Cục trưởng Hàng không từng phủ nhận nhân viên sân bay ăn cắp đồ

Pha Lê |

Trong thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã phản ánh về tình trạng thất lạc, mất đồ tại sân bay.

Những món đồ bị mất thường có giá trị cao như đá thạch anh, điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng...

Theo phân tích của những đơn vị liên quan, quy trình vận chuyển hành lý tại sân bay là khép kín, do nhiều đơn vị đảm nhận và các hoạt đồng đều có camera theo dõi.

Các công ty dịch vụ mặt đất, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc vận chuyển hành lý đều khẳng định “quy trình, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa đều rất chặt chẽ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Thế nhưng, dây chuyền phục vụ hành lý tại các sân bay từ khâu làm thủ tục, soi chiếu, xếp dỡ đến khi đưa hành lý lên máy bay vẫn còn có “lỗ hổng”, “điểm mù” tạo điều kiện cho kẻ xấu móc trộm hành lý ký gửi của hành khách.

Ai là người trộm đồ tại sân bay?

Tình trạng mất cắp liên tục gia tăng khiến cho không ít người đặt ra câu hỏi: ai là người đã “ăn cắp” đồ của hành khách tại sân bay?

Trao đổi về vấn đề này, giữa tháng 6/2015, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện nhân viên soi chiếu vi phạm.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc móc nối giữa các nhân viên với nhau, các bộ phận với nhau”.

Đồng quan điểm, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương nhấn mạnh: “Quy trình rất chặt chẽ thì chỉ còn con người, do con người mà thôi.

Tình trạng mất cắp chỉ xảy ra trên máy bay, trong khu vực xử lý hàng hóa, trong khu vực hạn chế của nhà ga, khu bay thì chắc chắn có sự tiếp tay trong nội bộ nhân viên”.

Ông Trần Văn Hiệp, Phó Giám đốc Jetstar miền Bắc đã từng chia sẻ trên báo chỉ về việc hãng từng phát hiện hai vụ mất trộm đồ ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài khi nhân viên của hãng cấu kết với nhân viên bốc xếp lấy đồ của khách.

Còn đại diện hàng không VietJet cho biết, các hãng hàng không trên toàn thế giới đều khuyến cáo không để đồ quý giá trong hành lý ký gửi vì họ không tham gia trực tiếp các công đoạn trên nên không dám đảm bảo việc mất mát, thất lạc sẽ không xảy ra.

Trước những luồng thông tin trên, trong cuộc họp về tình hình mất cắp hành lý ở sân bay tại Bộ Giao thông Vận tải diễn ra hôm 18/6 vừa qua, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết:

"Hệ thống camera chưa giám sát, bao quát được toàn bộ khu vực xử lý hành lý, còn nhiều vị trí là camera cố định không quan sát được như hầm hàng của tàu bay, container hành lý ký gửi”.

Đồng thời, ông cũng khẳng định, qua kiểm tra, đơn vị đã loại bỏ khả năng móc nối giữa nhân viên an ninh và bốc xếp.

"Nhân viên an ninh bị kiểm soát ngặt nghèo, không được sử dụng điện thoại khi làm việc”, ông lý giải.

Trái ngược với quan điểm của vị Cục trưởng trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, chủ yếu là do nhân viên nội bộ trộm cắp, không thể có người ngoài vào sân bay rạch đồ, ăn cắp hành lý của hành khách được.

Đồng thời, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh lại báo cáo tổng kết đánh giá về an ninh, an toàn hàng không, trong đó có vấn đề mất cắp tài sản.

Camera an ninh đã và đang phát huy tác dụng

Để giảm thiểu tình trạng mất cắp hay thất lạc hành lý, các sân bay lớn tại Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, hàng trăm camera hoạt động liên tục đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sơ hở nào.

Thậm chí, quần áo của nhân viên làm việc trong kho hàng cũng không được may túi, điện thoại không được dùng, tất cả người và phương tiện chỉ đi qua một cửa kiểm soát duy nhất.

Mới đây, trao đổi với Báo Giao thông, Chánh văn phòng Cục Hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Văn Hưng cho biết, camera an ninh tại sân bay đã và đang phát huy tối đa tác dụng trong việc giúp phát hiện nhiều trường hợp bị mất đồ tại sân bay.

Cụ thể, sáng ngày 28/6, hành khách Elias Beth Meyblum (quốc tịch Pháp) đi từ sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Pháp) về Hà Nội đã bị mất chiếc iPhone 6 để trên xe đẩy tại khu vực sảnh công cộng tầng 1 thuộc nhà ga T2.

Kiểm tra hình ảnh, lực lượng an ninh hàng không phát hiện người lấy điện thoại đã di chuyển ra hướng cầu Thăng Long. An ninh sân bay ngay lập tức phối hợp với Đồn công an Sân bay quốc tế Nội Bài truy đuổi, tạm giữ người này, trả lại tài sản cho hành khách.

Cũng từ camera an ninh, ngày 30/6, lực lượng chức năng phát hiện hành khách Huỳnh Đình Hùng đi chuyến bay nội địa đã có hành vi chiếm đoạt điện thoại iPhone 4 để trong khay nhựa của một hành khách đi trước tại khu vực soi chiếu.

Sau khi xem hình ảnh camera, hành khách Hùng đã thừa nhận hành vi.

Gần đây nhất, ngày 1/7, hành khách Nguyễn Trọng Tuấn dự kiến đi trên chuyến bay QR835 từ Hà Nội đi Bangkok lấy trộm nước hoa và kính đeo mắt tại cửa hàng miễn thuế của Trung tâm thương mại dịch vụ.

Hành vi này của hành khách Tuấn đã không thể “qua mặt” được camera an ninh.

Ngay sau đó, anh này đã bị phát hiện tại vị trí cổng 32. Đồn Công an cửa khẩu Nội Bài, Trung tâm An ninh hàng không phối hợp với Cảng vụ Hàng không Miền Bắc lập biên bản và bàn giao cho Đồn công an Sân bay quốc tế Nội Bài xử lý.

Đối tượng Nguyễn Quốc Thắng 
Đối tượng Nguyễn Quốc Thắng

Về việc mất cắp tại sân bay, ngày 6/7, Phòng Cảnh sát hình sự (Hà Nội) cho biết, đối tượng Nguyễn Quốc Thắng nhân viên giám sát sân đỗ, phòng Tài liệu & Hướng dẫn chất xếp – Xí nghiệp TM mặt đất Nội Bài đã bị  khởi tố bị can và tạm giam về tội “Trộm cắp tài sản”.

Từ tháng 11/2014 – nay, Thắng đã liên tiếp gây ra các vụ trộm cắp tài sản trong hành lý của hành khách rồi rao bán trên mạng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định được tổng số tài sản Thắng trộm cắp được có giá trị khoảng 176 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại