Cuộc đào thoát sinh tử
Mãi đến bây giờ, 2 phu vàng trẻ con Phạm Văn Hảo (SN 1997) và Phạm Văn Cường (SN 1995, đều là người dân tộc Mường, cùng trú thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại tháng ngày khổ sai và cuộc vượt rừng sinh tử.
"Nhà cháu nghèo lắm, không có ruộng nương nên đói ăn. Hôm tết vừa rồi nghe mấy đứa bạn cùng làng bảo có bác Ảnh về quê tuyển người đi làm công nhân khai thác vàng ở tận Phước Sơn, Quảng Nam lương cao lại được ăn no nên cháu tìm đến. Bác Ảnh nhận và lo chi phí vào bãi vàng xin việc" - em Hảo kể.
Trong trí nhớ của mình, Hảo kể: Sau khi được bác Ảnh nhận, em về rủ bạn cùng làng là Cường cùng đi.
Em và Cường đi cùng với 36 người cùng quê. Trên đường đi ông Ảnh lo ăn uống và tiền xe rồi còn hứa trả lương cao, làm vài năm là giàu. Nghe vậy, tụi trẻ đứa nào cùng khấp khởi mừng thầm.
Sau 1 ngày đêm, xe đưa cả đoàn vào đến Đà Nẵng. Sau đó, sang xe và tiếp tục lên Phước Sơn. Ông Ảnh đưa cả đoàn lội bộ hơn 1 ngày vào bãi vàng Phước Thành và bàn giao cho chủ bãi vàng.
Trong trí nhớ của mình, Hảo và Cường kể về những tháng ngày khổ sai kinh hoàng nơi hầm vàng giữa rừng sâu xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
"Bãi vàng ở xã Phước Thành 4 bề là núi rừng thăm thẳm, tất cả người trong đoàn được chủ bãi chia làm 2 ca làm việc dưới sự giám sát của một người đàn ông hung dữ.
Em và Cường nhỏ nhất đoàn được phân công xuống hầm sâu đào quặng. Làm việc gần 1 tháng nhưng chủ thường xuyên bỏ đói và không trả lương nên cả nhóm hơn 10 cùng làng quyết bỏ trốn về Khâm Đức, Phước Sơn.
Ra đến Phước Sơn, em và Hảo gặp 1 người đàn ông nói giọng Bắc bảo muốn có tiền thì theo ông đi làm vàng và trả lương cao. Do không có tiền về quê nên tụi em nhắm mắt theo ông này đi làm" - Hảo nhớ lại.
Người đàn ông đưa Hảo và Cường cùng 8 người khác đi hơn 1 ngày đường về bãi đào vàng Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Tại đây, Hảo và Cường bị chủ hầm vàng bắt làm cả ngày lẫn đêm. Không chịu nổi lao động khổ sai nên Hảo và Cường cùng 8 người trong nhóm bàn nhau tìm cách bỏ trốn.
Hảo kể tiếp: ngay sau khi hết ca làm, cả nhóm bỏ chạy vào rừng trốn thoát.
Hơn 2 ngày chạy trốn trong rừng sâu thuộc địa bàn Tiên Phước, đến tối ngày 28-3 cả 2 em ra đến khu vực ngã ba xã Tiên Thọ. Vì đói nên phải vào nhà dân bên đường xin ăn.
Khi ra lại ngã ba Tiên Thọ, 2 em gặp lại ông chủ bãi vàng và bị bắt, dọa đánh. Tuy nhiên một cán bộ của xã Tiên Thọ đã can thiệp và đưa cả 2 về nhà rồi báo chính quyền địa phương can thiệp, lúc đó ông chủ bãi vàng mới bỏ đi.
Cuộc giải cứu phu vàng trẻ con
Ngay trong đêm ngày 28/3, cả 2 em Hảo và Cường được cán bộ xã nọ và bà con ở ngã ba xã Tiên Thọ bảo bọc cho ăn, cho ngủ và báo ngay cho công an địa phương, chính thức thoát khỏi cuộc truy đuổi của chủ bãi vàng.
Đến sáng 29/3, công an xã Tiên Thọ đã đưa 2 em về trụ sở xã và lập biên bản tiếp nhận vụ việc.
Ông Nguyễn Xuân Khanh, Trưởng Công an xã Tiên Thọ cho biết, khi nhận được tin đã nhanh chóng cử cán bộ đến bảo vệ các em tránh khỏi sự truy đuổi của chủ hầm.
"Rất may là chúng tôi có mặt kịp thời nên mấy tên truy đuổi các em không dám ra mặt.Để đảm bảo an toàn cho các em, chúng tôi cử người bảo vệ, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng của tỉnh đưa các em về Tam Kỳ, đảm bảo an toàn và tránh khỏi sự truy đuổi của chủ hầm" - ông Khanh kể.
Sáng 29/3, công an xã Tiên Thọ đã cử người đưa các em về Trung tâm công tác xã hội Quảng Nam để chăm sóc.
Sáng hôm nay (1/4), có mặt tại Trung tâm công tác xã hội thuộc Sở LĐTB&XH Quảng Nam , cả 2 em Cường và Hảo được các cán bộ của trung tâm chăm sóc đặc biệt.
Chị Nguyễn Thị Lành, tư vấn tâm lý của trung tâm cho biết, hôm tiếp nhận, các em đều hoảng loạn, lo lắng.
"Suốt mấy ngày qua chúng tôi đã chăm sóc đặc biệt và tư vấn tâm lý nên các em đã qua cơn hoảng loạn và chúng tôi đã liên lạc với gia đình. Chờ các em bình phục sẽ tạo điều kiện đưa về với gia đình" - chị Lành nói.