"Đánh nhau cầu may" ở hội chợ Chuộng: Tất cả chỉ là sự bịa đặt

H.Sơn - Q.Hào |

(Soha.vn) - Từ tệ nạn đánh nhau gây mất trật tự an ninh bỗng chốc được “bốc thơm”, “nâng cấp” lên thành… truyền thống văn hóa. Sự bịa đặt và xuyên tạc một cách trắng trợn của một số người đã khiến cho nét văn hóa hội chợ Chuộng bị biến chất.

Từ nét đẹp văn hóa

Không biết đã có bao nhiều bài viết về hội chợ Chuộng, biết bao bài “cổ xúy” cho tình trạng ẩu đả, thậm chí “thanh toán” lẫn nhau giữa các nhóm thanh niên địa phương lẫn côn đồ trong dịp hội chợ, thậm chí nhiều vụ còn khiến nhiều người trọng thương, suýt mất mạng…

Sau hàng loạt sê-ri tin/bài trên cả báo giấy lẫn báo mạng, nhiều người đã bị bất ngờ trước một hội chợ độc đáo có một không hai: đầu năm đi đánh nhau để cầu may, đánh càng đau, càng trọng thương thì năm sau càng… may mắn (!?)

Một góc chợ Chuộng ngày mùng 6 tháng Giêng.
Một góc chợ Chuộng ngày mùng 6 tháng Giêng.

Nhưng có lẽ độc giả sẽ càng bất ngờ hơn nữa (thậm chí phẫn nộ) khi biết rằng đằng sau câu chuyện về hội chợ Chuộng “đánh nhau cầu may” kia tất cả chỉ là sự bịa đặt, và hơn ai hết, chính mình là người đã bị lừa!

Nằm giữa ranh giới tam giác của 3 xã, cũng là của ba huyện của tỉnh Thanh Hóa: Đông Hoàng (Đông Sơn), Triệu Dân (Triệu Sơn) và Thiệu Lý (Thiệu Hóa), chợ Chuộng tiếng là “chợ” nhưng thực chất là một bãi đất trống và rộng ở ven chân đê, nằm bên bờ con sông Hoàng (sông đào từ thời nhà Lê), và cũng chỉ họp duy nhất một lần trong năm là vào mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm.

Chợ Chuộng được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống của Xứ Thanh.
Chợ Chuộng được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống của Xứ Thanh.

Từ xưa, chợ Chuộng chính là đầu mối giao thương, là nơi mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân 3 huyện của xứ Thanh. Trải qua thời gian, cùng với những biến đổi về mặt địa lý hành chính, thói quen, tập quán, các điều kiện về giao thông,… mà chợ Chuộng đã bị mất đi vai trò “đầu mối giao thương” và người dân địa phương cũng không còn coi nơi đây là điểm buôn bán lý tưởng nữa.

Tuy nhiên, để giữ lại một chợ Chuộng sầm uất đã từng “vang bóng một thời” trong lịch sử, hội chợ Chuộng mở vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm vẫn được người dân địa phương duy trì. 

Đây không chỉ đơn thuần là nơi mua bán hàng hóa mà còn là dịp gặp gỡ, làm quen và cả ngỏ lời yêu đương của các đôi trai gái của 3 huyện với nhau. Dưới góc độc này, chợ Chuộng được xem là chợ “cầu duyên”.

Cụ Nguyễn Văn Vinh, 84 tuổi, người xã Thiệu Lý (huyện Thiệu Hóa) cho biết: “Khi xưa hội chợ Chuộng vui lắm. Cứ vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm là hội chợ lại được mở. Vào ngày đó, không ai bảo ai, tất cả người dân của các xã 3 huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa lại kéo về đây để họp chợ.

Thanh niên đến chợ thì để gặp gỡ, làm quen với nhau, trai gái hát đối đáp giao duyên, còn người dân đến chợ thì đem theo mẹt bánh, mớ rau… những sản vật có trong vườn nhà để bán và mong lấy may đầu năm. Người mua cũng thế, đến chợ Chuộng mua bán đầu năm là để lấy may đầu năm, không ai kì kèo, mặc cả”.

Đến biến tướng thành "phi văn hóa"

Một đám thanh niên đang lao vào đánh nhau ngay trong hội chợ Chuộng.
Một đám thanh niên đang lao vào đánh nhau ngay trong hội chợ Chuộng.

Cụ Nguyễn Văn Kha (79 tuổi, người xã Thiệu Lý, Thiệu Hóa) – người đã có nhiều kỷ niệm gắn liền với hội chợ Chuộng giọng đầy hào hứng khi kể về hội chợ truyền thống này: “Hội chợ Chuộng có từ xưa rồi. Nó vừa là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng, cũng là nơi để trai gái chưa có gia đình đến đây vui chơi, gặp gỡ và tìm hiểu lẫn nhau.

Ngày xưa làm gì đã có xe máy, xe đạp như bây giờ. Nhiều người ở xa đến chợ Chuộng phải đi từ lúc gà gáy. Người ở xa thì đi thuyền dọc theo sông Hoàng, người ở gần thì đi bộ đến. 

Sông Hoàng là ranh giới của ba xã (cũng là ba huyện) vốn không có cầu, vào ngày hội chợ, thanh niên 3 xã mới họp nhau lại để chặt tre làm cầu. Xong ngày hội chợ thì cầu lại được dỡ đi.

Xưa vui lắm, bãi đất trống thường ngày bỗng chốc biến thành nơi sầm uất, người mua kẻ bán, trai gái hát đối đáp, trẻ con cũng đến chợ vui chơi, cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền”.

Kể đến đây, cụ Kha lấy tay chỉ lên tấm ảnh trên ban thờ: “Cũng nhờ hội chợ Chuộng mà tôi mà tôi gặp được bà nhà tôi đấy. Xưa bà ấy đẹp nhất nhì trong đám con gái huyện Đông Sơn đấy. Quen nhau trong hội chợ mà nên duyên cau trầu. Bà nhà tôi đã mất được 4 năm nay”.

Cảnh đánh bạc ăn tiền dưới dạng
Cảnh đánh bạc ăn tiền dưới dạng "tôm cua cá" diễn ra ngay trong chợ.

Cũng theo cụ Kha, trong những năm qua, bản chất văn hóa tốt đẹp của hội chợ Chuộng đã bị làm cho “biến tướng” đi rất nhiều, cụ thể là tình hình an ninh trật tự trong ngày hội chợ rất phức tạp. 

Thay vì là nơi mua bán cầu may, trai gái gặp gỡ ngỏ lời yêu đương thì hội chợ đã biến thành nơi để ẩu đả, đánh nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí nhiều nhóm côn đồ còn tụ tập về hội chợ và lợi dụng ngày này để “thanh toán ân oán giang hồ” với nhau.

Hội chợ Chuộng từ nét ddwpj văn hóa truyền thống giờ đang bị làm cho biến tướng.

Hội chợ Chuộng từ nét đẹp văn hóa truyền thống giờ đang bị làm cho biến tướng.

“Không năm nào là không xảy ra cảnh đánh đấm, đâm chém nhau, có năm còn có người bị chém trọng thương phải đi viện cấp cứu. Khi xưa làm gì có chuyện này xảy ra. Người dân giờ đến chợ Chuộng có lo ngay ngáy, năm mới đi chợ cầu may, có khi lại bị tai bay vạ gió…”, cụ Kha nói.

Trước thông tin cho rằng người dân đến hội chợ Chuộng là để “đánh nhau cầu may” bởi tục này xuất phát từ câu chuyện ngày xưa có một vị vua đánh giặc chạy đến chợ nhờ dân giúp đỡ nên mới thoát, cụ Kha khẳng định: “Không hề có chuyện đó. Tất cả đều là bịa đặt”.

“Hôm trước có đứa cháu nội là sinh viên năm thứ hai đang học ở Hà Nội về bảo: “Ông ơi, hội chợ Chuộng quê ta được lên báo rồi. Người ta bảo hội chợ quê ta mở ra là để người dân đến đánh nhau cầu may”. Tôi bất ngờ và buồn quá.

Nói thực với anh, tôi không hiểu một số phóng viên, nhà báo các anh về quê đây tìm hiểu được những gì mà lại có thể bịa đặt và xuyên tạc trắng trợn ra như thế. Các anh phóng viên viết thế thì đúng là ‘giết chết’ cả hội chợ còn gì, khác gì bảo quê chúng tôi toàn côn đồ chỉ đánh nhau và… vô văn hóa. Chỉ kẻ điên, kém hiểu biết mới bảo đến chợ Chuộng để đánh nhau thôi…”, cụ Kha bức xúc.

Qua tìm hiểu được biết, không riêng gì cụ Kha mà rất nhiều người dân địa phương đều khẳng định hội chợ Chuộng không hề có tục “đánh nhau để cầu may”, tất cả chỉ là sự bịa đặt.

Xem clip:

“Để xảy ra tình trạng ẩu đả, gây mất trật tự trong ngày hội chợ là do các cơ quan chức năng đã không làm tốt công tác quản lý đảm bảo an ninh trật tự, đây không phải là văn hóa mà là tệ nạn, cần sớm phải loại bỏ”, một người dân xã Đông Hoàng (Đông Sơn) cho biết.

Chùm ảnh: Đi hội chợ Chuộng "cầu may" đầu năm (Kỳ 1)

(Soha.vn) - Người dân Xứ Thanh có câu: “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng” để nói về phiên chợ độc đáo này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại