“Đại án” Dương Chí Dũng: Bên lý, bên tình

Nhật Minh (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Dương Chí Dũng vừa bị kết án tử hình ngày 16/12/2013 thì khoảng 3 tuần sau (07/01/2014) người em trai ruột Dương Tự Trọng cũng đối mặt với bản cáo trạng 12-20 năm tù.

Trong khoảng thời gian ngắn, hai án lớn liên tiếp cho hai người con trai gia đình họ Dương đã hóa thành bi kịch đầy đau thương.

Anh bị kết án tử hình tháng trước, em đối mặt án 20 năm tù tháng sau

Với cáo buộc làm thất thoát hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng (SN 1957 tại Hải Dương, nguyên cục trưởng Hàng hải và chủ tịch HĐQT Vinalines) bị kết án tử hình cho hai tội danh: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.

Theo nguồn tin trên Dân Việt, ông Dũng đã có đơn kháng cáo gửi từ trại giam B14 Bộ Công an lên tòa án với nội dung: Xin xem xét mức độ trách nhiệm trong việc buộc tội bị cáo Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời kêu oan về việc bị buộc tội Tham ô tài sản.

Ông Dương Tự Trọng vì tổ chức cho anh trai bỏ trốn ra nước ngoài nên cũng mắc vào vòng lao lý. Theo tờ Đất Việt, ông Nguyễn Đình Hưng – luật sư bào chữa cho Dương Tự Trọng khi nói về vấn đề này đã cho rằng: “Việc giúp anh bỏ trốn là việc tất yếu của người Việt, máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh. Ý thức ban đầu của Trọng là giấu anh mình đi để hết cơn khủng hoảng thôi, trốn đi rồi thì Trọng phải chịu hậu quả đã xảy ra”.

Theo đó, bị can Dương Tự Trọng (SN 1961, ở Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an) cùng 6 bị can khác bị truy tố về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Vụ án này sẽ được xét xử trong 2 ngày 07-08/01/2014 tới, với tội danh này, Dương Tự Trọng có thể sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù.

2 anh em Dương Chí Dũng.

Theo tờ Tiền Phong, trong 5 anh em của gia đình ông Dũng, người được coi là học hành nghiêm túc nhất, tính tình ngay thẳng và đầy chất nghệ sĩ là Đại tá Dương Tự Trọng. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, ông Trọng gia nhập lực lượng công an Hải Phòng.   

Với tố chất thông minh, bản lĩnh của lính hình sự, ông Trọng nhanh chóng được đồng nghiệp nể phục, cấp trên tin dùng khi chỉ huy triệt phá nhiều băng nhóm giang hồ đất Cảng.   

Con đường quan lộ đầy hứa hẹn của Đại tá Trọng bỗng chốc tiêu tan, lâm cảnh lao lý khi tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. 

Cuộc trốn chạy của ông Dũng đã làm gần chục cán bộ công an Hải Phòng nhúng chàm chỉ vì tình nghĩa giúp sức ông này bỏ trốn.   

Được biết, trong phiên xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm tới đây, ngoài 2 luật sư bảo vệ cho cựu Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng còn 3 luật sư Trần Thiện Thuật, Nguyễn Thái Hòa, Đặng Việt Hùng tham gia bào chữa cho các bị cáo.  

Mẹ già, vợ và em gái cùng cầu một bản án nhẹ hơn

Trong suốt thời gian diễn ra phiên xét xử Dương Chí Dũng, bà Phạm Thị Mai Phương, người vợ của ông luôn có mặt ở phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan (và cũng là người nhà của bị cáo) với hi vọng mong manh về một bản án nhẹ hơn cho chồng. Dù trước đó, người vợ này biết rõ những bê bối tình tiền của chồng,

Tờ Đời sống và Pháp luật đưa tin, bà Mai Phương đã gửi đơn kêu oan cho chồng. Trong đơn, bà khẳng định: “Tôi biết chồng tôi có con trai với người phụ nữ khác và tôi đồng ý việc này, vì tôi có ba con gái mà chồng tôi lại là con trai trưởng. Tiền mua nhà cho cô gái đẻ con trai cho chồng tôi hộ tôi là tiền của tôi, số tiền tôi mua đất dự án hộ Sơn. Hơn 30 năm chung sống, tôi hiểu chồng tôi không phải là người làm giàu bất chính, không có chuyện anh ấy cầm 10 tỷ đồng hối lộ như nhiều báo đã nêu. Điều này cũng được khẳng định khi cả ba luật sư bào chữa cho chồng tôi đều nói rằng: Chồng tôi không thừa nhận sự việc nhận tiền hối lộ trên. Anh ấy đã nhờ luật sư xác minh gốc gác của mọi vấn đề, kể cả việc nhờ luật sư bay sang nước ngoài để xác minh và minh oan cho anh ấy”. 

Bà Phương, vợ ông Dương Chí Dũng.

Cho đến phút cuối cùng, bà Phương vẫn mong các cơ quan chức năng xác minh làm rõ những tình tiết cũ và những tình tiết mới của bà vừa nêu, để đảm bảo sự công minh, khách quan cho ông Dương Chí Dũng. Và, bà đã khóc ngất lên khi nghe tòa tuyên án tử hình chồng.

Cụ Trần Thị Hương - người mẹ 81 tuổi của Dương Chí Dũng đã gửi “Đơn xin cứu xét” mong pháp luật xác định thêm các tình tiết để làm rõ hành vi tham ô của con trai dù vụ án chậm lại mấy tháng.

Cụ viết: “Chúng tội hiện giấu bố các cháu về những sự việc đau đớn và khắc nghiệt này. Tôi sợ rằng, với bản chất của một lão thành cách mạng, ông cụ sẽ không chịu nổi những sự việc này khi tuổi đã 90”. Bố của ông Dũng là cụ Dương Khắc Thụ - nguyên Giám đốc Công an TP. Hải Phòng.

Cụ thống thiết bày tỏ: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ ông đã không hề tiếc mạng sống vì dân tộc, một lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đến khi ở giai đoạn cuối cuộc đời, cụ phải đứng trước một thảm cảnh bi thương của các con… Tôi không dám bao che, chưa dám xin giảm án, mà chỉ xin các cơ quan hành pháp bình tĩnh trước khi phán quyết sự sống của một con người”.

Cụ cũng mong muốn cơ quan pháp luật xác định thêm những tình tiết quan trọng của vụ án mà con trai mình đã đề nghị trong phiên xử sơ thẩm. Cụ thể như ai là người đại diện Vinalines thỏa thuận việc mua ụ nổi 83M tại Nga, hay ai đã thỏa thuận với Công ty AP (môi giới) về khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD.

Với mong muốn các cơ quan hành pháp chấp thuận đề nghị của ông Dũng được đối chất với giám đốc AP. Theo cụ thì những nguyện vọng đó là chính đáng và cơ quan điều tra có thể làm rõ được; dù vụ án có chậm lại mấy tháng, thậm chí dài hơn nữa để xác định rõ thì cũng không ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Cụ cũng mong được cơ quan pháp luật tạo điều kiện để cho con trai bà cùng gia đình được thỏa nguyện…

Đau xót, nhớ nhung, thương cảm trước chuyện của anh trai mình, bà Dương Thị Băng Tâm cũng viết “tâm thơ” để bày tỏ nỗi niềm: “Anh hãy về đi anh ơi/ Cho dù giọt máu của trái tim rơi/ Cho dù lòng anh nhức nhối/ Đau đến tận cùng, khổ đến tận tâm/ Thổn thức, xót xa, ân hận…/ Em ngồi đây sau dư chấn của anh/ Mà trái tim chuyển thành màu xanh dại/ Thương bố mẹ già tê tái…”. Sau bài thơ “Anh hãy về đi”, bà Băng Tâm cũng gửi đến ông Dương Chí Dũng một số bài thơ khác như “Anh về”, “Anh phải khỏe”, gây xúc động cho người đọc.

Chị Tâm năm nay 47 tuổi, trú tại phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, là con thứ ba trong gia đình họ Dương nổi tiếng đất Cảng. Bà chia sẻ: “Đây là một chuyện xót xa, là nỗi buồn cho cả một gia đình nay đang trong cơn bĩ cực. Nếu chỉ mới hơn một năm về trước, nhà họ Dương vẫn còn được coi một “danh gia vọng tộc” nhất nhì đất Cảng thì nay mọi thứ đã sụp đổ một cách chóng vánh”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại