CỰC LẠ: Lão nông ở Vĩnh Long và đàn lợn lớn nhanh nhờ nghe... radio

HUỲNH XÂY |

Để tránh lợn nái bị “hư thai”, lợn thịt cắn nhau, lâu lớn... ông Nguyễn Vũ Phương ở khóm 1, phường 8, TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long) đã nghĩ ra cách cho đàn lợn nhà mình nghe... radio. Với cách làm “lạ đời” này mà đàn lợn nhà ông Phương chóng lớn đến bất ngờ.

Học từ nước ngoài

Được Hội ND phường 8, thành phố Vĩnh Long giới thiệu về gương ND sản xuất giỏi, có cách làm hay, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Phương. Đến nơi, chúng tôi rất ngạc nhiên vì gần giữa trưa mà không nghe tiếng lợn kêu đòi ăn. “Sở dĩ đàn lợn nằm ngủ im là do tôi cho chúng nghe radio. Theo thói quen, khi nào thấy tôi tắt đài là tất cả các con lợn thức dậy, khi tôi mở đài thì đàn lợn đi ngủ” – ông Phương đắc chí khoe.

Ông Phương cho biết, trước đây ông chỉ nuôi vài con lợn để đẻ, rồi nuôi lớn để bán thịt. Từ khi nhận được vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh Vĩnh Long và được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, ông đã dần mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông Phương kể: “Tuy có kỹ thuật nuôi, lợn không bị bệnh nhưng lợn mẹ thường bị hư thai, còn lợn thịt thì la hét đòi ăn, cắn nhau chảy máu, lâu tăng trọng…”.

Tình trạng “mất trật tự” của đàn lợn khiến nhiều hộ dân trong khóm phiền lòng. Rồi cách đây 5 năm, một lần ông Phương đọc báo có thông tin ở nước ngoài cho bò sữa nghe nhạc làm tăng năng suất, chất lượng sữa, ông Phương quyết định thử làm trên đàn lợn đang nuôi. Và thử nghiệm của ông Phương đã mang lại hiệu quả.

Quan điểm

Ông Võ Văn Vũ • Trưởng ban Kinh tế Hội ND tỉnh Vĩnh Long

Đây là mô hình mới, lạ nhưng mang lại hiệu quả cao. Trong khi nhiều người nuôi lợn gặp khó khăn khi giá lợn biến động thất thường, dịch bệnh ngày càng nhiều thì mô hình cho lợn nghe radio của anh Phương từ nhiều năm qua lại rất thành công”.

Cách ông Phương làm là gắn chiếc radio ngay trên cây cột giữa chuồng lợn rồi đấu thêm các loa để âm thanh vừa đủ. “Lúc đầu đàn lợn chưa quen, nhưng sau khoảng 3 tháng thì chúng quen với tiếng nhạc, đến nỗi, hễ không có âm thanh trên đài là đàn lợn thức ngay.

Còn lúc đài đang mở thì có người lạ đến, đàn lợn vẫn nằm im lìm như không có chuyện gì xảy ra” - ông Phương kể. Với cách làm này, nếu ông Phương cho ăn muộn hơn khoảng 1-2 tiếng so với thời gian cho ăn hàng ngày thì đàn lợn vẫn không kêu đòi ăn...

Thành công từ thử nghiệm “dở hơi”

Lúc đầu nói ông Phương thử nghiệm cho đàn lợn nghe đài, nhiều người cho là chuyện “dở hơi”. Nhưng càng về sau, hiệu quả thấy rõ, nhiều người lại tò mò đến xem và học làm theo. Chúng tôi quan sát, ngoài việc cho đàn lợn nghe đài hàng ngày, ông Phương còn dọn dẹp chuồng sạch sẽ, không có mùi hôi của chất thải.

Ông bật mí: “Khu chuồng có diện tích 320m2, vài năm trước tôi nuôi khoảng 10 con lợn nái, mỗi năm đẻ khoảng 160 lợn con. Số lợn con này tôi nuôi thành lợn thịt và bán được tổng cộng 800 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 300 triệu đồng…”. Năm 2014 này, ông Phương nuôi 20 con lợn nái, tất cả lợn con đẻ ra ông đều nuôi để bán thịt. Dự kiến tổng doanh thu của gia đình ông Phương năm nay đạt khoảng 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 700 triệu đồng.

Theo Hội ND tỉnh Vĩnh Long, ông Phương luôn tích cực tham gia các hoạt động do Hội ND phát động, như: Góp tiền xây dựng các công trình công cộng, hỗ trợ kỹ thuật cho 30 hội viên khác về kỹ thuật nuôi lợn...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại