Đắng lòng bức thư của cô gái ung thư máu chăm mẹ bị ung thư vú

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Phát hiện bị ung thư máu từ năm 2010, năm 2011, mẹ Phạm Thị Hà Liêm bị ung thư vú. Hai người bị ung thư nương tựa vào nhau. Bố Liêm mất từ năm 2009.

Gần 3 năm trước, tôi gặp em – Phạm Thị Hà Liêm (thôn Tam, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) - cô bé mang trong mình bệnh tim và bệnh ung thư máu dòng tủy đang chăm mẹ bị ung thư vú tại bệnh viện K (Hà Nội).

Năm 2009, bố Liêm mất vì bệnh viêm phổi cấp. Năm 2010, Liêm phát hiện mình bị ung thư máu khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Giáo dục công dân trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đầu năm 2011, khi đang chăm Liêm tại viện Huyết học truyền máu Trung ương cũng là lúc mẹ Liêm phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối. Nỗi đau cứ dồn nỗi đau, Liêm lại là con một.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, chúng tôi bặt tin nhau.

Gần 3 năm sau, tôi gặp lại em, nhưng không phải cuộc gặp gỡ trực tiếp mà qua bức thư em gửi cho tôi. Bức thư của một đứa con có hiếu nhưng dường như đang rơi vào tận cùng của bế tắc khi ngày ngày nhìn mẹ phải chống chọi lại với những cơn đau, nhìn lại bản thân mình, em cũng đang “vật lộn” như mẹ.

Phạm Thị Hà Liêm chăm mẹ tại bệnh viện K
Phạm Thị Hà Liêm chăm mẹ tại bệnh viện K

Trước khi trích đăng bức thư của em, tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch xã Liêm Cần để xác nhận lại hoàn cảnh của hai mẹ con Hà Liêm. “Hoàn cảnh của hai mẹ con họ thực sự rất khó khăn, đúng với những gì mà Liêm đã nói. Và họ rất cần sự chung tay giúp sức của mọi người để có thêm nghị lực sống”, ông Hải nói.

Tôi đã đọc, đọc rất nhiều lần bức thư em viết gửi tôi:

“Em bị bệnh tim từ ngày học cấp ba. Khi lên đại học, còn hai năm học nữa, em phát hiện mình bị ung thư máu. Và không ai, kể cả bác sĩ khẳng định được thời gian sống của bệnh nhân khi đã mắc căn bệnh này. Điều ấy còn tùy thuộc vào từng người. Với em, em cho là mình đã biết được kết quả nhưng quan trọng là vấn đề sống và tìm ra cách sống. Nên em suy nghĩ về việc duy trì cuộc sống để mẹ và mọi người không buồn.

Ngày ấy, mẹ em chưa phát hiện bị ung thư vú dù bệnh đã ở trong cơ thể mấy năm. Bố em mất sớm, em là con một, lo cho em, mẹ không còn cơ hội quan tâm tới bản thân mình. Em được mẹ đưa đi điều trị tại Viện huyết học truyền máu Trung ương. Và cho tới bây giờ, em vẫn theo điều trị tại đó.

Vì bệnh tình, em lại phải tự đi lấy thuốc dài kì và kết hợp nghỉ ngơi tại nhà nên em xin bảo lưu kết quả học tập.

Em chọn sư phạm vì bản chất em ưa cuộc sống bình yên nhưng cuộc đời ngược lại. Dù em biết, sóng gió làm người ta lớn lên nhưng sóng lớn quá lại tạo thành những vết thương không đáng có khi con người ta còn quá trẻ, không đủ để kháng lại với cuộc đời phức tạp. Và mẹ em bị ung thư vú. Người ta nói, mẹ lo cho được nhiều con nhưng một con khó lo được cho một mẹ.

Ở địa vị của em đang bị bệnh, vừa xin nghỉ học, mẹ lại bắt đầu hành trình điều trị mới. Em vừa chăm mẹ trong viện K, vừa lo sang viện Huyết học lấy thuốc rồi trị xạ. Tiền vay mượn của họ hàng, bạn bè, hàng xóm, tiền dành dụm của mẹ… cũng dùng hết. Nhưng dù em gục ngã cũng không có thói quen kéo theo ai đó. Giờ mẹ em chuyển qua uống thuốc dài kì cho bệnh ung thư vú.

Sau một năm nằm viện điều trị bệnh ung thư vú, năm ngoái mẹ em phát hiện bị tim, tăng huyết áp lại thêm bệnh dạ dầy. Hiện tại mẹ cũng đang điều trị tại bệnh viện tim.

Bản thân em cũng bị đau dạ dày. Bác sĩ có nói, em và mẹ phải đi viện, uống thuốc hết đời, lịch về dài ngắn tùy theo và xác định có bất trắc bất cứ lúc nào. Chị à, chị hiểu từ “gạn” phải không ạ? Cũng lâu rồi, kinh tế của em gặp khó khăn, có lúc phải tập trung cho mẹ. Đúng, khó khăn làm người ta lớn chị à. Em đã có lúc muốn buông khi phải lo “sản xuất” tiền chữa bệnh và sinh hoạt cho hai mẹ con mặc dù em cũng đang bị bệnh ung thư máu.

Có người nói em bị điên. Dù khó khăn em vẫn muốn mẹ sống không quá cơ cực vì ngoài bệnh viện mọi người cũng cần những thứ khác mới khỏe được, đâu phải chỉ uống thuốc là xong. Nói là “sản xuất” tiền là em bớt phần mình đi chứ em có công việc đâu. Một thời gian em dạy vài đứa em nhưng vì sức khỏe không có em lại nghỉ.

Trong em luôn thường trực suy nghĩ, một người mẹ có một đứa con thôi, chồng mất, lo thân mình rồi lo cho con đi học, vào viện để lo cho nó vì nó bị tim, bị ung thư. Có đau không chị? Và giờ người ấy không khác con.

Mẹ em già rồi, sống những năm cuối đời với những bệnh em đã kể trên. Không lẽ mẹ em không có quyền được nghỉ, được điều trị tốt, được một ly sữa mỗi ngày, một không gian yên tĩnh…?

Nói tới quyền em đau lòng lắm. Nhưng vì em không như người bình thường nên không làm chủ được cuộc sống cho hai mẹ con.

Chị biết không, với mọi người em ít nhắc tới mẹ dù lý do em liên lạc với chị là vì mẹ. Chỉ vì em và mẹ đã đi thì em phải đi tiếp con đường này chị ạ. Và em lại đang gặp bế tắc mà tự mình chưa thể giải quyết được một sớm một chiều dù em cũng không biết được sau này. Em thấy hơi mệt vì mỗi khi nói về những điều này em không được ổn lắm.

Một mùa nắng em tìm lại chị nhưng sức khỏe của em thực ra không được tốt lắm. Em bị viêm amidan nhưng chưa có tiền chữa. Vì em ít đi lại và khá chậm, cũng không có thời gian vì mẹ không ở một mình được lâu. Em cứ thật thà không sợ em có vấn đề gì thì khổ em lắm. Còn nếu công việc linh động được thì tất nhiên còn em, còn Hà Nội, em sẽ tìm gặp chị”.

Và để rồi khi khép lại những dòng thư em viết, phía trước tôi vẫn là ước mơ được em nung nấu từ ngày nào. Đó là mơ ước được quay trở lại giảng đường đại học vì Liêm muốn trước khi mẹ ra đi sẽ nhìn thấy tấm bằng đại học của em.

“Em tin trên đời này có số mệnh. Mọi tai họa, bệnh tật tự nhiên giáng xuống nhà em thì em tin một ngày nào đó nó cũng sẽ tự đi. Em chưa biết nó sẽ đi như thế nào và đi vào lúc nào mà thôi” . Và tôi cũng tin, một niềm tin sắt đá như em đã từng tin.

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1902.798.7602.011

Dương Thị Hà Vân - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại