- Ông có nhận xét gì về công văn số 18/2013/HH-CV của Hiệp hội vận tải Hà Nội gửi đến Thường vụ Thành uỷ và UBND TP Hà Nội vào ngày 10/6/2013 đề nghị dừng điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình với phần “lưu ý” khá đặc biệt vừa qua?
Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy nó rất "lố". Công văn trên không đúng với thể thức của một văn bản hành chính nhà nước. Tôi cũng không hiểu người soạn ra công văn trên là ai, nhưng theo những gì thể hiện trên văn bản thì rõ ràng người soạn thảo cố tình hay vô ý đã thiếu hiểu biết một cách cơ bản về thể thức văn bản hành chính nhà nước.
- Về phần “lưu ý” trong công văn thì sao, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Phần “lưu ý” chính là phần đáng phải nói nhất. Như trên tôi đã nói, đó là một cái gì đó rất “lố”, dễ gây phản cảm với người xem, chứ chưa nói gì đến người, cơ quan sẽ tiếp nhận công văn đấy.
Trong tất cả các công văn, văn bản hành chính nhà nước, chứ chưa nói đến văn bản quy phạm pháp luật, một yêu cầu hay tiêu chí đầu tiên đó là phải mang tính khách quan, trung hòa, mạch lạc, dễ hiểu, tránh những từ ngữ có thể dẫn đến hiểu sai, hiểu nhầm hay “chứa” yếu tố tình cảm trong đấy.
Trong công văn mà Hiệp hội vận tải Hà Nội gửi cho UBND TP Hà Nội nói trên đã không đảm bảo được tiêu chí này. Phần “lưu ý” là thừa, nó ẩn chứa yếu tố tình cảm trong đấy, dễ khiến người đọc hiểu nhầm, hiểu sai.
- Có ý kiến cho rằng, phần “lưu ý” trong công văn nói trên không chỉ “thừa” mà còn hàm ý “đe dọa”, thể hiện rõ tính “quan liêu và cửa quyền”, ông cho rằng như thế không?
Ông Lê Như Tiến: Nếu nói phần “lưu ý” trong công văn của Hiệp hội vận tải Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội là mang hàm ý “đe dọa” thì có vẻ hơi quá, theo tôi, nó mang hàm ý “nhắc nhở khéo” thì đúng hơn. Nó không phù hợp với bản chất công vụ. Đây cũng là điều tối kị trong các văn bản hành chính nhà nước.
Theo tôi được biết, vấn đề lộn xộn ở bến xe khách Mỹ Đình đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo, đốc thúc các cơ quan, ban ngành có liên quan giải quyết. Đây là việc làm cần thiết.
Việc Hiệp hội vận tải Hà Nội gửi công văn phản hồi hay kiến nghị có thể chấp nhận, còn việc thêm phần “lưu ý” thì không thể chấp nhận được.
Việc này khiến người ta dễ hiểu nhầm sang việc đơn vị này đang “mượn danh” của một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng khác để làm sức ép lên đơn vị nhận công văn, “buộc” đơn vị nhận công văn phải làm theo ý muốn của mình.
- Trong phần giải thích của mình, ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội giải thích việc mình ký duyệt, đóng dấu và gửi công văn trên là do… không đọc kỹ, do nhầm, ý kiến của ông về lời giải thích trên như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Cách giải thích rất khó chấp nhận. Nếu nói “không đọc kỹ”, “nhầm” thì sẽ càng tai hại.
Anh là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, là người chịu trách nhiệm chính cao nhất thì nguyên tắc đầu tiên là bất kể giấy tờ, công văn nào liên quan đến anh, đơn vị anh, công việc đều phải đọc kỹ, chứ chưa muốn nói đến là công văn anh gửi đến UBND TP Hà Nội là đơn vị cấp trên của anh.
Nội dung "lưu ý" trong công văn:
Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để TP. Hà Nội “cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng
Thế nhỡ công văn người ta soạn thảo mà có nội dung làm phương hại đến cá nhân anh và cơ quan của anh thì sao, anh cũng định đọc qua loa rồi ký cho xong tay à?
Người ta có câu “bút sa gà chết” là để nhắc nhở mọi người tránh những trường hợp như thế này. Theo tôi cách giải thích trên không hợp lý và không thể chấp nhận được. Ở đây chỉ có thể là do cố ý chứ không thể nhầm được, nhất là phần “lưu ý” rất dài, lại đập ngay vào mắt người ký khi ký vì nằm ở cuối văn bản.
- Theo ông, việc “mượn danh” này có gián tiếp làm ảnh hưởng đến uy tín của những cá nhân đang giữ các chức vụ có quê hương mà phần “lưu ý” trong công văn trên đề cập đến không?
Ông Lê Như Tiến: Tôi nghĩ là có. Và thực ra thì ngay cả các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng xuất thân từ quê Thái Bình, Nam Định (như phần “lưu ý” của công văn nêu) cũng không ai muốn mình bị “mượn danh” như thế cả. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau nếu không có những biện pháp can thiệp, chấn chỉnh lại.
- Ông vừa đề cập đến “tiền lệ xấu”, ông có thể nói rõ hơn được không?
Ông Lê Như Tiến: “Tiền lệ xấu” tôi muốn nói đến ở đây là sau công văn với phần “lưu ý” trên của Hiệp hội vận tải Hà Nội nếu không được chấn chính, “tuýt còi” sớm để đưa vào đúng khuôn khổ luật pháp quy định thì rất có thể sau này lại sẽ có hàng loạt công văn khác của các cơ quan khác cũng “dựa hơi” vào những mối quan hệ như thế để “dọa” những cơ quan, đơn vị khác.
Và nếu như cách hiểu, cách làm của Hiệp hội vận tải Hà Nội thì sau này không chỉ riêng “tiền lệ” bến xe Mỹ Đình với các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng quê Nam Định, Thái Bình được “liệt kê” vào phần “lưu ý” của công văn, mà có khi sau này có những Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng,… quê ở các địa phương khác, liên quan đến vụ việc ở các bến xe khác chắc rồi họ cũng “liệt kê” ra để đưa vào công văn để làm “tăng sức nặng”. Thế thì còn ra thể thống gì nữa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Bạn đánh giá thế nào về câu trả lời của ông Bùi Danh Liên trong việc ghi lưu ý các đồng chí lãnh đạo cấp cao của nhà nước trên công văn gửi Hà Nội?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.