Bà Điệp cho hay, từ ngày chồng bà là ông Huỳnh Xuân Phước, 63 tuổi, nhập viện đến nay đã ngốn của gia đình gần cả chục triệu đồng, trong đó có 3 triệu đồng đóng trước cho bệnh viện.
Tầm trưa ngày 16/12, khi còn đang buôn bán ở chợ trên Sông Hinh (cách nhà khoảng 50 km) thì bà Điệp nhận được tin báo chồng bà bị đánh phải nhập viện. Người ra tay là ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên. Ông Bảo dùng một đoạn gỗ đập vào đầu ông Phước làm ông Phước ngất xỉu.
1 tuần trôi qua, các vết bầm tím trên mặt, mắt của ông Phước vẫn còn.
Trước đó, khi ông Phước cùng những người hàng xóm đang thi công đoạn đường bê tông liên xã (tại thôn Phước Mỹ, xã Hoà Bình 1, huyện Tây Hoà) thì bị hai người con trai của ông Bảo xông đến đánh, đấm túi bụi vào người khiến ông ngã xuống đất. Khi ông đang chuẩn bị đứng dậy thì bị ông Bảo dùng đoạn gỗ đánh vào đầu phải nhập viện.
Bà Điệp bùi ngùi nhìn chồng vẫn còn những vết bầm tím trên mặt mặc dù đã nằm viện 1 tuần. Người phụ nữ đầy vẻ âu lo trên gương mặt tâm sự, gia cảnh của không dư giả gì, chỉ trông chờ vào vào 4 sào ruộng và công việc bán buôn nhỏ lẻ của bà Điệp.Trong việc bê tông hóa đường thôn, ông Phước đóng góp đến 5 triệu đồng và hiến một ít đất để mở đường. Bà kể, gia đình không giàu có nhưng ông Phước là người khởi xướng và xin ý kiến của chính quyền địa phương để làm đường nên rất hăng hái đóng góp, tặng đất và vận động người trong làng cùng ủng hộ.
Đoạn đường nơi xảy ra sự việc.
4 sào ruộng trên do một tay ông Phước lo liệu, lại đang vào vụ sạ, nhưng ông nằm viện nên phải bỏ mặc. Trong khi đó, việc buôn bán trứng gà, vịt và gạo, mắm của bà Điệp cũng không khá mấy. “Hôm nào đắt thì lời được 100.000 đồng, còn không thì chỉ vài ba chục, thậm chí có hôm không bán được đồng nào. Đó là chưa nói người ta mua nợ, rồi tiền xe đi từ nhà lên Sông Hinh để bán”, bà Điệp ngắn dài ngao ngán.
Để có tiền lo viện phí cho ông Phước, con cái ông đóng góp mỗi người một ít, nhóm người làm đường bê tông cũng chung tay ít nhiều cho ông mượn mỗi người vài trăm ngàn. “Vết thương chồng tôi ngày càng tệ, chúng tôi xin bệnh viện cho chuyển vào TP.Hồ Chí Minh nhưng chưa thấy hồi âm. Để có tiền cho ông Phước vào TP.Hồ Chí Minh chữa trị, tôi đã rao bán bò nhưng người mua ép giá nên chưa bán. Trước mắt, chúng tôi vay đỡ năm bảy triệu để vào đó xem thế nào, rồi mới chạy vạy thêm”, bà Điệp cho biết.
Ông Võ Thành Sơn, 42 tuổi, Trưởng thôn Phước Mỹ, cho biết ông Phước chính là một trong những người khởi xướng và nhiệt tình tham gia làm đường bê tông cho thôn và được bầu làm trưởng nhóm. Còn vụ việc ông Bảo đánh ông Phước phải nhập viện, ông Sơn cho rằng đây là việc làm không thể chấp nhận được.
Ông Sơn cũng cho biết, gia đình ông Bảo hay có nhiều xích mích với hàng xóm, họ hàng nên dường như sống cô lập. Khi mọi người làm đường bê tông nông thôn thì ông Bảo hay gây chuyện.
Một cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên (xin được giấu tên) cho biết ông Bảo từ khi làm Phó giám đốc Sở Nội vụ, rồi chuyển sang làm Phó giám đốc Sở Tư pháp thường có nhiều sai phạm và bị UBND tỉnh Phú Yên kỷ luật. Cụ thể như vợ chồng ông Bảo vay mượn tiền của nhiều người nhưng cố tình không trả, thậm chí còn bị chủ nợ đánh ngay tại cơ quan. Ngoài ra, ông Bảo còn bị kỷ luật vì liên quan tới chuyện nhận hối lộ. Về việc này, chúng tôi đang đợi cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên trả lời.
Sau khi ông Bảo đánh người dân nhất xỉu, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Bảo trong 15 ngày, kể từ ngày 29/11. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên đã ra quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Bảo, đồng thời đề nghị chính quyền xử lý buộc thôi việc và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.