Cứu sống bé trai ngưng thở vì biến chứng bệnh sởi

Ngày 26/2, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, đang có hơn 30 bệnh nhi điều trị nội trú sởi, đa số có biểu hiện suy hô hấp.

Trong số đó, một ca bị biến chứng rất nặng, phải họp hội chẩn gấp chiều ngày 25/2. Bệnh nhi tên là Q., sinh vào tháng 1/2013, quê Bình Phước, chưa chích ngừa sởi. Bé Q. bị nổi ban 3 ngày, suy hô hấp dẫn tới ngưng thở, phải nhập viện cấp cứu.

Hiện nay bệnh nhi vẫn đang phải thở máy, tình trạng hết sức nguy kịch do bệnh sởi biến chứng làm viêm phổi nặng.

Ngoài ra, còn 4 trường hợp bệnh nhi sởi khác cũng đang suy hô hấp nặng đang được theo dõi tích cực.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh sởi là một bệnh có thể tự điều trị tại nhà, tuy nhiên hiện nay lượng bệnh nhân sởi đang ngày một gia tăng, nhiều ca bệnh nặng, bị biến chứng.

Bệnh sởi nếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng, suy dinh dưỡng. Còn nếu bệnh xảy ra ở người lớn thì các biến chứng dễ gặp là viêm cơ tim, viêm não.

Vừa qua trên toàn quốc đã ghi nhận 7 ca tử vong do sởi. Bác sĩ Khanh cho rằng, bệnh nhân sởi có thể tử vong do các nguyên nhân: Có sẵn bệnh nền, suy dinh dưỡng, thiếu máu.

Về chủng virus gây sởi, bác sĩ Khanh cho biết không có gì thay đổi. Sở dĩ nhiều ca mắc sởi như hiện nay chủ yếu do phụ huynh không cho con đi chích ngừa.

“Tôi đã cảnh báo sẽ có dịch sởi sau Tết từ tháng 11/2013. Khi đó hỏi các bệnh nhi chẳng bé nào đi chích sởi cả. Trẻ không chích ngừa, sau Tết có dịch là đương nhiên.”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh lưu ý những điều cần tránh khi trẻ bị sởi. Phụ huynh không trùm kín trẻ vì sẽ làm sốt cao hơn, đặc biệt phải từ bỏ quan niệm tránh nước, tránh gió, kiêng tắm rửa. Vệ sinh không sạch sẽ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm.

Nhiều gia đình còn bắt trẻ bị sởi ăn kiêng, khiến cơ thể đang yếu, đề kháng kém, lại bổ sung dinh dưỡng không đầy đủ, không có sức chiến đấu với bệnh tật.

Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP.HCM sởi chính là một tình trạng nhiễm siêu vi.

Đối với trẻ con, hệ miễn dịch chưa ổn định nên rất dễ bị sung huyết, xuất tiết dịch ở mũi, họng…

Siêu vi sởi là một dạng đặc biệt, có đặc điểm vào một giai đoạn sẽ gây ra dịch ở niêm mạc mũi, mắt, miệng. Khi bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn ở đâu thì sẽ gây ra các biến chứng tổn thương ở đó.

Điều trị sởi, chủ yếu là chăm sóc nâng đỡ thể trạng. Khi có biểu hiện biến chứng bác sĩ sẽ xem xét tùy tình trạng mà cho loại kháng sinh thích hợp…Như các loại bệnh do siêu vi khác, nếu không bị bội nhiễm, biến chứng, bệnh sẽ khỏi sau khi khởi phát 1 tuần.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại