Đại gia đất Thủ một thời phải ra đường bán đồ cũ

Nguyễn Hương |

Trong quá khứ lẫy lừng, khối tài sản đỉnh điểm của ông Thái Hoàng, đại gia đất Thủ lên tới hơn 100 tỷ đồng. Nhưng vì nghiệp đồ cổ mà nhà tan cửa nát, vợ con ly tán.

Hồi đó tôi oách lắm à! Xe đi mỗi tháng 1 chiếc, cả năm không trùng nhau. Không bằng Cường đô la bây giờ nhưng xe toàn hiệu khủng, Porsche, Audi, Mercedes mỗi thứ 2 chiếc.

Phantom tôi cũng có 1 chiếc, Crown nữ hoàng cũng có 1 chiếc...", ông Thái Hoàng hồi tưởng.

Ông kể, ngày đó ông nhìn hàng không chuẩn, lại ỷ vào đồ cổ mà không củng cố gia nghiệp nên thị trường vật liệu xây dựng của cha ông để lại dần bị người ta xà xẻo rồi mất hết.

Từ một giây phút mê muội

Theo lời ông Hoàng, từ ngày còn trẻ con, được ông nội và cha dẫn dắt vào nghề sớm nên ông có nhiều kinh nghiệm thương trường hơn người. Mới 20 tuổi ông đã là chủ của 6 lò gạch lớn, đồng thời cũng là 1 trong 4 trùm cát lớn nhất ở Bình Dương.

Đến năm 30 tuổi, trong một lần đi du lịch Vân Nam (Trung Quốc), ông mua được một cặp vòng ngọc cổ, vốn định làm quà cho mẹ và vợ.

Nhưng sau đó, có người sành ngọc mách nước, ông lại đem cặp vòng này sang Trung Quốc dò hỏi một lần nữa và phát hiện ra đây là cặp vòng long phượng thời Nguyên, giá trị trên thị trường đồ cổ không dưới 300.000 NDT (hơn 1 tỷ VND).

Cũng trong lần đó, với kinh nghiệm thương trường lâu năm, ông không bán đi mặc dù có vô số lời đề nghị được giá. Ông ở lại Trung Quốc 2 tháng, chờ đến buổi bán đấu giá đồ cổ Mùa Thu ở Thượng Hải để đem cặp vòng của mình ra mắt thiên hạ.

“Buổi đấu giá định mệnh đó đã làm cuộc đời tôi thăng thiên luôn. Nhưng đáng tiếc, sau khi lên tới đỉnh là xuống dốc không phanh.

Giá trị của cặp vòng này được bơm dần từ 250.000 NDT lên đến 300.000, rồi 500.000, 600.000. Và dường như người mua muốn hoàn thành bộ sưu tập tứ linh của mình, họ ra giá chót là 680.000 NDT cho cặp vòng long phụng.

Tim tôi như ngừng đập khi tay chủ trì đấu giá đập búa xuống, chốt giá hơn gấp 10 lần tôi mua vào. Lúc đó, tôi nghĩ mình có gia sản của nhà để lại, mà ra sức cố gắng 10 năm lại không bằng một lúc đấu giá. Tâm trí tôi mê muội từ đó”, ông kể.

Rồi ông bắt đầu lún sâu vào đồ cổ. Khi về nước, ông giao cho anh em họ hàng trông coi sản nghiệp và ráo riết lùng mua đồ cổ.

Nào là bình gốm sứ, đồng tiền cổ, bát đĩa, đồ đồng… thậm chí là tượng Phật, thần… có hơi hướng cổ xưa là ông thu vào tất, giá không hề thấp.

Tôi rất tâm đắc điển cố "nghìn vàng mua xương ngựa" của người xưa nên cũng áp dụng luôn vào lúc mua đồ cổ, để đánh tiếng cho người trong giới biết mình sẵn sàng trả giá cao cho hàng tốt.

Nhà cửa, xe cộ, đất đai tôi cũng rao bán để lấy tiền mua đồ cổ”, ông Hoàng kể lại sau tiếng rít thuốc dài, đôi mắt dại hẳn đi vì nhớ lại quá khứ đau buồn.


Nhiều người đã tán gia bại sản vì đam mê đồ cổ

Nhiều người đã tán gia bại sản vì đam mê đồ cổ

Để mất trắng sau 5 năm

Lúc đó, vì không còn chú ý nhiều đến sản nghiệp, mà mấy người anh em họ hàng lại không đủ trí óc và tỉnh táo trước những chiêu thức, bẫy lừa trên thương trường nên 6 lò gạch của ông dần lụi bại và đổi chủ chỉ trong 5 năm.

Rồi sân cát cũng bị chính quyền tịch thu, ông càng có cớ để chìm đắm vào thế giới của những văn vật thời cổ. Cho đến một ngày, ông tìm được một nhóm 9 miếng ngói lưu ly mà ông tin rằng là ngói mộ của một vương công quý tộc thời Tống.

Hồi đó tôi đã học qua tiếng Hán và đọc nhiều sách về văn hóa Trung Quốc, cho rằng mình có tài nhìn hàng. Vả lại, mọi thứ hiển hiện trước mắt đều phù hợp với những gì tôi biết.

Tôi mua 9 miếng ngói này với giá 400 triệu, và hứa rằng nếu nhóm bên Trung Quốc quật được mộ này, tôi sẽ mua mấy món minh khí (đồ thờ cúng chôn theo người chết) với giá cao mà không nghĩ rằng đấy chính là con đường ngắn nhất khiến tôi phá sản”, ông kể.

Từ ngày ông có được 9 miếng ngói lưu ly này, ngày nào ông cũng đem ra lau chùi cho sáng bóng, đến soi gương được. Tuy nhiên, cũng từ ngày đó, con cháu ông không học hành, không lo làm ăn mà bắt đầu chơi bời, phá phách.

Vợ ông khuyên răn mãi không được nên sinh bệnh, sau đó 3 năm thì mất. Các con ông cũng cãi lời ông với lý do: “Ông lo chơi đồ cổ của ông đi, tôi lo chơi của tôi, nước sông không phạm nước giếng”.

Không khuyên được, ông cũng bỏ mặc bởi “lợi nhuận từ lò gạch còn lại đủ cho tụi nó ăn chơi, miễn không nghiện là được”, ông nghĩ vậy.

Thế nhưng, lò gạch cũng dần thua lỗ, ông nợ lương công nhân khá nhiều. Con cháu ông lại dính vào cá độ bóng đá với số nợ gần 10 tỷ. Ông bắt đầu đem đồ cổ trong nhà ra bán đi với hy vọng gỡ gạc lại phần nào.

Nhưng khi đem ra bán, được các chuyên gia giám định kỹ càng, ông mới ngã ngửa hơn 8 phần hàng ông mua được tuy là đồ cổ nhưng toàn là nồi niêu xoong chảo, sách chép tay, không có giá trị về cổ ngoạn, chỉ có giá trị văn hóa bình thường.

2 phần còn lại, những thứ như tranh họa, đồng tiền xưa, đồ ngọc… lại là hàng phế phẩm, giá trị chỉ bằng 1/100 hàng chính phẩm thực sự.

Chỉ còn 9 miếng ngói lưu ly, ông bán lại cho một nhà sưu tầm Hồng Kong được hơn 700 triệu. Ông kể: “Trả nợ lương công nhân xong, tôi bán luôn lò gạch được 2 tỷ. Nhờ công an vào cuộc, sau cùng cũng trả hết nợ cho đám con cháu ăn bám".


Quang cảnh mua bán tấp nập trong chợ ve chai triệu đô

Quang cảnh mua bán tấp nập trong "chợ ve chai triệu đô"

"Đừng cược vận may với trời"

Nhưng lúc này, gia sản mất hết, chỉ còn căn nhà tổ ở Thủ Dầu Một. Ông sửa sang lại rồi cầm cố ở ngân hàng lấy tiền làm vốn bán vật liệu xây dựng lẻ. Một đống đồ giả cổ ở nhà, thỉnh thoảng ông lại lấy ra lau chùi ngắm nghía.

Sau có người xung quanh thấy, biết ông mê đồ cổ liền đem ít đồ đồng, đồ gỗ cũ chế độ trước ra hỏi bán. Ông Hoàng máu lên lại mua rồi Chủ nhật hàng tuần đem tới chợ đồ cũ ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh bán.

Ông nói: "Lời lãi không được bao nhiêu, nhưng cũng coi như thỏa cái đam mê đã làm tôi tán gia bại sản”.

Giờ đây, ông sống bằng nghề cũ, bán vật liệu xây dựng để trả nợ dần. Chủ nhật mỗi tuần, ông lên chợ phiên đồ cũ, mang theo đống hàng giả cổ và ít đồ cũ bán để sống lại không khí huy hoàng ngày xưa.

Kết thúc câu chuyện, ông Hoàng dụi mắt, thở khì một hơi thuốc và nói: “Cô em nhà báo khi viết câu chuyện của tôi nhớ nhắc mọi người rằng, muốn làm giàu thì cố gắng làm bằng đôi tay và trí óc của mình.

Đừng cược vận may với trời, tán gia bại sản như tôi là còn may mắn lắm”.


Những vật dụng được mua bán trong các phiên chợ ve chai triệu đô

Những vật dụng được mua bán trong các phiên "chợ ve chai triệu đô"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại