Đại biểu QH: Cỗ xe chi tiêu ngân sách đang cần người đạp phanh

Hoàng Đan |

Đại biểu Lê Nam cho rằng, cỗ xe tiêu pha ngân sách vẫn chạy theo cách thức, con đường đi lâu nay mà chưa có điều chỉnh, cần ai đạp phanh, phanh như thế nào để không gây tai nạn.

Cỗ xe ngân sách vẫn lao dốc không phanh?

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố Hải Phòng rộng 324 ha với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Trong đó ngân sách trung ương gần 6.855 tỷ, còn lại là ngân sách TP Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bên lề kỳ họp thứ 10, trao đổi với chúng tôi, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc chi tiêu ngân sách quốc gia, tại kỳ họp này đã và đang gióng lên những hồi chuông cực kỳ khẩn thiết.

"Cần thiết phải có quyết định ngay của Quốc hội, Chính phủ, của Đảng, nhà nước về điều chỉnh quản lý Ngân sách Nhà nước.

Chúng ta thấy đó là tiếng nói thống nhất của tất cả các đại biểu Quốc hội, của lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Từ việc nói phải đi đến hành động, những quyết định cụ thể về quản lý ngân sách giờ như thế nào. Về chi tiêu công, chúng ta vẫn đi theo con đường lâu nay chúng ta vẫn đi như thế.

Những con tàu, cỗ xe tiêu pha ngân sách vẫn chạy theo cách thức, con đường vẫn đi lâu nay, vẫn chạy như vậy mà chưa có điều chỉnh, cần ai đạp phanh, phanh như thế nào để không gây tai nạn, phanh như thế nào là hợp lý và như thế nào để đạt mục tiêu đặt ra.

Đã đến lúc Đảng, nhà nước, Chính phủ và Quốc hội phải có quyết đinh, giải pháp cụ thể. Nói thì thống nhất cao rồi còn làm thế nào. Đại biểu Quốc hội không thể đặt ra giải pháp cụ thể là như thế nào.

Câu trả lời thuộc về Chính phủ. Chính phủ đề xuất Quốc hội, bản thân Quốc hội đặt ra vấn đề để Chính phủ có giải pháp. Yêu cầu hiện nay đã đặt ra đến mức như thế", ông Nam nêu.

Đại biểu Nam cũng nhận định, không ai phủ nhận tỉnh nào cũng muốn có quảng trường hoàng tránh để tổ chức các hoạt động công cộng, cho nhân dân vui chơi.

"Nhưng trong tình hình nợ công tăng cao, ngân sách eo hep, các tỉnh có nên ưu tiên cho việc  tiên xây quảng trường hoành tráng?

Tôi không bình luận cụ thể địa phương nào, tuy nhiên, yêu cầu xây quảng trường rất khách quan. Bất cứ địa phương nào cũng cần xây quảng trường vì là bộ mặt , là trung tâm sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt chính trị và cũng là những yêu cầu của người dân.

Phối cảnh tổng thể dự án. Ảnh: PLTP
Phối cảnh tổng thể dự án. Ảnh: PLTP

Những yêu cầu đó là chính đáng của người dân chứ không phải chỉ là của quan chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần phải tính toán làm sao thật sự hợp lý, phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện quốc gia. Tôi thấy điều đó cần phải đặt ra.

Chính phủ nên xem lại xem các địa phương như vậy là như thế nào, không  nên các địa phương được quyết định xây dựng. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ nên có chỉ đạo.

Tôi nghĩ là xây dựng quảng trường, nếu hợp lý thì nên nhìn nhận  ở góc độ hoàn toàn chính đáng, cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, nếu hoành tráng quá đáng, nên tính toán lại", ông Nam nhấn mạnh.

Cần có quy định chung

Ông Nam cũng đánh giá, việc xây dựng trung tâm hành chính, đặc biệt trong yêu cầu cải cách hành chính hiện nay là cần, nhưng phải xem lại hệ thống công sở đã đầu tư xây dựng mấy chục năm qua còn dùng được hay không.

"Vì có nơi khi xây dựng trung tâm hành chính xong, tất cả cơ sở vật chất hàng trăm tỷ, tiền bạc của nhân dân để không, sợ rơi vào tình trạng đó là lãng phí.

Lúc làm đề án thì nói bán đi để lấy tiền làm trung tâm hành chính, lúc xong lại không bán được, gây sự lãng phí lớn.

Thứ hai, việc xây dựng làm sao phải bảo đảm thống nhất. Tôi thấy hình như chưa có quy định trung tâm hành chính thì phải như thế nào?

Trụ sở uỷ ban nhân dân tỉnh này phải giống tỉnh khác. Đó là khoảng trống cần phải được quy định, lãnh đạo thống nhất, không để mỗi nơi xây theo số lượng tiền bạc, kiến trúc không có thống nhất. Chi tiêu cho cơ quan quyền lực phải theo quy định chung.

Quay lại câu chuyện Chính phủ cần phải có quy định về trung tâm hành chính công như thế nào. Phải có quy định, có tỉnh mấy nghìn tỷ cũng không đủ, có tỉnh lại mấy trăm tỷ cũng đủ", ông Nam nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, xây trụ sở chính là chi tiêu dùng. Việc xây dựng trụ sở cho các cơ quan trong hệ thống chính trị bằng ngân sách là chi tiêu dùng và phải tiết kiệm tiêu dùng.

"Đó là nguyên tắc, nếu chưa thống nhất nguyên tắc này sẽ rất khó xử lý. Tôi đề nghị Quốc hội phải xem như vậy khi phân bổ về ngân sách.

Ở Đà Nẵng họ đã làm trung tâm hành chính trên cơ sở lấy toàn bộ các cơ quan rải rác gom lại, bán quỹ đất đó lấy nó nuôi nó chứ không lấy ngân sách mà thực chất chính là lấy thuế của dân xây trụ sở.

Một số địa phương khác như Khánh Hòa tôi nghe nói cũng làm như vậy.

Theo quan điểm của tôi, không có lý do gì để chấp nhận việc dùng tiền ngân sách để xây dựng trụ sở hoành tráng trong điều kiện nợ nần như hiện tại. Nếu cho làm như thế, chúng ta không ăn nói được với dân", đại biểu Trần Du Lịch cho biết.

 

 
Đại biểu Bùi Đức Thụ
Có một số tỉnh xây dựng trụ sở mà tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo quy định ngân sách, giao cho các tỉnh quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn ngân sách của mình. Vì vậy, tôi đề nghị trong bối cảnh chung cảu đất nước như vậy cần phải cân nhắc, rà soát, các danh mục đầu tư, quyết định đầu tư một cách hợp lý, phù hợp với tính hình chung. Không nên đầu tư những cái chưa cần thiết ảnh hưởng đến an ninh tài chính Quốc gia, đến việc gia tăng nợ công của đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại