Đã chốt phương án lưu giữ xác "cụ rùa" Hồ Gươm chưa?

Hoàng Đan |

Các nhà khoa học đã đề xuất ba phương án, đó là bảo quản ướt (ngâm xác rùa trong hóa chất), bảo quản khô hoặc làm tiêu bản.

Sau khi "cụ rùa" qua đời, xác của "cụ" đã được chuyển về bảo quản tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 2/3, PGS Hà Đình Đức, người được gọi là "nhà rùa học" cho biết, cuộc họp của TP Hà Nội trước Tết Nguyên đán Bính Thân với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đã quyết định bảo quản lâu dài xác "cụ rùa".

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội vẫn chưa chốt được cách bảo quản như thế nào nên xác rùa vẫn đang được bảo quản lạnh, chờ xử lý.

Cũng theo PGS Đức, tại cuộc họp trên, các nhà khoa học đã đề xuất ba phương án là bảo quản ướt (ngâm xác rùa trong hóa chất), bảo quản khô hoặc làm tiêu bản.

Hai phương án được dùng phổ biến là bảo quản khô và bảo quản ướt. Bảo quản ướt bằng cách xây dựng bể chứa, ngâm mẫu vật trong cồn.

Ưu điểm của phương pháp này là mẫu vật được bảo quản nguyên trạng, nằm trong bể nên gần gũi với điều kiện ngoài tự nhiên, chi phí rẻ, yêu cầu kỹ thuật không phức tạp.

Mẫu vật được bảo quản lâu dài, có thể phục vụ để làm các nghiên cứu khác như phân tích gen, bảo tồn gen.

Phương án bảo quản khô, theo PGS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thì phải yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, chế tác phải đảm bảo, không làm hư hại, việc bảo quản phải đáp ứng một số điều kiện.

Còn phương án làm tiêu bản, theo TS Vũ Ngọc Thành, đầu tiên phải lấy hết nội tạng, sau đó bơm thuốc chống thối vào chỗ có nhiều cơ, tiếp đó là sấy và bôi thuốc chống mốc.

“Trong quá trình sấy, diềm thịt ở mai dễ bị teo lại. Để tránh việc này người ta thường dùng vật liệu nhân tạo để làm giống miếng thịt đó và tạo màu hình khối”, TS Thành nói.

Thông thường các nhà khoa học sẽ không tạo hình bộ yếm mai của rùa mà chỉ tạo hình tay, chân, cổ, đuôi. Quá trình này mất một thời gian.

Theo PGS Hà Đình Đức, việc sử dụng phương án nào trong ba phương án trên còn nhiều tranh luận. Trong đó phương án bảo quản ướt không nhận được sự đồng thuận cao.

Việc quyết định phương án cuối cùng sẽ được chốt vào cuộc họp diễn ra trong thời gian tới.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho hay, đơn vị đã làm tờ trình phương án xử lý xác cụ rùa lên UBND Hà Nội.

Sắp tới sẽ tổ chức cuộc họp của hội đồng khoa học lần nữa để cân nhắc. Phương án cuối cùng sẽ dựa vào kết luận của thành phố.

Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu tiên từ năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này.

Năm 2011, Quỹ bảo tồn rùa (TCF) xếp rùa Hoàn Kiếm là một trong 25 loài rùa bị đe dọa cao nhất thế giới. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN xếp loài này vào mức cực kỳ nguy cấp (CR) năm 2010.

Đứng đầu trong danh sách các loài rùa đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, rùa Hoàn Kiếm còn bốn cá thể tồn tại được biết đến.

Hai cá thể được ghép đôi tại Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc, một cá thể ở hồ Hoàn Kiếm và cá thể cuối cùng được phát hiện tại hồ Đồng Mô, Hà Nội.

Năm 2011, Hà Nội đã đưa cụ rùa lên khám bệnh và chữa trị trong hơn ba tháng, sau đó thả về tự nhiên cùng rất nhiều thức ăn dự trữ là cá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại