Công nghệ "phù phép" trà phế thải

Lần theo một vài nguồn tin đáng tin cậy, nhóm phóng viên chúng tôi đã tìm hiểu được một số đầu mối chuyên cung cấp nguồn bã từ Bình Dương.

Từ đây, một lượng lớn bã trà được đưa ngược lên vùng trà B’Lao. Qua mỗi chặng đường, trà bẩn lại được trộn lẫn, “phù phép” thành các loại trà đen, trà ướp hương thơm lừng và toả đi tiêu thụ trong cả nước.

Công nghệ "phù phép" trà phế thải
Sân phơi trà thải các loại tại cơ sở sản xuất Dũng Linh

Có ít nhất 3 “đầu nậu” chuyên cung cấp bã trà tại Bình Dương. Bã trà được các “đầu nậu” này mua lại từ nhà máy sản xuất trà xanh 0 độ và C2 rồi đem về phơi và sấy thành trà khô, sau đó tung ngược trở lại thị trường để sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Sau khi phơi, sấy khô, bã trà từ các cơ sở “độc quyền” tập kết về một kho tại TP Hồ Chí Minh rồi phân phối tới nhiều tỉnh thành, trong đó có Lâm Đồng, để tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi về Bảo Lộc, bã trà được “hoá kiếp” thành trà uống trở lại.

Theo điều tra, tại Bảo Lộc, cơ sở sản xuất trà Dũng Linh (ngụ tại đường Trần Phú, phường Lộc Tiến) là đầu mối thu mua. Sau đó “phù phép” và phân phối nhiều loại trà loại thải, bã trà không còn chất dinh dưỡng (chất trà) cho nhiều cơ sở sản xuất trà xô, trà đen, trà ướp hương… để cùng trục lợi. Qua nhiều ngày theo dõi và “bám đuôi”, ngày 9/7, một chiếc xe mang biển số Lâm Đồng của nhà xe M.T (xã Lộc Châu, Bảo Lộc) đã chất 3,5 tấn bã trà xanh sấy khô từ xưởng của ông Trung về cơ sở sản xuất thứ 2 của cơ sở Dũng Linh ở khu 6, phường Lộc Tiến. Cũng tại đây, có hàng chục tấn trà phế phẩm “thượng vàng hạ cám” chất đầy trong kho… Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe tải lớn nhỏ ra vào kho này của bà Linh để chuyển trà đi các nơi.

Để có hàng cung ứng cho các cơ sở sản xuất khác, phía sau nhà trên đường Trần Phú của cơ sở sản xuất Dũng Linh có một xưởng chuyên xay, sàng lọc và phân loại trà. Phía trước nhà, ngày ngày công nhân vẫn nhặt chè buồm, đóng bao trà khô và xuất hàng đi (chủ yếu là chè đảm bảo chất lượng). Song, phía sau lại có một khu tách biệt để sàng lọc và phân loại trà kém chất lượng.


	Cận cảnh trà phế thải được phơi tại sân phía sau nhà Dũng Linh

Cận cảnh trà phế thải được phơi tại sân phía sau nhà Dũng Linh

Để tiếp cận được khu vực sân phơi và nhà xưởng này không phải chuyện đơn giản. Chỉ có 2 công nhân lớn tuổi thân cận (1 nam, 1 nữ) mới được ra vào khu vực này. Phải mất nhiều ngày và bằng nhiều chiêu thức chúng tôi mới lọt được vào nhà xưởng Dũng Linh. Toàn khu nhà xưởng chất đầy các bao màu trắng chứa bã trà xanh, trà cọng, trà cấn và trà cám, trà bụi (chủ yếu được vét lại từ dưới nền nhà hoặc bám bụi trên tường).

Ngoài sân phơi, hàng tấn trà “cứt trâu” , trà cọng, trà như bùn có màu đen hoặc nâu, được đổ ra phơi. Cứ khoảng 3 tiếng, 2 công nhân lại ra sân dùng chân để sủi trà cho mau khô. Thời gian còn lại họ ở trong nhà xưởng để xay và sàng phân loại trà. Trong nhà xưởng lúc nào cũng mịt mù bụi, đứng cách nhau chưa đầy 1m đã không nhìn rõ mặt nhau.

Người công nhân nữ trần tình: “Làm ở đây ngày nào bụi cũng bám đầy người. Có bịt kín tới đầu thì bụi cũng len được vào miệng, vào mũi nên ngày nào cũng phải uống thuốc ho”. Còn công nhân nam liên tục đổ những bao trà màu trắng lên sàn và bảo: “Bã trà xanh khi mua về đã được sấy khô và nghiền sẵn. Chúng tôi chỉ có việc đưa lên máy sàng để phân thành 5- 6 loại khác nhau”. Xưởng sàng bã trà Dũng Linh được che bằng tôn lụp xụp chỉ rộng chừng vài trăm mét vuông nhưng chứa đủ loại từ bã cho đến bột trà. Tất cả đều được bán đi để “tái chế” cùng các loại trà khác.

Từ chỗ chỉ là bã trà phế thải hay các loại cám, bụi trà không còn chất dinh dưỡng buộc phải tiêu huỷ hoặc sử dụng vào việc khác như trồng nấm, các cơ sở sản xuất trà bất chính tại Bảo Lộc đã “phù phép” để chúng trở về lại với người uống trà. Một lão niên có nhiều kinh nghiệm tại vùng trà B’Lao chia sẻ: Loại trà này vừa không còn chất vừa chứa nhiều nấm mốc, vi khuẩn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vậy mà, ngày ngày loại trà này vẫn âm thầm len lỏi đến tay người tiêu dùng mà không hề được kiểm soát.


	Cọng trà các loại cũng được cơ sở Dũng Linh tận dụng để xay và bán tái chế

Cọng trà các loại cũng được cơ sở Dũng Linh tận dụng để xay và bán tái chế


	Công nhân đấu trộn bã trà từ miền Bắc đưa vào tại cơ sở của bà Nhung (ảnh cắt từ video clip)

Công nhân đấu trộn bã trà từ miền Bắc đưa vào tại cơ sở của bà Nhung (ảnh cắt từ video clip)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại