Đại diện các nhà văn, nhà thơ sẽ khởi kiện NXB Giáo dục VN

Thiên Di |

Cơ quan đại diện cho các nhà văn, nhà thơ cho biết năm 2015 sẽ trình lên Phó Thủ tướng ý kiến vấn đề bản quyền của các tác giả có tác phẩm in trong SGK.

“Chúng tôi cần được tôn trọng”

Đây là ý kiến thống nhất của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) trong cuộc họp với các nhà văn, nhà thơ ngày 3/2/2015 tại Hội Nhà văn về vấn đề chi trả tiền bản quyền của các tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa (SGK).

Trung tâm sẽ gửi kiến nghị trình lên Chính phủ về một số điều bất cập trong Nghị định 18 chưa phân định rõ mức nhuận bút cho tác phẩm in trong sách và thù lao cho các tác giả tham gia biên soạn.

Đồng thời đại diện trung tâm sẽ gửi hồ sơ sang văn phòng luật sư để khởi kiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vì xâm phạm có hệ thống đối với các sản phẩm được xuất bản từ năm 2014 trở về trước.

“Trong năm nay chúng tôi sẽ trình đơn lên Chính phủ về một số điểm bất cập trong Nghị định 18 về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Chúng tôi đã gửi công văn 2 lần sang Bộ GD&ĐT về vấn đề này nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Vì vậy chúng tôi sẽ gửi lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn!”, lãnh đạo VLCC nói.

nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Giám đốc VLCC).

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Giám đốc VLCC).

Nêu ý kiến về vấn đề tác quyền này, một dịch giả nổi tiếng nói: “Tác phẩm của tôi được in xuất bản 14 cuốn sách của một nhà xuất bản nhưng ban đầu tôi không quan tâm lắm đến vấn đề bản quyền.

Một lần cháu tôi nói tôi có bài đăng trên sách này, sách kia tôi mới biết. Sau đó tôi mới đi đến từng nhà xuất bản để hỏi. Hình như chuyện không xin phép đối với họ là chuyện bình thường rồi!”.

Còn nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng: “Chuyện nhà sách lấy tác phẩm của mình vào quyển này quyển kia nhưng không xin phép, không trả nhuận bút xảy ra nhiều năm nay rồi. Chuyện tiền nong đối với chúng tôi ngại lắm!”.

Chính vì thế ý kiến của đa số nhà văn, nhà thơ cho rằng việc VLCC đấu tranh về tác quyền là việc phải làm.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Đối với các nhà văn, nhà thơ đồng tiền không đáng bao nhiêu nhưng chúng tôi được tôn trọng”.

Mặt khác, nhà văn Hà Đình Cẩn nhấn mạnh: “Điều đầu tiên là các nhà văn, nhà thơ cần một lá thư cảm ơn của các nhà xuất bản khi sử dụng tác phẩm của chúng tôi vào sách xuất bản, tái bản của họ”.

Nhà xuất bản phải trả hàng tỷ đồng?

Hiện nay Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đang đại diện cho gần 1000 tác giả để cấp phép sử dụng, thu tiền sử dụng và rà soát, phát hiện các vi phạm về quyền tác giả đối với các tác phẩm của thành viên.

Đầu tháng 4/2014, VLCC đã phát hiện nhiều tác phẩm văn học thuộc thành viên của Trung tâm được NXBGDVN sử dụng trong bộ SGK đã được tái bản nhiều lần nhưng không lần nào tác giả được hỏi ý kiến và được chi trả tiền nhuận bút.

Theo thống kê của Trung tâm thì hiện nay NXBGDVN đã sử dụng tác phẩm của gần 600 tác giả được trích in trong các cuốn SGK lớp 1-12 từ năm 2002 đến nay.

Nhà văn Đỗ Hàn - Phó GĐ trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam

Nhà văn Đỗ Hàn - Phó GĐ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam

Ông Đỗ Hàn - Phó Giám đốc VLCC cho biết nửa năm qua Trung tâm đã có ít nhất 5 cuộc trao đổi, đàm phán với NXBGDVN về việc thực hiện quyền của các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được trích đăng trong SGK Tiếng Việt, Ngữ Văn.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thể thống nhất phương án chi trả nhuận bút bởi theo lãnh đạo VLCC thì mức NXBGDVN đưa ra là “khiêm tốn”, quá thấp.

Ông Đỗ Hàn đưa ra ví dụ tác phẩm của nhà văn Tô Hoài in khoảng 6 trang trong SGK.

Nếu theo cách tính nhuận bút của NXBGDVN thì sẽ là 270.000 đồng, mỗi lần tái bản được từ 25.000 – 30.000 đồng.Tổng cộng tiền bản quyền tác phẩm trong 12 năm qua của nhà văn là 600.000 đồng.

Về việc này, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Giám đốc VLCC) nói: “Bằng nhiều lý do khác nhau NXB GD vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK.

Nhà xuất bản coi đó là sự “ban ơn” đối với các tác giả chứ không phải trân trọng điều ấy. Trung tâm không chấp nhận mức trả bản quyền “một cục” cho các nhà văn khoảng vài trăm nghìn chia đều cho mỗi năm thì mỗi nhà văn chỉ được vài chục nghìn đồng”.

Lãnh đạo VLCC xác định đây là cuộc đấu tranh bền bỉ, dai dẳng và Trung tâm sẽ tiếp tục đòi lại quyền lợi xứng đáng cho các nhà văn, nhà thơ.

Theo cách tính của VLCC thì số tiền mà NXBGDVN phải chi trả khoảng 420 tỷ từ năm 2002 đến nay cho các nhà văn chứ không phải 35 triệu hay vài chục triệu như vậy!

Ông Đỗ Hàn - Phó Giám đốc VLCC nói thêm: “Chúng tôi đang đi làm một quy trình ngược, đáng lẽ ra nhà xuất bản phải chi trả tiền bản quyền khi sử dụng các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ chứ không phải chúng tôi đi lấy từng đồng.

Đây là việc giải quyết hậu quả của 12 năm chứ không phải đi xin. Nếu nhà xuất bản sử dụng hay sửa tác phẩm thì phải xin phép tác giả hoặc gia đình tác giả”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại