võ đường đào tạo đệ tử.
“Tôi đưa tiêu chí cho học trò. Nếu tụi nó đào tạo học trò mà muốn lên cấp theo thứ tự từ thấp đến cao: Sơ cấp, trung cấp, cao cấp, thượng đẳng, huấn luyện viên, võ sư thì đưa học trò về đây để tôi sát hạch theo từng cấp.
Chủ yếu là xem tụi nó có dạy và học đúng như các tiêu chí tôi đưa ra hay không. Nếu muốn đạt được cấp đó thì phải xem trình độ đi đến đâu, công phá được mức độ nào, kỹ chiến thuật ra sao, tôi mới chấp nhận”, võ sư Phi Long cho biết.
Võ sư Phi Long tâm sự, ông mong muốn nơi ông ở, khu đất rộng trên đèo An Khê sẽ là mái nhà chung, chốn đi về của những học trò đã được ông chỉ dạy.
“Mảnh đất này, nếu tôi có qua đời thì giao cho học trò quản lý. Rồi những thế hệ sau cứ thế tiếp nối. Tôi muốn nơi này sẽ trở thành sẽ là cái nôi, mái nhà của những người yêu mến võ cổ truyền Bình Định”, võ sư Phi Long chia sẻ.
>> Xem thêm về bí kíp võ công của các cao thủ võ Việt
Đại sư phụ của 31 võ đường
Cuộc đời võ nghệ trải qua 87 trận đài chưa từng thất bại, (68 lần hạ đối thủ) nhưng đó không phải là thành tích khiến võ sư Phi Long ưng ý nhất.
Thành công lớn nhất của võ sư Phi Long là đào tạo những thế hệ môn sinh thành danh trong nghiệp võ, hiện họ là những võ sư, võ sĩ trong, ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài, mang võ cổ truyền Bình Định truyền bá khắp nơi.
Võ sư Phi Long nói: “Niềm vui chiến thắng ấy chỉ đến trong một thời gian rồi cũng sẽ phai nhạt. Còn lớp đệ tử của tôi mới là niềm vui lớn và bền vững mãi mãi.
Một trong những niềm hạnh phúc vô biên của đời tôi là có được đám học trò thành danh trong nghiệp võ và chúng đều hiếu thảo, kính trọng thầy”.
Võ sư Phi Long cho biết, nguyên tắc dạy võ của ông là phải trang bị cho học trò cái gọi là “đạo” của võ trước, sau đó mới truyền đạt những đường, thế võ.
“Dạy võ là phải trang bị cho học trò vững cái căn cơ, nguyên gốc của võ cổ truyền Bình Định.
Thứ đến, để tránh tình trạng tam sao thất bổn, tôi không để học trò lớn dạy học trò nhỏ, đứa khá hơn dạy đứa mới đến, mà đích thân tôi dạy cho học trò nhập môn. Giáo án như nhau, như cái cách người ta đúc bánh in”, võ sư chia sẻ.
Võ sư Phi Long hãnh diện khi nhắc đến 31 võ đường của môn phái Phi Long được xây dựng, phát triển bởi 31 học trò từ Bắc chí Nam với một niềm tự hào không che giấu.
“Tôi vẫn hàng ngày luyện tập võ, rồi cứ vài tháng một lần, tôi lại rong ruổi đi thăm các võ đường mà học trò tôi đang quản lý ở khắp cả nước từ Nam ra Bắc”, võ sư Phi Long tâm sự.
Võ sư Phi Long là đại sư phụ của 31 võ đường dải từ Nam chí Bắc.
Và dù đã phát triển được 31 võ đường ở 31 tỉnh thành nhưng võ sư Phi Long vẫn chưa hài lòng. Ông bảo: “Lúc đầu, khi về ở đây, nguyện vọng của tôi làm sao sau này sẽ đào tạo học trò phát triển võ thuật ở tất cả các tỉnh thành.
Nghĩa là tỉnh thành nào cũng có võ đường Phi Long để truyền bá võ cổ truyền Bình Định cho hầu hết những ai đam mê võ thuật trên toàn quốc.
Thế nhưng, đến nay điều ấy vẫn chưa thực hiện được, mà tuổi tôi thì càng ngày càng cao, tôi sợ sẽ không còn sức để theo đuổi nữa”.
Người đàn ông cô đơn
Võ sư Phi Long nên nghĩa vợ chồng với… 12 phụ nữ. Tuy nhiên, bây giờ ông vẫn một mình. Năm 2009, người vợ thứ 12 cũng rời xa ông, dọn xuống dưới chân đèo An Khê để ở.
Từ đó, võ sư Phi Long cô đơn giữa lưng đèo này.
“Đời tôi có 12 bà vợ, bà nào cũng đoan trang, thùy mị, cũng có cái hay riêng. Nhưng có lẽ vì đam mê võ thuật, bỏ bê cuộc sống gia đình mà tôi không giữ được bà nào ở lại mình”, võ sư Phi Long chia sẻ.
Theo lời của võ sư, dù không còn tình nhưng cái nghĩa vợ chồng với những người phụ nữ trước đây vẫn còn.
“Hai bà vợ cũ của tôi đang sống ở dưới chân đèo An Khê, còn một bà sống ở Đồng Phó. Sau khi ly hôn, họ vẫn ở vậy nên mỗi khi tôi giỗ cha mẹ hay tổ chức gì thì họ đều lên phụ giúp tôi”, võ sư Phi Long tâm sự.
Võ sư Phi Long và người vợ thứ... 12
Hơn 10 năm nay, võ sư Phi Long vẫn âm thầm, miệt mài với sự nghiệp viết sách về võ lý, võ y, những mong vốn võ nghệ góp nhóp một đời sẽ giúp ích cho đời sau tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định.
Đến nay ông đã hoàn thành, bổ sung vào nguồn tư liệu của võ Bình Định các tập như Tây Sơn võ thuật đạo, Phương thuốc võ cổ truyền, Phương pháp sơ cấp cứu.
Hiện trang trại giữa đèo đầy nắng gió của ông rất trù phú, với nhiều loại cây lâu năm như điều, chanh, đào, mít... Ngoài ra, trang trại của ông còn có một lượng cây cảnh khá lớn với đủ chủng loại, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Võ sư Phi Long yêu thơ. Tuổi già, những vần thơ của ông mang nhiều tâm sự và đó là những trải nghiệm đời mình.
Những bài thơ như Cuộc đời, Dòng đời, Thói đời, Hết đời, Rồng đen quy ẩn… được ông ghi chép và gìn giữ cẩn thận như một trang nhật ký.
Một cách hóm hỉnh, võ sư Phi Long gọi căn nhà nằm trên lưng chừng đèo mà ông đang ở là nhà bên trời.
Một đời võ thành danh như thế, rồi lại được nhàn cư theo cái cách mình muốn như thế, không có nhiều võ sư được như ông, một “con rồng” quy ẩn.
Lợi hại hơn quyền Thái
Năm 1966, tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), sau khi võ sư Phi Long đoạt chức vô địch giải Võ thuật toàn Đông Dương, các võ sư Thái Lan (lúc đó võ sư Thái Lan chỉ đến xem chứ không tham gia giải) cho rằng Phi Long ăn cắp đòn đánh chỏ, gối của Thái Lan.
“Nghe mấy võ sư Thái Lan nói vậy, tôi liền bảo họ chỉ đánh được gối bay với chỏ tới, còn người Việt Nam đánh đủ đòn chỏ, đủ đòn gối. Ngay sau đó, tôi thách họ lên đài thi đấu.
Mới đầu hiệp hai, tôi hạ gục đối thủ với đa dạng đòn chỏ và đòn gối. Cả trận tôi không sử dụng đòn đá cũng như đòn dài để chứng minh cho họ thấy võ thuật Việt Nam rất phong phú ở đòn chỏ và đòn gối.
Từ sau trận đó, không võ sĩ Thái Lan nào dám nói tôi ăn cắp võ của họ nữa”, võ sư Phi Long cho biết.